Tôn Nữ Thu Nga
Đầu năm 2020, tôi vừa từ nước Úc trở về sau khi hủy bỏ chương trình đi du ngoạn miền cao nguyên Việt Nam. Thời gian này, cao trào người da đen đang nổi dậy đòi hỏi nhân quyền, dân chúng tràn ra phố xá biểu tình cuồng nhiệt, cùng một lúc với con vi khuẩn Corona hoành hành khắp thế giới.
Khi về tới Mỹ, chúng tôi tự cách ly mình hai tuần cho chắc ăn trước khi gặp lại con cháu. Thế giới này, nhất là sống tại Mỹ, chúng tôi không có vấn đề gì về truyền thanh, truyền hình; mỗi khi muốn nói chuyện với con cháu là bấm vào màn ảnh trên điện thoại, thế là ông bà thấy được mặt mày của lũ khỉ con ngay. Tuy nhiên vẫn phải hy sinh những vòng tay nhỏ bé, những nụ hôn đầm ấm cho đến ngày gặp lại nhau.
Thế rồi hai tuần cũng qua, cháu ngoại lên thăm viếng, bà ngoại bận rộn nấu các món ăn Việt cho chúng. Mệt nhưng rất vui!
Hôm ấy, Evan – thằng bé 13 tuổi mon men vào bếp, nhìn bà ngoại nấu ăn, cậu ta hỏi ngoại:
-Nana, bà có nghĩ là “Black Live Matter” không?
Không cần suy nghĩ tôi bảo cháu:
-Evan, bà ngoại nghĩ là “all lives matter.”
-Tại sao vậy hở Nana?
-Tại vì Nana làm nhà thương 38 năm, Nana chữa trị cho tất cả mọi người. Da trắng, da vàng, da đen, da đỏ đều bị đau đớn như nhau khi bị bệnh cho nên Nana thấy đời ai cũng có giá trị như nhau cả.
Dường như lời giải thích của tôi đủ làm cho Evan thỏa mãn điều thắc mắc trong trí óc còn non dại của nó nên chú ta nói cảm ơn Nana rồi trở ra phòng khách tiếp tục chơi và quấy phá thằng em 10 tuổi của nó.
Từ hôm ấy, câu hỏi của Evan cứ vấn vương mãi trong tôi và câu trả lời của tôi dẫn tôi về lại các kỷ niệm xa xôi trong ký ức. Tâm trí tôi bỗng hiện ra nhiều khuôn mặt của các người bệnh tôi đã săn sóc trong những năm đầu mới ra trường của mình.
***
Bệnh nhân đầu tiên của tôi là ông Bullock, một ông già Mỹ trắng, dáng dấp thật giống ông nội của tôi, mái tóc ông trắng xóa, hay ngồi xếp chân trên giường, mũi đeo ống dưỡng khí. Khoảng bốn giờ một lần, tôi phải vào gặp ông, pha thuốc, cho ông thở bằng cái máy áp suất để sẵn bên cạnh giường. Ông nằm đây đã lâu, quen thuộc với tất cả mọi người, hiểu và nhớ các phương pháp hô hấp trị liệu cũng như tên các viên thuốc ông phải uống hàng ngày.
Lần đầu gặp tôi, ông không nói chi cả, sau khi nhìn tôi chuẩn bị thuốc men, máy móc, ông phán:
-Mày là “greenhorn.”
Tôi ngẩn ngơ không hiểu, mặt mày ngơ ngác như mán về rừng, im lặng nhìn ông, thế là ông ta bắt đầu ra lệnh:
-Cái máy này phải dời ra đây.
-Ok!
-Mày phải thêm “normal saline” cho tao vì 3cc không đủ.
-Ok!
-Tao không mang ống dưỡng khí khi thở máy.
-Ok!
Thấy những điều ông nói vô hại nên tôi bằng lòng làm theo ý ông. Sau đó, không bao giờ ông bắt bẻ tôi điều gì cả.
Khi xong việc, tôi đi kiếm Micky, bà sếp, tôi hỏi bà:
-Micky ơi, “greenhorn” nghĩa là gì? Tại sao ông Bullock gọi tôi như vậy?
Micky phá lên cười:
-“Greenhorn” là tiếng lóng, ám chỉ những người tuổi trẻ, không có kinh nghiệm nhiều. Ông ta thấy cô còn trẻ như đứa 12 tuổi nên làm tàng đấy.
Thế là câu chuyện ông Bullock gọi tôi là “greenhorn” được truyền đi khắp chốn trong khu vực bệnh viện nhỏ xíu chưa tới 20 cái giường.
Hôm ấy khoảng 11 giờ trưa, tôi mang túi thuốc tà tà bước vào phòng ông Bullock lần nữa. Chưa kịp bắt đầu, Loretta xuất hiện. Loretta là người y tá Mỹ đen, khoảng 40 tuổi, bà thấp và tròn trùng trục, tánh tình vui vẻ, lúc nào cũng nói cười líu lo. Bà dựa bên khung cửa, lấy ngón tay dứ dứ vào ông Bullock, rồi chỉ tôi:
-Cô này là bạn của tôi đó nghe, ông phải tử tế với cô ấy nhé!
-Ok Lorreta!
Ông nhìn tôi mỉm cười. Loretta mãn nguyện đẩy xe thuốc đi qua phòng khác.
Khoảng mười phút sau, người y tá trưởng Jim Goodman tạt qua nhìn chúng tôi, ông nheo mắt, cười:
-Mọi chuyện tốt cả chứ?
Tôi gật đầu:
-Cám ơn ông Goodman!
Ông ta chỉ vào ngực mình:
-Gọi tôi là Jim được rồi.
Jim chào Mr. Bullock rồi quay đi. Jim Goodman khoảng hơn 40 tuổi, Mỹ trắng, có râu cá trê, ông ta xoắn râu bằng sáp cho nó vểnh lên như râu ông họa sĩ Dali. Xong phần trị liệu, ông Bullock nhìn tôi:
-Chà, mới vào làm việc ở đây mà mày có nhiều người bảo vệ quá nhỉ? Tao đâu có dữ dằn như tụi nó nghĩ.
Tôi mỉm cười:
-Tôi không nghĩ là ông dữ nhưng những người ấy thấy tôi còn mới nên họ quan tâm đến tôi thêm một chút thôi.
Từ hôm ấy ông Bullock cũng trở thành một người bạn mới của tôi, ông giúp tôi phát âm những chữ tiếng Anh tôi không quen dùng, ông luôn luôn hỏi thăm chuyện gia đình tôi, thủ thỉ tâm sự chuyện gia đình của ông và thổ lộ những điều bất mãn với con cháu của chính ông, sự cô đơn trong tuổi già qua hơi thở khó khăn và đứt quãng. Thế nhưng không bao giờ ông nói về sự chết vì ông quý giá những ngày ông được sống, dù chỉ bằng những hơi thở khó khăn, mệt nhọc.
Bệnh nhân khác của tôi là ông James Washington. Ông Washington là một ông già Mỹ đen khổng lồ, từng đi đánh giặc ở Đại Hàn và Việt Nam. Ngày xưa hút thuốc nhiều, về già bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (chronic obstructive pulmonary disease).
Ông này thương tôi lắm, có thể ông có yêu cô Việt Nam hay Đại Hàn nào đó trong những năm đi lính. Ông xem tôi như đứa con gái của mình. Ông bệnh rất nặng, ra vào nhà thương như người ta đi chợ. Ông thích ở nhà thương hơn ở nhà vì những khi ông lên cơn khó thở, ông có y tá hoặc chuyên viên hô hấp trị liệu đến giúp liền.
Khi bị căn bệnh như ông, chất thán khí trong phổi rất cao vì những túi chứa khí trong phổi bị vỡ, mạch máu nhỏ bị hủy cho nên sự trao đổi khí giảm thiểu. Số lượng dưỡng khí thẩm thâu vào máu ít và chất thán khí tích lũy rất nhiều. Khi phổi bị tàn phá trong giai đoạn cuối; bệnh nhân cứ ngủ gà ngủ gật suốt ngày và sự trao đổi khí càng tệ hơn nữa. Đây là trường hợp của ông Washington.
Suốt ngày, có khi cả ban đêm, ông ngồi trong chiếc ghế bành rộng kê bên cạnh giường, mũi mang ống dưỡng khí, ống dài đủ cho ông kéo vào phòng tắm, ông đi chầm chậm đẩy cái xe rất khó khăn và mệt nhọc. Thường thì ông ngồi yên nhắm mắt ngủ từng giấc ngắn, giật mình liên miên khi chúng tôi vào phòng gây tiếng động, ông giương đôi mắt lờ đờ nhìn quanh quất như vừa tỉnh cơn mộng. Vì tình trạng ấy, tôi thường đọc kết quả máu động mạch của ông vào buổi sáng để quyết định chương trình trị liệu cho ông mỗi ngày.
Vì thán khí quá cao, tôi phải cho ông thở khí với áp lực dương, hai giờ một lần, mỗi lần 15 phút. Trong suốt 15 phút ấy, tôi ngồi bên ông, nhắc nhở ông phải ngậm miệng cho kín quanh ống thở, lay ông tỉnh dậy khi ông chợt ngủ, sửa đầu ông cho thẳng lại khi ông ngủ quên, khuyến khích ông cố gắng ho cho đàm rãi xuất ra, làm vật lý trị liệu khi xong phần thở máy.
Một ngày làm việc của tôi là tám tiếng, riêng ông tôi phải dành ra ba đến bốn tiếng và phần còn lại tôi phải chia ra cho năm bệnh nhân khác có tình trạng khả quan hơn. Mỗi ngày, sau khi lái xe 45 phút về đến nhà, tay chân tôi rời rã, đầu óc tôi tê liệt, nhiều khi tôi đặt mình xuống ghế dài, nhắm mắt và thiếp đi một giấc ngắn, rồi phải tỉnh lại để nấu bữa cơm chiều. Đôi khi thấy tôi mệt quá, chồng tôi đi mua bánh mì thịt tại McDonald cho cả nhà ăn.
Ngày hôm sau, tôi chẳng có gì để đem theo ăn trưa, thường thì tôi phải chạy qua nhà ăn trong dãy bệnh xá khác, đi bộ 5 phút. Ngọn đồi quanh khu bệnh xá tuyệt đẹp đầy hoa nở trong mùa Xuân; bên vệ đường, hàng cây cọ xòe lá che bóng mát, đôi khi tôi thấy các con sóc, thỏ chạy tung tăng, thỉnh thoảng có bầy nai ngơ ngác nhìn tôi từ xa. Cảnh vật đẹp như vậy nhưng ít khi tôi có thì giờ thưởng thức vì thời gian nghỉ trưa chỉ 30 phút mà mất quách 10 phút đi về. Thời gian ấy luyện cho tôi thói ăn nhanh cho đến tận bây giờ. Thói quen ấy không tốt vì đôi khi bạn bè đi ăn với nhau, họ từ từ chậm rãi, nhẩn nha trò chuyện thì phần tôi ăn đã sạch trơn, xấu hổ lắm!
Loretta thường mời tôi đến ăn trưa với bà trong phòng ăn của nhân viên nếu bà biết tôi cần mua thực phẩm. Bà cho tôi ăn những thức ăn người da đen yêu thích như gà chiên, chân heo muối hầm với đậu, cá catfish chiên giòn, khoai tây nghiền. Hai món khoai tây xay và giò heo muối nấu đậu bà làm rất ngon vì bà bỏ nhiều bơ, nhìn vào phần ăn, bơ chảy vàng lườm; ngon nhưng hại sức khỏe và làm thân thể trở nên béo phì. Biết vậy nhưng tôi cũng nhắm mắt thưởng thức. Lâu lâu Loretta nhìn tôi bảo:
-Cô cần đi cắt tóc!
Lần khác bà ngắm nhìn hai bàn tay khô héo của tôi và bảo:
-Cô cần dùng kem dưỡng da sau khi rửa tay.
Bà chạy vào phòng tiếp liệu, lấy chai kem bỏ vào túi áo cho tôi. Năm ấy tôi mới hai mươi ba tuổi, đã có hai đứa con nhưng tôi giống như con bé mười hai tuổi nên mọi người chung quanh thường bảo bọc che chở tôi. Nhất là Loretta, bà như một người mẹ mới, thay thế cho mẹ tôi, người còn đang nhớ mong tôi từ chốn quê nhà.
Có một anh y tá người Mễ, khoảng tuổi tôi, tánh tình vui vẻ lắm. Anh hay chọc cười mấy bà già bệnh nhân, có lần tôi bắt gặp anh ta vừa thay khăn trải giường vừa uốn éo cái thân hình tròn trĩnh của mình và hát:
-If you want my body and you think I am sexy… (Rod Steward).
Bà bệnh nhân Maria Sanchez ngồi cười ngặt nghẽo trong cái ghế cạnh giường. Cười cho nhiều rồi ho khèn khẹt báo hại tôi phải lật đật cho bà thở thuốc.
Anh Mễ này cũng thích nói chuyện vẩn vơ với tôi, anh hay hỏi về chiến tranh Việt Nam và cuộc sống của tôi lúc tôi còn bên ấy; có khi còn bảo tôi kiếm giùm cho anh một cô bồ Việt Nam vì anh chán con bạn gái Rosa lắm rồi, lý do là cô ta đã có ba đứa con với chồng cũ mà đòi hỏi hành hạ anh đủ thứ. Bà Loretta bảo tôi:
-Thằng này nói dóc lắm, có hai ba con bồ một lần, thế nào nó cũng bị mấy con bồ giết chết!
Đôi khi hắn chọc ghẹo làm tôi giận lên quát lớn:
-Shut up Kotex!
Tên hắn là Cortes. Loretta cười sằng sặc khi nghe tôi gọi hắn như vậy. Cortes cũng cười, chạy đi chỗ khác rồi tiếp tục tìm người để chọc ghẹo!
Mấy hôm nay ông Washington bị trở bệnh vì suy thận, phổi ông ta có nước, từ ngoài cửa tôi cũng nghe được tiếng thở rì rào như tiếng hai ngón tay vo ve mấy sợi tóc. Ông từ chối không muốn chúng tôi đặt ống thở vào khí quản để nối vô máy hô hấp. Ông nói rằng ông đã trải qua nhiều lần như vậy rồi nên lần này ông muốn được yên thân, chuyện gì xảy ra sau này ông chấp nhận.
Thế là chúng tôi phải cho ông thêm thuốc, cho ông thở máy áp suất khí dương mỗi giờ với rượu Ethyl để đánh tan bọt trong phổi, giúp ông khạc ra đờm rãi để dễ thở hơn. Ông không còn ra khỏi giường nữa. Chúng tôi gọi gia đình ông và nhắn nhủ họ lên thăm ông thường xuyên hơn trong vài ngày tới.
Mỗi khi tôi vào phòng ông, hai cô con gái ngồi im lặng bên cạnh giường, một cô cầm bàn tay ông vuốt ve, cô kia cầm tấm khăn ướt, lau mấy giọt mồ hôi trên trán cho cha mình. Đôi mắt các cô lo buồn ủ dột. Thấy tôi vào phòng, những đôi mắt ấy thường lóe lên nhiều hy vọng nhưng lòng tôi thì buồn bã vô cùng vì tôi biết không chóng thì chày, ông James Washington sẽ từ bỏ mọi người để đi vào một cõi vô tận khác.
Ông Washington từ giã chúng tôi vào một ngày buồn ảo não. Tôi còn nhớ khi loa phóng thanh gọi “Code Blue” tôi bỏ bữa điểm tâm chạy chí tử lên phòng ông Washington, căn phòng số hai, nơi tôi làm việc thường xuyên. Bước vào phòng, hình ảnh đầu tiên là ông ấy đang được bốn nhân viên khiêng lên nằm trên tấm ván để bắt đầu cấp cứu.
Cortez hai tay bóp hơi dưỡng khí vào mặt nạ trên mặt ông. Tôi trèo lên cái bục gỗ kê bên giường ông, định vị trí, ép hai bàn tay mình, dồn hết sức để ép trái tim hy vọng nó sẽ đập lại. Ông Jim khám nghiệm động mạch để đếm nhịp tim và một y tá khác nối máy đo tim vào trên ngực để kích mạch. Khi thấy tôi mệt, ông Jim kéo tôi rời khỏi bệnh nhân, trèo lên bục tiếp tục cấp cứu.
Tôi bước tới đầu giường, phụ tiếp khí với Cortes, ông Washington to lớn quá nên mọi sự việc đều rất khó khăn khi thực hành. Hai tay tôi áp lên vành mặt nạ bên hai má ông, giữ làn hơi bơm sâu vào phổi; lúc ấy mọi sự diễn ra như trong mơ, chúng tôi ai nấy đều cố gắng thực hiện phần công việc của mình trơn tru như cái máy và guồng máy ấy chỉ ngừng chạy khi bác sĩ trực kiểm điểm tình trạng bệnh nhân xong và tuyên bố giờ lâm tử.
Những ngày sau, khi đi ngang căn phòng số hai vắng lặng, tôi bước thật nhanh, không muốn nhớ đôi mắt lờ đờ mệt mỏi của ông nhìn tôi, đôi mắt chứa chan một niềm tuyệt vọng.
Trong khoảng thời gian tôi làm việc nơi đây, tôi học hỏi nhiều kinh nghiệm mới, không chỉ cho nghề nghiệp mà còn nhiều chuyện hay, giúp cho tôi thoát được cá tính ngây thơ, non dại và cả tin của mình trong xã hội mới, trên vùng đất mới này.
Hồi ấy, mọi người quanh tôi ai cũng thông minh và tử tế cả. Vì tánh bản thiện, tôi không để ý nhiều về những vấn đề phức tạp trong đời sống, chỉ biết chăm chú vào học hỏi, làm việc chăm chỉ hăng say để đem tiền lương về phụ giúp gia đình.
Còn trẻ tuổi nên tôi có nhiều sức khỏe, thức khuya, dậy sớm, dù có đau bệnh cũng gắng sức vượt qua mọi sự. May cho tôi, nơi tôi làm việc là một bệnh viện nổi tiếng khó khăn, hiếm khi học trò muốn đến thực tập và họ cũng chỉ tuyển nhân viên xuất sắc nhất. Nơi đây, tôi được họ dang tay đón nhận vào một gia đình gom góp mọi sắc tộc, mọi màu da nhưng cùng có mục đích chính là xoa dịu vết thương, làm giảm nỗi đau cho những ai cần đến.
Một người cần và tìm đến với chúng tôi thường xuyên là bà Chao. Bà bị hen suyễn nặng nên khi bà không tự săn sóc sức khỏe tại nhà thì bà đến với chúng tôi. Nhà bà ở San Marino, một thị trấn đẹp và giàu có thuộc vùng Los Angeles. Bà là nhạc sĩ dương cầm, tánh tình hiền hòa giản dị, thích ca nhạc và mỹ thuật. Trong lúc tôi làm việc với bà, bà dạy cho tôi cách xếp hình con chim, con cá bằng dây nơ đủ màu. Chúng tôi cột sợi cước rồi treo lên trần nhà. Nhờ thế căn phòng bệnh của bà vui mắt như nhà giữ trẻ.
Ngoài tiếng loa phóng thanh của bệnh viện thỉnh thoảng vang lên từ cửa chính, căn phòng bà tràn ngập âm thanh của nhạc cổ điển. Mỗi bản nhạc bà thường nói cho tôi biết: Bản này là “Dạ Khúc” của Chopin, ông ấy người Ba Lan… Bản này là “Symphony #40” của Mozart với tiếng nhạc khi réo rắt khi nhẹ nhàng. Thế nhưng bà thích nhất là bản “Bốn Mùa” của Antonio Vivaldi! Vì bà cảm thấy thời gian trôi qua theo dòng nhạc và bà tưởng tượng ra được hình ảnh tuyệt đẹp của trần thế trong khi bà bị giam hãm trong những căn phòng chật hẹp do sức khỏe yếu kém của mình.
Bà cho tôi nghe tiếng chim hót qua dòng âm thanh của mùa Xuân, sức nóng mãnh liệt trong nắng Hè làm lũ chim đứng ủ rũ, rồi líu ríu gọi nhau khi trời chuyển gió. Mùa Thu đến, không khí bắt đầu thoáng mát, lá trở màu vàng rực, các nông gia làm lễ hội trong mùa gặt, tiếng chân họ nhảy nhót trên đám lá khô giòn. Mùa Đông của Vivaldi bắt đầu bằng tiếng thì thầm nhẹ nhàng của bông tuyết mong manh, dân làng nấp sau cánh cửa, trốn lạnh bên lò sưởi, lắng nghe tiếng gió và mưa vật vã ngoài sân…
Bà Chao say sưa giảng dạy cho tôi, muốn cho tôi được chia sẻ với bà thế giới huyền diệu của âm nhạc. Nhưng than ôi, chỉ sau một thời gian ngắn, bà không vào bệnh viện nữa và tôi chắc là bà đã bay theo chiếc lá thu vàng hay tan biến như đóa hoa tuyết của Antonio Vivaldi.
Một hôm trên đường đi làm, 5 giờ sáng, chiếc xe cọc cạch cũ mèm của tôi bị dở chứng, nằm đường trong một khu vực rất nguy hiểm tại hướng Tây Bắc của thành phố Los Angeles. Tôi lội bộ đến tiệm Seven/Eleven gần đó, nhờ họ điện thoại gọi cảnh sát đến giúp.
Người chủ tiệm bảo tôi chờ trong tiệm, đừng có ra ngoài cho đến khi cảnh sát tới. Chừng 10 phút sau, thấy có chiếc xe đen trắng chạy đến, tôi bước ra, trình bày tự sự với… người bạn dân thì anh ta bảo tôi khóa xe lại, anh ta sẽ chở tôi đến sở và rồi sẽ câu xe tôi đến tiệm sửa xe.
Thấy tôi ngần ngại anh ta bảo rằng tôi không thể ở đây lâu hơn nữa vì khu vực này không an toàn. Lúc ấy tôi mới chịu trèo lên xe, ngồi ghế trước chứ không bị ngồi băng sau như mấy ông say rượu hay tội phạm khác. Lúc tôi đến sở, các bạn đồng sự tò mò nhìn tôi bước ra từ chiếc xe cảnh sát. Khi rõ chuyện ai cũng thở phào yên tâm và tình nguyện chở tôi đi nhận xe sau giờ tan sở. Hồi ấy, tôi rất trẻ, ốm nhách giống như đứa con nít nên được mọi người rất quan tâm.
Sau hai năm, mệt mỏi vì lái xe đi làm quá xa xôi, tôi xin đổi về một bệnh viện lớn gần nhà. Tôi được làm thường trực trong phòng cấp cứu. Đây là một trung tâm chấn thương nên đời làm việc của tôi rất sinh động. Tôi phải tiếp xúc với đủ hạng người, đủ màu da; vui nhất là gặp người Việt Nam. Đa số nói tiếng Việt và tôi tha hồ làm thông dịch viên cho nhiều ông bà cụ hoặc những người vừa nhập cư. Không còn nhiều liên hệ thân thiết với bệnh nhân như khi tôi làm trên vùng Altadena nhưng tôi cũng chia sẻ nhiều niềm vui nỗi buồn với các bệnh nhân dù chỉ trong vài ba giờ ngắn ngủi.
Hôm ấy, có một cảnh sát viên bị thương nhẹ. Vì ở trong nhóm chuyên viên cấp cứu, tôi phải luôn luôn có mặt khi có người bị thương được chuyển vào đây. Nhìn người bệnh mắt nhắm nghiền mặt nhăn nhó cầm cự với vết thương trên vai tôi thấy anh quen lắm. Nghe tiếng tôi gọi, anh mở mắt nhìn, ánh mắt lóe lên một tia sáng vui mừng, dù đau anh lên tiếng: “I knew who you are!” Tôi mỉm cười: “Yes, you saved me once before, now it is time for me to return the favor!” Anh yên tâm nhắm mắt nghỉ ngơi sau mũi thuốc chống đau và ngoan ngoãn nằm yên cho chuyên viên quang tuyến làm việc.
Vài hôm sau đó, tôi lên phòng bệnh thăm viếng anh, anh trông có vẻ khỏe hơn nhiều, môi nở nụ cười khi nhận ra người thăm bệnh. Bên cạnh giường, một người phụ nữ trẻ cũng nhìn tôi mỉm cười:
-Cám ơn cô, Gary kể cho tôi nghe về cô rồi, và Gary bảo rằng trông cô bây giờ không còn giống 12 tuổi nữa!
Tôi cười xòa:
-Cám ơn nhé ông cảnh sát, nếu tôi còn giống như xưa thì chắc bệnh nhân sẽ không cho tôi giúp họ đâu.
Sau mười mấy năm làm việc bên khu vực người lớn, tôi đổi qua khu săn sóc trẻ thiếu tháng. Cuộc đời lắm nỗi thăng trầm, buồn vui đủ chuyện. Mỗi ngày là một bức tranh của đời sống, không ngày nào giống nhau cả. Có lúc sung sướng hân hoan ôm trên tay một đứa trẻ bụ bẫm hồng hào, khóc to điếc cả tai; có lúc tim đập loạn xà ngầu đợi chờ đứa bé non nớt thiếu tháng rồi đem cả tâm sức mình cấp cứu thân thể bé bỏng xanh xao vừa nguyện cầu xin cho hơi thở mong manh bắt đầu cuộc sống. Có lúc ủ dột buồn đau nhìn người sản phụ ôm cái thân thể bé tí lạnh lẽo vào lòng với những dòng lệ tuôn tràn trên má. Sau gần bốn mươi năm thì tôi nghỉ việc, về vui thú điền viên.
Hôm qua, bà bạn thân Annette Chiu của tôi vừa mới qua đời vì bị nhiễm COVID-19. Bà để lại trong tôi một niềm trống vắng và hiu quạnh khó tả. Bà là người gốc Trung Hoa, du học sinh cuối thập niên 1960. Chồng chết sớm, bà đi làm miệt mài nuôi bốn người con thành tài; sau đó bà trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Nhiều năm chúng tôi cùng tráng phim và in hình với nhau, rồi tôi dẫn bà về Việt Nam chơi. Khi đã lớn tuổi, bà không thường đi ăn tiệm và đi du lịch nữa thì chúng tôi hay ghé đến thăm bà, mang theo các thức ăn Việt bà thích. Lần nào từ giã, bà cũng rơm rớm nước mắt nhìn theo. Quay mặt ra đi tôi cũng phân vân không biết lần này có phải lần cuối hay không? Rồi một ngày…
Đời chúng ta thật là ngắn ngủi! Khi còn trẻ chắc không có nhiều người nghĩ ngợi về điều đó. Tuy đời sống ngắn nhưng đời ai cũng đáng sống cả. Dù chỉ thêm một ngày để được thấy màu sắc của cỏ hoa, âm thanh trong cuộc sống, cảm nhận làn gió mơn man trên má, giọt mưa lạnh ngắt trên bàn tay, đừng quên những giọt lệ mặn, ấm trên môi khi nghe nhạc sĩ Võ Tá Hân khẩn khoản: “Ví mà con đổi thời gian được. Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.”
Hãy sống vui vì đời ai cũng đáng sống cả. Dù có khó khăn, buồn bã cực nhọc hay vui vẻ sung sướng, ít nhất chúng ta cũng vẫn còn sống trên cuộc đời này, cho nên đối với tôi, “all lives matter.”
Trong dịp trò chuyện gần đây với Evan, tôi nhìn vào mắt nó: “Evan, bà ngoại mong muốn con suy nghiệm về những điều bà vừa kể…”
Trong ánh mắt màu xanh lá non của Evan, những tia sáng long lanh lúc bình minh lóe lên rất dịu dàng.
Tôn Nữ Thu Nga
San Dimas, 05/22/2021