Có một lần chúng tôi đi dự đại hội Hải Quân khóa 25. Tôi được họ tặng một cái cốc bằng sành có in niên hiệu khóa. Trên cái cốc màu trắng tinh, tôi đọc hai câu thơ, chữ viết màu xanh dương thật bay bướm: “kéo lục phân, cầm chân hoàng đạo. Xoay hải bàn, điểm mặt trùng dương!” (1) 

Bài thơ tuy ngắn nhưng thật hào hùng, diễn tả cuộc đời của những chàng thủy thủ, năm tháng bềnh bồng trên sông nước, thách thức đại dương. Giữa cõi mênh mông họ phải tìm phương hướng để dẫn đưa con tàu nhỏ bé của mình an toàn về bến. 

Khi tôi được một chàng sĩ quan Hải Quân khóa 19 bưng về nâng niu chìu chuộng, thì tôi cũng bơi theo chàng trong suốt cuộc đời với một tâm trí hồn nhiên và cuối cùng cũng vượt qua được nhiều bể khổ.

Dù cho nghiệp hải hành của chàng chỉ có bảy năm trời nhưng hải trình của chàng kéo dài cả mấy mươi năm và tôi chắc rằng nó sẽ kéo dài mãi cho đến ngày chúng tôi cùng xuôi tay nhắm mắt. Vì chúng tôi thích bay nhảy nên chàng đổ thừa là tại tôi cầm tinh con ngựa; nếu vậy thì anh ta phải cầm tinh con cá voi hoặc con cá hồi; thông thường thì hai loại cá đó hay ngao du theo mùa hàng năm.Chúng tôi cũng ngao du theo mùa trong nhiều năm, nhất là sau khi không thèm đi làm việc nữa. Mùa xuân, chúng tôi đi thăm hoa đào, mùa thu đi tìm lá thắm. Những năm sau, khi ngựa nãn chân bon thì chúng tôi leo lên mấy chiếc tàu du lịch để vượt trùng dương.

Ông cá voi nhà tôi hay nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan tới địa lý và hải hành. Ngoài ra ông ấy còn biết tất cả các loại máy bay: vừa máy bay quân sự, vừa dân sự (nên thích phim Top Gun lắm). Khi đi du lịch, anh thường tìm hiểu về chiếc máy bay sẽ đi: mỗi hàng ghế có mấy cái, ngồi chổ nào cho tốt, bay thẳng hay phải chờ đợi v.v.

Từ khi tôi không muốn lo về các chương trình du lịch, giao hẵn mọi sự cho ông xã thì đời ông ta bỗng lên hương, ông ấy bắt đầu dẫn vợ xuống thuyền liên miên để được thỏa mộng giang hồ.Nếu kể về chuyện ăn chơi trên thuyền du lịch thì chắc ai cũng biết. Chàng tôi thích nhất là mỗi buổi sáng đi ăn điểm tâm thong thả, có người dọn ăn, rót cà phê liên tục mà không phải nghĩ đến chuyện trả tiền…ăn xong lang thang đi bộ quanh tàu tập thể dục, và học nhảy đầm …, tiếp đến đi ăn trưa rồi ngủ một giấc cho đã mắt. Buổi xế ngồi ngoài bao lơn nghe vợ đánh đàn, nhậu nhẹt chút chút, rình coi cá nhảy và chờ mặt trời lặn, đó là những khoảnh khắc rất êm đềm. Khi hoàng hôn xuống chúng tôi chụp ảnh mặt trời lặn từ từ xuống biển, và mấy con chim biển bay lượn trên bầu trời tím. Sau đó, anh dẫn vợ xuống sàn nhảy, nhảy nhót vài ba bản chờ đói bụng để đi ăn tối. Mục kế tiếp là qua nhà hát coi diễn tuồng. Tất cả những sự việc kể trên là thời khóa biểu của chúng tôi trong những ngày lênh đênh trên biển. Lâu lâu tàu cập bến một lẩn, tùy theo các chuyến hải hành khác nhau, có khi chỉ đi một hoặc hai ngày thì ghé bến; có những chuyến như vượt Đại Tây Dương hay Thái Bình Dương thì năm hoặc bảy ngày mới được ghé thăm các đảo. Những ngày tàu cập bến, chúng tôi thường đi quanh đảo bằng xe bus hoặc thuê xe tự lái đi chơi. Tại những thành phố nhỏ, chúng tôi quanh quẩn dạo phố chụp ảnh kỷ niệm và có khi theo hướng dẫn viên đạp xe đạp đi chơi trong thành phố. Nơi nào có vài ba đảo gần nhau, chúng tôi nhảy lên phà đi thám hiểm… Đi đâu thì cũng phải canh giờ về sớm trước khi tàu chạy, nhất là khi mình đi riêng, không theo các chương trình du lịch do tàu tổ chức.

Tất cả các chuyện tôi kể trên đều trở thành bình thường, tôi không dám làm các bạn chán nếu tôi bắt đầu kể tiếp thêm các hoạt động mình tham gia thường xuyên trong những ngày đi biển; thế nhưng tôi cũng kể chút xíu cho các chị biết là tôi học được nhiều thứ mình thích trên những chuyến hải hành này như : khiêu vũ, múa hula, chơi đàn ukulele, hát hợp ca, nhảy flamenco, … Cô em dâu tôi thì ngày nào cũng đi bộ mười ngàn bước quanh tàu, học Zumba và line dancing. Tuy nhiều ngày bồng bềnh trên sóng, tôi không bao giờ chán vì có nhiều chương trình học, cũng nhờ thế nên sau bao nhiêu là chuyến hải hành, dù ăn uống đầy đủ hơn ở nhà, chúng tôi không tăng thêm cân nào cả.                                                                                                                                                                                                                                                                       Điều anh Hải Quân nhà tôi thích nhất là lênh đênh trên biển mà không cần phải thức sáng đêm trên đài chỉ huy hoặc trong phòng hành quân; không cần mặc quân phục và tuân lệnh hạm trưởng, hạm phó gì hết. Anh hào hứng khi anh được băng qua vĩ tuyến, kinh tuyến; anh say sưa với mặt trời mặt trăng và các ngôi sao lấp lánh trên trời đêm và anh được nằm trên giường xem các chương trình thể thao khắp thế giới mà không bị ai quấy rầy (vì vợ chàng bận đi đánh đàn hoăc đi múa hula).

Sau năm ngày đi biển, tàu cập bến tại Honolulu. Chúng tôi đi chơi bằng xe bus công cộng, ra biển Kuhio ngắm Diamond Head và bãi biển Waikiki. Chiều xuống lại leo lên xe bus đi ngược về hướng China Town để thăm viếng và kiếm Phở. May mắn thay, chúng tôi xuống xe ngay gần tiệm phở Việt Nam. Tiệm sạch sẽ và thức ăn rất ngon. Ăn xong thì trời đã tối, chúng tôi xem bản đồ (google map) thì thấy chỉ cần lội bộ một dặm là về đến du thuyền của mình. Thế nên bốn bô lão dẫn nhau lang thang đi bộ về lại bến tàu.  

Sáng hôm sau, tôi và ông xã thuê Uber đi thăm chùa Byodo-In. Dù đã đi Hawaii nhiều lần, đây là địa danh chót tôi muốn đến. Đường quốc lộ 63 từ Waikiki qua gần đến bên bờ phía Tây của Oahu rất hùng vĩ với các rặng núi cao xanh tươi. Cảnh chùa yên bình, tỉnh mịch xây theo mô hình của ngôi chùa chính bên  Nhật.

Đi thêm 1129 hải lý (nautical miles), tàu sẽ vượt qua đường xích đạo, mọi người xôn xao vui thích vì du thuyền tổ chức lễ ăn mừng lớn. Ban tổ chức kêu gọi hành khách tình nguyện giúp vui trong buổi lễ. Cô em dâu tôi thích quá muốn tham dự nên hỏi ý kiến tôi. Tôi hỏi cô rằng: cô có muốn họ đổ jelly và phẩm màu lên đầu không? Có muốn họ dẫn lên sân khấu đùa cợt, quy tội tào lao cho quan khách vui cười không? Nếu muốn chơi thì tham dự còn không thì thôi! Cô em trợn mắt le lưỡi vì cô chưa đi qua xích đạo bao giờ nên không biết tục lệ đó, dĩ nhiên là cô không dám tình nguyện nữa. Thế nhưng trên tàu nhiều người thích tham dự, nhất là mấy ông bà da trắng.  

Theo tập tục hàng hải quốc tế, ngày xưa khi một thủy thủ lần đầu tiên vượt qua xích đạo, họ tổ chức một buổi lễ giúp thủy thủ được vững tinh thần và sức lực hơn vì họ đã can đảm chịu đựng nhiều ngày dài trên biển, đó là lần họ phải ra mắt thủy thần Neptune. Ngày nay hầu hết các tàu du lịch cũng tổ chức một nghi thức tương tự để làm vui cho hành khách. Đúng ngày vượt qua xích đạo, ngoài khoang tàu lộ thiên nhân viên chuẩn bị sân khấu ngay trên hồ tắm. . . Thần Neptune trong buổi lễ là một cụ già râu tóc phương phi. Quấn tấm khăn trải giường màu trắng, đi cùng với bà vợ tóc tai đỏ hoe, trang điểm lòe loẹt rất vui mắt. Ban nhạc chơi tưng bừng; hành khách cũng náo nhiệt đi tìm chổ ngồi xem diễn tuồng vui. Có khi chen chúc nhau và rầy nhau ỏm tỏi vì dành chổ đứng hoăc vô tình che mắt kẻ khác. 

Tiếp tục hành trình về hướng Tahiti, (1061 hải lý - nautical miles) lênh đênh trên biển Thái Bình. Thêm bốn hôm nữa thì chúng tôi đến hải cảng chính của Tahiti. Chiều cập bến Papeete (3), chúng tôi rời tàu đi lang thang trên phố xuýt xoa nhìn ngắm mấy cây xoài, cây me lủng lẳng trái rồi ra dạo công viên dọc theo vịnh gần nơi tàu cập bến.Về lại phòng thì mệt đừ nên chúng tôi ngồi ngoài bao lơn ngắm thành phố lên đèn trong hoàng hôn. Buổi chiều đẹp không thế nào diễn tả bằng lời nên dĩ nhiên là phải ghi nhận lại bằng ống kính.

Ngày hôm sau, tôi kéo ông xã lên phà, qua đảo Moorea chơi. Lang thang trong làng ven biển, chúng tôi mua mấy trái chuối cau ăn trưa. Có anh bán hàng trái cây muốn cho tôi trái thơm nhỏ xíu chín vàng nhưng vì không đem được lên tàu nên tôi chỉ cám ơn mà không lấy.

Lúc chờ phà về lại Papeete, ông xã tôi nằm trên bờ đê ngăn sóng, đánh một giấc say sưa trong cơn gió mát, còn tôi thì…dĩ nhiên là cầm máy ảnh chạy lăng quăng như thường lệ…

Trên phà, tôi ngắm nhìn bờ biển Moorea, nước hai ba màu khác nhau trông thật đẹp.

 

 

 Hai ngày tại Tahiti, tôi được lang thang khắp đảo, nhìn ngắm và thăm viếng nhiều bờ biển đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh và thưởng thức món ăn đặc biệt của Tahiti. Các vườn dừa, vườn chuối xanh tươi, hoa sứ đủ màu, có cây đầy hoa mà không thấy lá. Vì Tahiti là thuộc địa của Pháp nên phần đông người bản xứ nói tiếng Pháp. Tôi ra chợ, thử nói chuyện với bạn hàng bằng một nhúm chữ Pháp của mình, tôi cảm thấy vui khi nói chuyện với họ bằng một ngôn ngữ mới. Ngôi chợ Farmer Market của Papeete thật nhộn nhịp. Nhiều loại trái cây nội địa, hợp ca. May mà được trình diễn chung cả nhóm nên dù có sai hay đúng cũng chỉ cho vui mà thôi. Ông xã tôi có nhiệm vụ lớn là chụp hình và quay phim cho chúng tôi.

 Sau đó chúng tôi được thông báo là tàu sẽ vượt qua International Date Line (kinh tuyến đổi ngày). Chàng Hải Quân của tôi một lần nữa lại rất phấn khích (excited). Anh ta làm tôi có cảm giác là nếu mình đi qua kinh tuyến ấy thì tôi sẽ giống như bị rơi từ trên máy bay xuống mà không đeo dù!!! Hoặc giống như mấy cụ Trung Hoa ngày xưa sợ rằng quả đất hình vuông, thuyền chạy tới cạnh là lăn đùng xuống vực thẳm! Thôi thì mình cứ lẵng lặng mà chờ.

Đêm 11 tháng 10 khi đi dự một buổi trình diễn ca nhạc. Người chủ chương trình ra mở màn và hỏi rằng có ai sinh ngày 12 tháng mười không? Khi có các khán giả đưa tay lên thì anh yêu cầu chúng tôi hát bài ca chúc mừng sinh nhật. Lý do là trong chuyến đi này chúng tôi không có ngày 12. Đến nữa đêm nay sẽ là lúc chúng tôi vượt qua “International date line” tức là ngày mười ba, tháng 10 (2)

Thế là chúng tôi sẽ mất một ngày trong đời mình và bị già đi một chút mà không hề hay biết.

Ngày hôm sau, ngoài việc vặn đồng hồ đổi ngày giờ. Biển Thái Bình vẫn thái bình êm ả. Ngồi trên bao lơn ngoài phòng ngủ, tôi ngắm biển xanh, mây trắng, sóng bạc đầu rồi hứng khởi viết ra một bản nhạc mới. Còn nhiều ngày để “điểm mặt trùng dương” chắc tôi còn nhiều thời giờ hoàn chỉnh lại bản nhạc của mình. Chỉ khổ cho cái lổ tai của ông chồng vì anh ta phải nghe vợ hò hét suốt ngày.Chương trình sắp tới tàu sẽ cập bến Tân Tây Lan (4) sau năm ngày đi biển. Tân Tây Lan là một quốc gia tôi rất thích vì cảnh đẹp và người hiền.Tuy nhiên muốn kể chuyện Tân Tây Lan, tôi cần phải viết thêm một bài khác nữa. Bây giờ chúng tôi đang trực chỉ về hướng ấy với một tâm hồn nao nức mong chờ, tuy rằng chúng tôi đã du lịch từ bắc tới nam Tân Tây Lan từ mấy năm trước.  

Hai mươi mốt ngày điểm mặt trùng dương của chúng tôi êm đềm và thích thú với Thái Bình Dương bao la, không dậy sóng và thời tiết hoàn hảo. Dù chúng tôi mạo hiểm ra đi trong thời Covid, với những cách đề phòng thận trọng, chúng tôi gìn giữ được sức khỏe của mình. Câu “thần chú” trên cái cốc do anh Nguyễn Hữu Tưởng khóa 25 Đệ Tam Dương Cưu viết ra rất hiệu nghiệm vì tôi tự nghĩ mình đã được “Cầm chân Hoàng Đạo” rất nhiều lần trong cuộc đời lang bạt của mình.

 

 

 

Chú thích:

1.         Thơ của Nguyễn Hữu Tưởng (khóa 25- Đệ Tam Dương Cưu)

2.         (Nguyên bản:The international date line, established in 1884, passes through the mid-Pacific Ocean and roughly follows a 180 degrees longitude North-South line on the earth. It is located halfway around the world from the prime meridian- the 0 degrees longitude line in Greenwich, England -trích từ National Ocean service – an official website of the US government).

3.         Thành phố chính của Tahiti

4.         Tàu sẽ ghé lại hai thành phố là Tauranga và Auckland – New Zealand

  TRANG CHÍNH  TRANG TRƯỚC