‘’Cũng lều, cũng chõng, cũng đi thi ‘’
Thi xong, ngồi dài cổ chờ đợi, hồi hộp chẳng kém gì ngày thi Tú Tài.
Ngày có kết quả: Đậu !
Mẹ kiếp, chó ngáp phải ruồi !
Được, bây giờ tới màn khám sức khỏe ở bệnh xá Hải Quân Nha Trang. Qua những thủ tục rườm rà của mấy ngài y tá và bác sĩ, cuối cùng cũng OK !
Toán đầu tại hội đồng thi tuyển Nha Trang có bốn đứa chúng tôi: Cư, Long, Thắng và Ninh được gọi nhập trại vào sáng 13/10/1968. Một ngày không đẹp trời cho lắm, với những cơn mưa phùn lất phất thêm bầu trời mây u ám hậu quả của một trận mưa bão nhỏ kéo vào thành phố có bãi cát trắng đầy thơ mộng. Cơn mưa của vài ngày trước còn sót lại, những cơn gió nhẹ thổi qua từng chập cũng đủ làm đau lòng và bồi thêm nỗi hoang mang của chúng tôi. Những đứa con đầu lòng tình nguyện đi làm nghiệp dĩ ‘’mộng hải hồ’’.
Bốn đứa chúng tôi: Cư (nhất Cư), Long (Long đột), Thắng (Thắng cụt đòn), Ninh (Ninh Bình Định hay Ninh vọng cổ), như những con chiên ngoan đạo nhưng cùng yêu một người tập trung tại phòng Nội Vụ Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Mục đích chỉ là chờ một ông cha (khóa đàn anh) đến coi mặt và dẫn đi... Đầu óc mang vẻ suy nghĩ đăm chiêu cộng thêm mối tơ vò của hai thế giới được ngăn cách chỉ bằng một bức tường có chắn song xi măng nhưng lại thật kiên cố với chúng tôi.
Khuôn mặt hớn hở, giọng nói ba hoa, nụ cười diễu cợt ngày nào khi gặp nhau đi xin đơn, nộp đơn, lo âu chờ kết quả, vẻ ta đây đã trúng tuyển không còn nữa. Giống như đứa con bị tật bẩm sinh, mỗi đứa một vẻ mặt khác nhau. Sự chờ đợi càng dài hơn, chẳng đứa nào còn cảm nhận được cái lạnh heo may buổi sáng khi đứng chờ nhau ngoài cổng Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân. Thời gian tuy có dài nhưng cảm giác đó cũng qua đi lúc nào không hay khi một người từ ngoài bước vào -trông giống đàn anh quá- quân phục màu tím chỉnh tề, cầu vai Alpha Chuẩn Úy sáng chói. Một màn bỡ ngỡ cho tụi tôi, mẹ kiếp, làm rể trăm họ, rồi phải ăn nói làm sao cho khỏi lỗi đạo ? Lần đầu tiên mấy đại quan, dân sự gặp đại quan tàu thủy, nói sao cho vừa lòng người ? Rồi giây phút ngỡ ngàng đó cũng qua đi. Đại quan quân phục tím tự giới thiệu tên họ, cấp bậc, chức vụ và nhiệm vụ. Tôi thầm nghĩ ‘’thôi gặp thứ thiệt rồi, cuộc đời hai năm mươi từ đây’’. Sau đó là màn vấn đáp sơ khởi. Quan đàn anh hỏi:
- Anh tên gì ?
- Nguyễn Nguyên Long.
- Anh ?
- Nguyễn Cư
- Anh ?
- Lê Văn Ninh.
- Còn anh ?
- Huỳnh Văn Thắng.
‘’Ôi! Mộng hải hồ giết chết cuộc đời ta ?’’ Ý nghĩ này chợt thoáng qua trong đầu tôi vì còn phải nhường lại cho những toan tính và đối phó khác với mấy ông kẹ đàn anh.
- Các anh có đem theo đồ đạc gì không ?
- Dạ, không.
- Trong các anh, ai đậu cao nhất ?
- Dạ, Nguyễn Cư.
Cư được chỉ định ra ngoài đếm bước cho ba đứa còn lại đi theo.
Từ phòng Nội Vụ đến sân Hải Pháo dáng đi và điệu bộ dân chính vẫn còn trong người chúng tôi, qua khỏi sân Hải Pháo bỗng cả đám giật mình, đàn anh ra lệnh:
- Bây giờ các anh theo tôi !

Quan đàn anh ù té chạy, chúng tôi chẳng biết ất giáp gì nhưng phản xạ tự nhiên cũng vội chạy theo. Tới Ngã Tư Quốc Tế thì gặp khóa đàn anh đang sửa sọạn sắp hàng lên giảng đường. Tưởng chừng như một rừng người đang hò hét lẫn lộn với những giọng nói khó nghe của dân tứ xứ: Bình Trị Thiên, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết... Bắc, Trung, Nam như một ban đại hợp xướng.
Một đàn anh: - Anh, tà tà dân chính, một đơn vị thăng thiên độn thổ !
Tôi đứng ngây người chẳng biết thăng thiên độn thổ là cái gì - danh từ Hải Quân hay ở miệt vườn mà mấy ‘’bố’’ chỉ mình đây ?- thì một đàn anh khác bèn biểu diễn cái đơn vị quái đản kia. Biểu diễn vài cái rồi la hét um sùm bắt tôi bắt chước làm theo và dậy dỗ:
- Anh khóa 19, một đơn vị là 19 cái, hiểu chưa ?
Nói xong đàn anh bỏ đi, chẳng cần biết tôi có nghe hay thi hành đúng không. Đầu óc tôi quay cuồng với các hình phạt đầu đời quân ngũ, bên cạnh tôi, Ninh, Thắng và Cư cũng ngất ngư vì những trò chơi quái ác của khóa đàn anh.
- Các anh trốn cha, trốn mẹ, bỏ anh, bỏ em, piston, chạy chọt vào đây ! Ở nhà đầu trộm đuôi cướp không biết nhục nhã, vào đến đây vẫn còn tà tà dân chính...
Thật là đủ danh từ: hỉ, nộ, ái, ố chụp lên đầu bốn đứa. Ôi! Những danh xưng chói tai, những danh từ hoa mỹ miệt vườn vùng Cà Mau, Bà Điểm ... các đàn anh đã bỏ công tra cứu ở thư viện Hải Quân hay moi tìm, nặn óc để gắn và chụp mũ cho chúng tôi, những kẻ khốn khổ đầu đàn của khóa 19 trong bước đường đi học làm một thứ quan quan tàu thủy hạng bét. Các ngài sẽ còn sưu tầm thêm tội danh nào nữa để gắn cho những kẻ bỏ cha trốn mẹ như chúng tôi đây ?
- Te..tích ! Te..Tích !
Tiếng còi hiệu, khóa đàn anh tập họp đi học... tiếng la hét vẫn còn vang vọng như một tiếc nuối khôn vơi. Bốn đứa chúng tôi cũng tạm thảnh thơi và được đưa vào một phòng gần phạn xá nhất (Omega 6). Sau khi cất túi hành trang, chúng tôi được hướng dẫn đi cắt tóc rồi đi lãnh quân trang.


Khi trở về phòng thì được sinh viên cán bộ khóa đàn anh dạy kỷ luật của quân trường. Buổi trưa và buổi chiều kế tiếp vẫn là những màn quay lăn lóc cho tới ngày các toán mới từ Đà Nẵng, Saigon nhập trại.
Một hôm, sau bữa cơm chiều lúc trời vừa nhá nhem tối, chúng tôi được tập họp và hướng dẫn lên sân đại đội cũ (sau bệnh xá ). Tại đây tất cả được lệnh chạy về phòng ngủ lấy hành trang dân sự và trở lại tập họp trong vòng 30 giây. Một đống củi xếp sẵn và chúng tôi được lệnh đốt những quần áo và vật dụng dân sự của mình. Chúng tôi như những người máy, theo lệnh của sinh viên cán bộ cộng vào sự la hét cổ võ của cả khóa đàn anh.
Sau hồi còi lệnh, sinh viên Tiểu Đoàn Trưởng tiểu đoàn sinh viên sĩ quan tuyên bố khai mạc chương trình huấn nhục (Brimade) hai tháng...sau đó anh hỏi:’’ Có ai thắc mắc gì không ? ‘’ Chẳng có ai trả lời, chỉ toàn những tiếng hò hét tưởng như không bao giờ dứt của khóa đàn anh.
- Các anh có thể làm đơn xin giải ngũ nếu không muốn ở trong Hải Quân nữa ?
Tất cả đều im lặng. Bỗng một cánh tay dơ lên:
- Tôi xin làm đơn giải ngũ !
Đấy là Nguyễn Văn Oanh. Lại một màn la hét nhạo báng, ầm ỹ từ khóa đàn anh. Người hùng -Oanh- thay vì được toại nguyện lại bị tống ngay vào ‘‘cải hối thất’’.Tiếp tục màn la hét nhạo báng sỉ nhục với những ngôn từ mỹ miều như: ‘’ mới vào lính đã xin xỏ’’, ’’các anh hèn nhát’’, ‘’không xứng đáng là hải quân’’, ‘’piston vào hải quân’’,‘’trốn quân dịch vào hải quân’’... Ôi ! Cuộc đời hai năm mươi, đủ thứ ái , ố, hỷ, nộ ...
Kế đó chỉ là những cảnh quay quay, cuồng cuồng cho vơi bớt cơn thịnh nộ giả tạo của quý đàn anh trút lên đầu chúng tôi với những mỹ từ ‘‘cao sang’’, ‘‘đẹp đẽ’’. Chúng tôi như những con thiêu thân phải đóng xong vở kịch cho khóa đàn anh thưởng thức. Vở kịch, vui có, buồn có, khổ có ... nhưng không bao giờ làm hài lòng khán giả... những màn kịch đang diễn dở dang cũng bị hủy bỏ để thay thế bằng những màn ngoạn mục khác. Ngày qua ngày cứ thế, cứ trò chơi huấn nhục, rồi phạt, rồi hài kịch, rồi phạt... tưởng như không bao giờ dứt. Khi được tha về phòng ngủ, chúng tôi phờ phạc như những con gà bị dịch. Buông mình xuống giường là nằm đờ ra hầu như chẳng ai còn có thể nói với nhau một lời nào, đầu óc nếu suy nghĩ được có lẽ cũng chỉ là những ưu tư cho những hình phạt kế tiếp sắp đến, rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Tới khi một hồi còi dài te te tích tích , chúng tôi lật đật thức dậy, gấp dọn chăn màn gọn ghẽ, vệ sinh cá nhân rồi tập họp đi làm vệ sinh doanh trại. Sau đó được trở về phòng sửa soạn đi ăn sáng. Trước khi được ăn sáng hầu hết được chạy bộ, thăng thiên độn thổ, nhảy xổm, nhảy sẻ... Vào được đến phòng ăn là phải qua một pha gay cấn với các hình phạt. Khi đứng trước bàn ăn cũng còn nhiều màn lỉnh kỉnh khác... Hình phạt biến dạng từng ngày, từng bữa... đến từ bữa ăn sáng, bữa trưa, bữa chiều... liên tu bất tận... Hình phạt cứ theo ngày tháng gia tăng.
Phòng nào bây giờ cũng đầy người, cảnh ngâm thơ cười ra nước mắt, màn chào bán thuốc cao dán hiệu con bìm bịp. Ông Duyên khỉ già làm khổ chúng tôi, mua thuốc không tiền cũng bị phạt. Màn đi lễ chùa, cả một đám lâu la thảo khấu đứng nghe thày cúng (Diệp bưu tín viên) tụng kinh, rồi tất cả nhất, nhị, tam bái theo nhịp thứ tự lớp lang. Buổi tối được họp nghe hát cải lương, kép hát là một tay mơ giọng ca đặc mùi Bình Định mà nghe vẫn mùi mẫn và hấp dẫn. Vở tuồng đang dở dang bỗng dưng có giọng quát của đàn anh: ‘’ Phòng này! Các anh móc giò lên! Bạn bè các anh bị phạt khổ sở mà các anh ngồi đây ca hát !!! ‘’. Mẹ kiếp, mấy bố bắt tụi tôi ca ca hát hát để thưởng thức, rồi mấy đại quan ra lệnh này lệnh kia, thật lắm tội quá. Nhưng cũng phải thi hành, tất cả hô ‘’tuân lệnh’’ và móc giò. Đang móc giò lại nghe còi tập họp để làm đám ma. Tất cả được lệnh khóc. Khóc như chưa bao giờ được khóc. Khóc rống lên, thảm thiết đưa một người về bên kia thế giới: đám ma chị còng! Cái quan tài làm bằng hộp kem đánh răng Hynos, cả khóa 19 tiễn đưa linh cửu chị. Chị sống khôn, chết thiêng, phù hộ cho chúng tôi chóng qua khốn khổ này. Sau màn nhất, nhị, tam bái, chị còng được chôn vào cái huyệt cát trước cửa phòng Omega 9.

Những trò chơi và hình phạt chen lẫn tiếp diễn từ dẫy phòng ngủ này qua các dẫy khác. Dẫy bên này thì nghe thấy ngâm thơ:
’’Bầu trời cảnh Chụt,
Thú Hải Quân ao ước bấy lâu nay,
Kìa non non nước nước mây mây,
Đệ nhất rách hỏi rằng đây có phải ?’’
Dẫy bên kia thì:
’’Thuở ấy nàng hay vuốt tóc tôi
Hay hỏi rằng sao tóc anh hôi ?
Tôi trả lời : hôi tựa em cũng thế thôi ’’
Đàn anh hỏi: ’’Anh nào biết hôi tựa cái gì ? ’’. Tất cả im lặng, không ai biết câu trả lời. Thế là : ’’Cả phòng thăng thiên độn thổ ! Anh kia móc giò lên ! Còn anh này theo tôi !’’
Nhìn qua hàng dương liễu trước phòng Omega 8 đã thấy ông bạn bán thuốc cao dán Duyên già đang leo lên cây làm khỉ già. Cảnh cười cười khóc khóc của những ‘’trứng thối’’ đang được huấn nhục, sắp sửa sang giai đoạn ‘’con nòng nọc’’...


Một buổi chiều, sĩ quan cán bộ cho tập họp tất cả ở giảng đường và thông báo lệnh chuyển 50 người về Saigon thụ huấn căn bản quân sự. Những người khăn gói xuống tàu về Saigon có những lo âu không biết có được trở lại theo học khóa 19 hay không ... ? Sau hai ngày hải hành, tàu cặp bến Saigon, chúng tôi tạm trú trại Bạch Đằng 2 và được phép xuất trại. Bây giờ có thể làm một vòng Saigon cho thỏa chí: với tiệm kem Hà Nội, quán Mai Hương, Boda, Thanh Thế như ngày xưa. Nhớ thuở học trò, có khi trốn học ra quán ngồi uống cà phê ngắm người đẹp qua lại.
Ngày hôm sau trở lại thì biết có lệnh chờ cho đủ 200 người đi huấn luyện căn bản quân sự ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Trong khi chờ đợi, một số mới về từ Nha Trang được cử làm trung đội trưởng cho khóa 55 Tân Binh mới nhập trại Bạch Đằng 2. Ôi, cuộc đời lên hương: chưa cần qua hết thời gian ‘’trứng thối’’, ‘’nòng nọc’’, ‘’bát đen’’, nay đã vồ ngay cái chức ’’hét ra lửa’’ trong khi bạn bè còn lại ở Nha Trang vẫn còn phải quay cuồng trong thời gian ‘‘Brimade’’. Hàng ngày báo cáo điểm danh quân số, tập họp đi ăn trưa cho khóa 55 Tân Binh... rồi đi bờ. Thời gian này tuy nhàn hạ nhưng có một vài bạn đã áp dụng vài hình phạt đã học ở quân trường Nha Trang như ‘’thăng thiên độn thổ’’, ‘’thụt dầu’’, ‘’nhẩy sẻ’’ với các tân binh khóa 55 nên bị nhóm quân cảnh 201 làm khó dễ khi xuất nhập trại.
Ngày 23/12/68, gần hai trăm SVSQ khóa 19 được đưa đi Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung thụ huấn chín tuần căn bản quân sự. Đến quân trường Quang Trung, chúng tôi được đưa vào Đại đội 99/Tiểu đoàn Trần Bình Trọng. Sau khi cất hành trang vào hai căn nhà ngủ cộng đồng, chúng tôi được sĩ quan đại đội phó (Chuẩn úy Cửu) ra lệnh chạy chào quân trường. Đây là việc rất hi hữu vì các đại đội khác có phải chạy chào quân trường đâu, nhưng vì đây là lần đầu tiên sinh viên sĩ quan Hải Quân đi thụ huấn tại quân trường Quang Trung, lại thêm tin là một số đã được huấn luyện một thời gian ở Nha Trang nên họ thử chơi. Chân chạy, miệng hô đếm bước oai dũng ngoài thao vũ trường của Trung Tâm huấn Luyện Quang Trung đến khi mồ hôi ướt đẫm áo và mệt nhoài rồi mới được nghỉ, vài người quá mệt chạy không nổi được các bạn dìu chạy trong hàng quân. Nghĩ mình Hải Quân hay chơi nổi. Cũng vì thế mà nhiều lần cả đại đội bị phạt chạy chung quanh vòng đai tiểu đoàn với những lý do không chính đáng. Quân trường nào cũng có cái đặc biệt riêng. Ở Quang Trung có giường gỗ hai tầng mà có lẽ giường nào cũng có rệp. Khi ở trong trại thì có các thủ tục như gác phòng ngủ, chà láng các hẩm trú ẩn, thực tập tránh pháo kích. Khi học bãi thì có di hành tác chiến, ứng chiến ngủ đêm tại các bãi tập và cái thú mua lén quà ăn vặt từ thân nhân của những quân nhân cơ hữu của quân trường.

Sau khi ăn Tết ở Quang Trung thì cũng gần đến ngày mãn khóa để trở về quân trường mẹ, nơi có những hàng dương liễu trồng dọc theo những phòng ngủ, có những đàn anh đang chờ đợi và sẵn sàng làm ngáo ộp để nạt nộ, dọa nạt. Các ông sẽ không bỏ một cơ hội nào để làm cho chúng tôi -những đứa đàn em khốn khổ- căng thẳng tinh thần trong các trò chơi nghật ngưỡng mua vui cho quí đàn anh.
Sau vài ngày phép, chúng tôi lại xuống tàu để trở về Nha Trang. Sau hai ngày hải hành, tàu ủi bãi trước cửa Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Hai trăm người với túi quân trang đầy ắp đổ bộ và được dẫn vào tập họp và chờ lệnh ở sân cờ. Sau khi điểm danh, cán bộ đàn anh ra lệnh tất cả vác túi hành trang lên vai và chạy hàng một chào quân trường. Bố khỉ! Mới nhập ngũ mấy tháng mà phải chạy chào quân trường ba lần, quả thật lịch sử Hải Quân đã có những đứa con ngoại hạng như chúng tôi. Chúng tôi được xếp vào ở những phòng còn lại của các dẫy Omega, Beta, hai căn nhà tiền chế và cả ở dẫy nhà hai tầng của trường chuyên nghiệp.
Hai tuần kế tiếp là thời kỳ huấn nhục rút ngắn cho toán chúng tôi vừa từ Saigon ra. Cũng lại những trò chơi và hình phạt đã được thi hành bốn tháng trước, nhưng lần này đặc biệt dành cho những bạn mới ra đây lần đầu. Rồi tới buổi tối nhận biển cả làm mẹ, cả khóa được cho uống sữa mẹ mặn đắng dưới sự chăm sóc của khóa đàn anh:
- Anh kia, uống sữa mẹ mà sao nhăn nhó khổ sở vậy?!
- Dạ, không.
- Tốt! Vậy uống thêm cho tôi !
- Anh, sao anh tham quá! Uống hết phần bạn bè! Làm 100 cái thăng thiên độn thổ!
Sau khi thi hành cái lệnh này thì sữa mẹ trả lại mẹ, ói thấy mật xanh, mật vàng. Ói để biết thế nào là biển cả ...
‘’ Ôi ! Biển cả giờ đây ta mới biết,
Mộng hải hồ giết chết cuộc đời ta ! ‘’
Ngâm câu thơ theo lệnh đàn anh nhưng rồi cũng bị phạt vì bị gán cho cái tội ‘’giỡn mặt đàn anh’’, ‘’nhạo báng đời hải hồ ‘’...cho đến khi có còi tập hợp công bố danh sách ‘’bố con’’. Sân tiểu đoàn lúc đó như một cái chợ đông. Các ông ‘’bố’’ đi tìm ‘’con’’ ! Có chỗ, ông ‘’bố’’ này phạt ‘’con’’ của ‘’ông’’ bố kia. Lại cũng la hét ầm ĩ. Có ông ‘’bố’’ phải xin ông ‘’bố’’ khác tha phạt cho ‘’con’’ của mình. Chỗ khác ông ‘’bố ’’ dẫn ‘’con’’ chạy ra riêng đãi nước trà đường, có ông đứng canh cho ‘’con’’ tắm rửa sạch sẽ, có nhiều ông ‘’bố ‘’ dắt đám ‘’con ‘’ chạy thẳng vào câu lạc bộ kiếm chỗ ngồi rồi đi mua thức ăn đãi. Trong một giây phút ngắn ngủi, một niềm cảm xúc thân thiện giữa hai khóa phát hiện cái tình cảm của những người có cùng một mộng hải hồ. Ôi ! tình ‘’bố con’’ sẽ được mang theo mãi mãi khi rời quân trường mẹ ra khơi. Từ đây ta có thể khoe cái uy quyền của ‘’bố ‘’ mình khi có ai hỏi đến. Như phần đông các ‘‘gia đình’’ khác, tôi cũng có ba anh em: Cao Xuân Vũ, Trương Tấn Lạc và tôi.


Sau ngày lễ nhận ‘’bố con’’ chúng tôi được gắn Alpha và cuối tuần ‘’bố’’ dẫn con đi bờ. Ngày đầu tiên ra thành phố Nha Trang trong bộ tiểu lễ, tóc cắt cao, da đen xạm tưởng như mình là một người đến từ một nơi xa lạ nào chứ không phải là mới chỉ xa phố phường có mấy tháng. Gặp lại thân nhân sau vài tháng xa cách, nhất là mấy ‘’em’’ thật là thích thú. Có những sinh viên không có thân nhân ở Nha Trang được ‘’bố’’ dẫn đi giới thiệu với đào cũng là những hân hạnh... Một ngày huy hoàng ở Nha thành qua quá mau, đến tối đã phải quay lại quân trường. Hẹn lại tuần sau. em ơi ! anh sẽ kể tiếp những chuyện dang dở của ngày hôm nay. Đang ba hoa khoe thành tích ra phố gặp ’’em’’ thì có còi tập họp điểm danh. Vừa báo cáo quân số xong, thì cán bộ đàn anh đã hài nhiều tội như: không chào đàn anh ngoài phố, ngồi xe xích lô đạp, đi xe ngựa, đu xe ‘’Lam’’, đi xe đạp... và kêu gọi tất cả tự giác nhận tội nhưng không ai lên tiếng nên bị đàn anh phạt chạy hai mươi vòng sân tiểu đoàn. Bộ tiểu lễ đóng bụi lẫn mồ hôi xốc xếch trông thật thảm hại. Cứ tưởng đã gắn Alpha thì sẽ tà tà một chút, ai ngờ vẫn còn phải chạy dài dài. Chạy xong thì lại phải đứng trong hàng quân để nghe những lời sỉ vả, dặn dò rồi mới được ’’Tan hàng! Cố gắng! ’’. Bao giờ chả cố gắng ! Cố gắng cho tới bao giờ ?! Chỉ có tội làm đàn em nên lúc nào cũng phải cố gắng. Cố gắng cho những lăn lóc quay cuồng, cố gắng làm trò vui để thỏa mãn những nhu cầu của khóa đàn anh. Khóa nào chẳng vậy! Bây giờ về phòng thay quần áo, tắm rửa để sửa soạn cho ngày mai với nhiều hứa hẹn.

Từ khi nhập khóa cho tới ngày gắn Alpha, nhiều người đã có thêm những tên hiệu kèm theo tên cha mẹ đã đặt cho. Và cho đến ngày ra trường còn thêm nhiều nhân vật đặc biệt được bạn bè tặng cho những cái tên hiệu nhớ đời.
Trước hết là những tên rất đơn giản như: ‘’Khiêm khàn’’ ‘’cử Tòng’’ ‘’Thọ già’’, ‘’Diệp bưu tín viên’’, ‘’Hợp méo’’, Hùng quoặm, ‘’Hải miu’’, ‘’Hải ban tư’’, ‘’Hải hippy’’, ‘’Hải răng vàng’’, ‘’Hải Yorkshire’’, ‘’Lý già’’, ‘’Lý gatô’’, ‘’Oanh tù trưởng’’, ‘’Phước handsome’’, ‘’Phước berdnard’’, ‘’Phước đàn cò’’, ‘’Phước red’’, ‘’Tiến có vợ’’, ‘’Dũng cai dù’’, ‘’Ninh Bình Định’’, ’’Long đột’’, ‘’Duyên già’’, ‘’Thái dúi’’, ’’Hùng lùn’’, ‘’Huy lùn’’, ‘’Lộc lùn’’, ‘’Sơn Kiwi’’, ‘’Sơn Cà na’’, ‘’Chính lựu đạn’’,’’cu Tí’’, ‘’Hùng ...để tao’’, ‘’Quang đờn’’, ‘’nhất Cư’’, ‘’Hồng lư’’ , Hưng nạm’’ ... Rồi đến những ’’Trois mousquetaires’’ như ‘’Hiền dế than’’, ‘’Hùng Phạm Lãi’’, ‘’Nghĩa quản xị’’ là những tay lý sự, thêm vào ‘’Quân khùng’’ cãi không ngừng cho đến khi thắng được mới thôi, ‘’Thoan tà’’ nói là thấy tà cũng như ‘’Danh tà’’thấy người là biết dân tà. Những tên như bất hủ như ‘’Trần cậu chó’’, ‘’Hà cậu chó’’, ‘’thím Ngọc’’ ...
Những tên có sự tích đặc biệt phải kể đến như:
- ‘’Cúc bí đỏ’’: trưởng ban ẩm thực 1, tuần nào Cúc lo ẩm thực là ít nhất ba bốn ngày có món bí đỏ.
- ‘’Long mực’’: Trưởng ban ẩm thực 2, tuần nào Long lo ẩm thực là có ba bốn bữa có món mực.
- ‘’Tài chèo’’: leo rào đi chơi với đào nhanh như máy.
- ‘’Dũng liều’’ vì đã dám đáp lại đàn anh ‘’nếu cần thì tôi .. cũng liều’’.
- ‘’Hùng lạp xưởng’’: tay bị cháy phỏng khi nướng lạp xưởng cho bữa cơm chiều..
- ‘’Lý số quân ... đẻo cỏ’’: người không có số quân cho đến ngày ra trường.
...
Trong khả năng đầy hạn hẹp, tôi không thể kể hết, mong các bạn - những người cùng một thời lăn lóc tại quân trường - bỏ qua cho. Riêng các quí phu nhân đã bao năm chung gánh đường đời với các bạn có tên được nhắc tới ở trên, xin hiểu cho đây chỉ là những kỷ niệm khó quên của một thời...học làm quan tàu thủy ba mươi năm trước.

Đệ tam Đao Thủ Phủ Nguyễn Nguyên Long

                                                            Bốn thế hệ quân trường

                                                                                                                        

   

17 giáo huấn 18                                                       18 hành xác19                                    19 chỉ dạy  20 

                                                                   
                                                                        20 săn sóc 21
 

TRANG CHÍNH TRANG TRƯỚC