Tôn Nữ Thu Nga

Chiều biên giới

 

Buổi chiều tối, đang vơ vẩn ngắm nhìn dòng sông Nậm Thi nước đen, lấp lánh phản chiếu ánh đèn màu từ bên kia biên giới, cô em gái tôi bỗng kêu lên:

-Mùi hoa sữa thơm quá chị ơi!

Tôi hít thật mạnh mùi hương đêm, gió sông nhè nhẹ phảng phất mùi thơm không tên nào đó. Lần đầu tiên tôi thưởng thức mùi hoa sữa, xưa nay chỉ được nghe tán tụng qua lời nhạc.

 

Tôi nhìn quanh các ngọn cây đen từ công viên ra đường phố, vạn vật đã chìm vào bóng tối, chiều Việt Bắc, thị trấn Lào Cai yên lặng và êm đềm hơn những buổi chiều đô thị của Hà Nội hay Sài Gòn. Anh tài xế, một người tánh tình vui vẻ, mới hát cho chúng tôi nghe một bài ca về sự cô đơn của người trấn thủ biên thùy xong, bây giờ dáo dác nhìn quanh kiếm cho tôi cây hoa sữa.  Anh chỉ vào cây hoa ven công viên, chúng tôi chạy ùa về phía ấy, trèo lên một mô đất thấp, tôi kề chiếc máy ảnh chụp mấy chùm hoa trắng ngào ngạt thơm, nghĩ rằng mai mốt về bên ấy, cho Tuấn xem tấm ảnh này để anh biết được đóa hoa sữa như thế nào, sau bao năm nghe các bài hát về mùa thu Hà Nội. 

 

 

Hoa Sữa

                                                                                     

Hải Dương

 

Tôi không cần tìm mùa thu nữa vì nàng thu đang bàng bạc quanh tôi. Buổi chiều thu tại Hải Dương, tôi ngồi chờ hoàng hôn trong công viên cùng với Steve Ringer, anh bác sĩ nhi khoa từ Boston qua và một anh bác sĩ người Việt từ Bắc Cạn về tu nghiệp. Chúng tôi ngồi trên ghế đá công viên, nói chuyện trên trời dưới đất, nhìn mặt trời như viên ngọc đỏ chìm dần vào làn mây tím, rồi khuất bóng sau dãy nhà bên kia hồ, kéo theo những sợi tơ vàng long lanh trong ánh nước. Công viên sạch và đẹp, liễu rũ soi bóng quanh hồ, cũng như bờ hồ Hoàn Kiếm, các cụ già Hải Dương cũng rủ nhau ra bờ hồ tập thể dục và đi bộ. Các bà mẹ đem các con nhỏ ra đút cơm chiều. Tôi và Steve tha hồ chụp ảnh, hết chụp cảnh lại chụp người, tôi bảo Steve:

- Chắc dân ở đây tưởng mình khùng, chụp ảnh lung tung, thấy cái gì cũng chớp!

Steve quyệt mồ hôi trên trán, chỉ vào máy ảnh kỹ thuật số, cười khoái chí, nói tiếng Việt: - Không có phim!

 

       

          Hồ Bạch Đằng – Hải Dương

 

 

Mộ Trạch

 

Ngày hôm sau, hết buổi làm việc ban sáng, tôi gặp anh nhà báo Trung Tín. Anh rủ thuê xe đi chơi làng Mộ Trạch, nơi đào tạo ra nhiều ông Tiến Sĩ. Thèm chụp ảnh đồng quê mà chưa có dịp nên tôi đồng ý ngay. Người bạn đồng hành của tôi là Zarah thấy có dịp du ngoạn nên mừng lắm, Zarah thường theo tôi lên rừng xuống biển chẳng ngại ngần chi cả. Allen, bác sĩ quang tuyến tại

UCI và vợ là Toby dẫn đứa con nuôi Việt Nam đi theo chúng tôi. Hằng là một cô gái trẻ được Allen và Toby giúp đỡ, thương yêu. Cô ta xinh, nhí nhảnh, dễ thương, tập nói tiếng Anh lảnh lót như con chim vành khuyên. Đường về Mộ Trạch có những khoảng rất gồ ghề, Allen ngồi cuối xe, một hồi sau ê ẩm quá phải bò ra phía trước. 

 

Chuyến đi này chỉ là một cuộc du hành nho nhỏ ra phía đồng quê, thăm một ngôi đền mới xây dựng theo kiểu Á Châu, trong đền có con rùa đội bia đá ghi “Sự tích vẻ vang của thủy tổ họ Vũ” và một cái trống lớn. Chụp vài tấm hình kỷ niệm trong đền và ngồi hóng mát một lúc, tôi yêu cầu xe ghé lại đầu phố để chụp hình dãy phố cổ. Khi xe ngừng, Zarah kéo tay tôi, năn nỉ tôi đi bộ với cô trở lại một khoảng ngắn để cô xem một cái trường học nào đó. Tôi nhăn nhó không muốn đi vì chỉ muốn ở lại đầu phố để chụp hình. Zarah năn nỉ mãi và níu cánh tay tôi khăng khăng kéo đi, chìu bạn, tôi theo cô. Thoáng thấy căn nhà cổ, tôi sững sờ đứng lại. Zarah mỉm cười.

 

- Thấy đẹp không? Vậy mà cứ phải năn nỉ mãi mới chịu đi!

 

Căn nhà cổ rêu mốc, ẩn sau một cây bàng, muốn đến phải bước xuống một khe nước nhỏ. Ngoài hành lang, bên cửa sổ, dựng một chiếc xe đạp treo thêm cái nón lá, chắc là xe cô giáo. Tôi thấy cô đứng cầm cây thước kẽ, nhịp nhàng chỉ những chữ phấn trắng trên tấm bảng đen cho lũ trẻ tập đọc.

 

                                                                                                                         Trường tiểu học

  

 Tôi băng qua sân trường nho nhỏ, Zarah rón rén đi theo, như sợ kinh động bầu không khí nghiêm trang của lớp. Tôi bước tới cửa chào cô giáo, giới thiệu mình và xin cô cho tôi chụp vài tấm ảnh. Cô vui vẻ cho phép tôi chụp hình. Tôi xin cô cứ tiếp tục dạy tự nhiên trong lúc tôi chụp ảnh. Các em bé thật ngoan, chỉ liếc nhìn chúng tôi rồi lại tiếp tục tập viết trên tấm bảng đen nhỏ của mình. Cô giáo cho các em một thời gian ngắn để viết, hết hạn cô ra dấu và các em đưa tấm bảng cao khỏi đầu cho cô kiểm soát. Những em bé này mới học lớp một nhưng chữ viết thật là đẹp chẳng bù cho bọn trẻ con tôi, chỉ biết đánh máy vi tính, khi viết thì xấu hơn chữ bác sĩ! Cô Zarah lại chép miệng.

 

-Phải chi mình có kẹo cho bọn nhỏ thì vui biết mấy!

 

Tôi móc túi lấy tờ giấy bạc đưa cho anh Trung Tín, anh cầm tiền chạy tới cái quán xép đầu đường, có lẽ anh đã mua sạch cả tiệm nên vác về một thùng kẹo bánh thật lớn. Xin phép cô giáo cho các em lãnh kẹo xong, Zarah, Hằng, Toby, Allen và anh Trung Tín đi quanh phát kẹo cho cả lớp. Tôi cầm máy ảnh, chụp lia lịa những ánh mắt, nụ cười của người cho và người nhận. Ngoài đường lộ, các bà mẹ và cha ẵm con đi chơi thấy vui cũng ngừng lại xem. Những đứa bé này cũng nhận được kẹo bánh từ chúng tôi nên ai cũng vui vẻ cả.

 

                                                                                                      Dân làng Mộ Trạch – Hai mẹ con

 

Sắp về, Zarah lại khám phá ra một ngôi trường khác, các em này đang học mẫu giáo, chơi tung tăng trong sân. Anh Trung Tín lại phải đi mua thêm kẹo cho các cô phát. Các cô giáo trường này tập họp các em lại làm bốn hàng, tay em này đặt lên vai em kia. Tôi, Allen và Toby chạy ra hàng cuối, đặt tay lên vai các em giả bộ xin kẹo từ các cô giáo, Zarah và Hằng. Các em bé quá nên chúng tôi phải khom cả người xuống.

 

 

                                                                                                                                    Trường Mẩu Giáo

 

 

Phía sau trường là đồn công an, có anh ra dòm chừng nhưng có lẽ thấy chúng tôi là một bọn người vô hại nên chỉ đứng xa nhìn tới. Dù không biết họ nghĩ gì về mình! Tôi cũng không quan tâm những gì diễn ra trong tâm trí họ. Tôi chỉ muốn làm những gì mình cho là đúng, trong khả năng mình, để mang lại cho mọi người và cho chính mình những niềm vui nho nhỏ mà thôi.

 

Rời Mộ Trạch, chúng tôi về lại Hải Dương. Tôi ngắm cánh đồng lúa vàng có các con bò thảnh thơi nhai cỏ. Nông dân đánh xe trâu chở lúa, lũ trẻ bì bọp bắt ốc trong các ao hồ, các hoa bèo xanh trang điểm quanh ao tạo thành những bức tranh quê tồn tại muôn đời trong trí tưởng.

 

 

Nha Trang

 

Tôi lặn lội khắp nơi với Steve và nhóm “Đông Tây Hội Ngộ.” Tôi được đi xe lửa từ Saigon về NhaTrang trong đêm mưa. Xe khởi hành, nhân viên báo tin có mì xào bò trong thực đơn ăn tối tại toa hàng ăn, cô hành khách cùng toa chép miệng.

 

- Thôi dẹp đi mấy ông ơi, dơ thấy mồ ai dám ăn!

 

Cô này người Việt, hộ khẩu Sài Gòn, đi công tác miền Trung, câu nói của cô ta làm chúng tôi cười lăn. Tôi nằm dài trên giường, chuyện trò và chụp ảnh sân ga một hồi lâu mới chợp mắt.

 

Xe lửa chạy dùng dằng, dục dặc qua đêm, đôi khi tôi thức giấc vì xe đổi đường rầy hoặc ngừng trước các ga nhỏ, nhìn qua cửa kính, cảnh vật hoang dã mênh mang dưới ánh trăng non nhợt nhạt, lâu lâu có cái chòi lá hoặc cái lô cốt ánh đèn leo lét như ma trơi. Khoảng hơn bốn giờ sáng, tôi không còn ngủ được nữa, có lẽ sự mong chờ nhìn lại vùng đất mình lớn lên cả thời niên thiếu đã âm thầm sôi sục trong đáy tim. Tôi ngồi dậy, dí mũi vào cửa kính, nhìn dãy núi và các cánh đồng chạy dài bên đường sắt. Xa xa, đám sương trắng quấn quít trên sườn đồi Phan Rang, có lẽ mùa này đang mưa nên cây cỏ rất xanh tươi. Một ngôi chùa mái đỏ cong vút huyền hoặc vươn lên trong ngàn xanh gợi nhớ tới những ngôi đền rải rác vùng ngoại ô Vọng Các.

 

 

Bãi biển Nha Trang – Photographer Hương Phạm

 

Xuống sân ga Nha Trang trong cơn mưa nhẹ hạt, xe chạy về khách sạn trên con đường Lê Thánh Tôn ngày xưa. Tôi bồi hồi cố gắng nhận cho ra ngôi trường Thánh Tâm của mình, tòa nhà làm việc của ba tôi, cái nhà xác quân đội, bệnh viện Nguyễn Huệ. Tất cả đều thay đổi, như sự thay đổi của cuộc đời tôi. Niềm thiếu vắng và mất mát như xé trái tim tôi thành hai mảnh. Như hai mảnh đời riêng biệt, như một tình yêu dành cho hai tổ quốc. Bỗng dưng trên vùng đất thân quen này, tôi cảm thấy cô đơn vô cùng tận giữa những vòng tay yêu thương của gia đình và bè bạn. Từ bao giờ, tôi trở thành người lạ???

 

Từ bao giờ tôi trở thành người lạ?

Thành phố buồn không có dấu chân tôi!

Tuổi thơ ngây trả về cho em đó, Ngậm ngùi tìm trong những giấc mơ phai! (1)

 

Tối hôm ấy Minh Hà, người bạn gái Nha Trang, nằm dài trên giường tôi trong khách sạn, tâm sự vụn như những ngày còn niên thiếu. Cả mấy năm mới gặp nhau một lần nhưng chúng tôi dường như có một sự liên kết bất thành văn nào đó, không thường nói chuyện, cũng không điện thư nhưng không có một chút gì ngăn cách. Phải chăng tình bạn ấy là những dấu hiệu vô hình cho cô bé lạc trong khu rừng cổ tích, để cô ta tìm được lối về???

 

 

                                                                                Thuyền Chài Nha Trang

 Mưa Hà Nội

 

Sau hai tuần làm việc với Project VietNam, tôi và Zarah ở lại thêm một tuần nữa vì tôi hứa sẽ đem cô đi chơi. Tuy lặn lội trên nước Việt hai tuần, Zarah chỉ mới được đi chơi vài ba giờ với những người bạn trẻ cô gặp. Các bạn ấy dẫn cô đi thăm gia đình họ tại Vũng Tàu, họ dẫn cô đi phố, đi ăn và nghe nhạc vào những buổi chiều sau ngày làm việc tại Sài Gòn và Hà Nội. 

 

Từ Hải Phòng, tôi về Hà Nội trong buổi chiều mưa dầm dề sướt mướt, quốc lộ kẹt xe nghiêm trọng. Trên xe, Allen dạy cho Hằng nói: “She sells seashells on the seashore” và tôi dạy Allen  “Thầy Thiện Tâm thích thịt tái, thầy thưởng thức tô thiệt to, thầy thương thực tí tắt thở.” Trong lúc ấy thì anh tài xế chửi “Bọn công an ăn béo mề, thấy trời mưa đi trốn mất không chịu điều khiển giao thông.” Hơn sáu giờ chiều, chúng tôi về Hà Nội. Đến khách sạn Hòa Bình gửi bớt hành lý, tôi và Zarah chạy xuống phòng tắm hơi và tẩm quất trước khi lên ăn tối và đáp xe lửa đi Sapa. Hẹn với người em ruột và cô cháu gái từ Nha Trang ra để đi chơi với nhau, ăn tối xong, chúng tôi vội vã ra ga Hà Nội. Sự hào hứng dâng cao trong lòng chúng tôi, nhất là khi tôi nhìn ánh mắt, nụ cười của em tôi và cháu Trâm Anh. Hai mẹ con lần đầu được ra Hà Nội và cũng là lần đầu được du lịch kiểu Mỹ, dù chỉ với một người Mỹ gốc Huế và người kia là Mỹ gốc Phi Luật Tân. Trâm Anh buộc phải thực hành tiếng Mỹ với Zarah và tôi. Lâu lâu nếu cần, tôi mới nói tiếng Việt với Thu Dung về các công việc gia đình. Nhờ vậy Trâm Anh có cơ hội nói tiếng Anh, rất quan trọng cho ngành học du lịch của cô bé. 

 

Tàu đêm Ratraco khá sạch sẽ và tiện nghi, chỉ thua tàu Victoria một chút xíu. Lúc mới lên tàu, máy lạnh chưa mát lắm, khách Tây cởi giày vớ, nằm thò chân ra cửa, cả khu hành lang hôi mùi bí tất bẩn, Zarah chê hôi không chịu đi phòng tắm, tôi nằm ôm bụng cười, hai người Việt Nam đồng hành vui sướng như tiên vì lần đầu tiên được đi xe lửa giường mềm, máy lạnh nên không có vấn đề gì cả. Chúng tôi đóng cửa phòng ngủ ngồi đấu láo cho đến khuya. Tàu dùng dằng, dục dặc, xình xịch chạy qua thành phố Hà Nội, qua cầu Long Biên...

 

 

 

                                                                                         Quán bên đường

 

 

Tôi chỉ cho Zarah xem những ngôi nhà bên đường, cả gia đình quây quần ăn tối hoặc xem truyền hình, các quán ăn tấp nập vui vẻ, các xe gắn máy đứng chờ sau cổng đường sắt. Tôi chỉ cho cô cách chụp ảnh, kể cho cô nghe các câu chuyện nho nhỏ. Tôi nhớ lời bác sĩ Quý khi các bạn hỏi tôi một câu văn chương gì đó:

 

-  Chị là người thông thái nhất trên chuyến xe này! 

-  Không thông thái sao được khi chị lớn hơn các em mấy mươi tuổi?

-  Chị nói tiếng Việt giỏi quá dù đã đi xa hơn ba mươi năm!

-  Nhờ lắm mồm và cũng nhờ đi theo Project VietNam nên phải học thêm, không thôi chị hay bị người ta cười vì dùng tiếng Việt cổ điển đấy!

 

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn.” Tôi không nghĩ rằng mình học được nhiều như vậy, nên tôi cứ mãi chu du trên đường thiên lýđể ráng học thêm cái khôn của thiên hạ.

 

 

Mây Trắng SaPa

 

Leo bốn tầng lầu lên căn phòng ngủ của khách sạn Auberge thì tôi chỉ muốn ngả lưng xuống giường để làm một giấc thiên thu. Nhưng đám mây trắng bồng bềnh trên trời xanh kia đã kéo tôi tỉnh giấc. Tôi dựa vào lan can, nhìn dãy núi biếc, nắng thu vàng trải trên ngàn xanh một giải lụa óng ánh, hứa hẹn dẫn tôi vào một vùng trời cao nguyên ảo diệu. Thế là tôi lại nai nịt lên đường. Ba lô máy ảnh, phim lắp sẵn, bình điện đầy đủ, tiền cụ Hồ cả xấp trong túi, tôi và các bạn đồng hành xuống nhà ăn khách sạn, uống tách cà phê nóng, ăn mỗi người một tô phở bò dằn bụng trước khi tung cánh bay trong bầu trời diễm tuyệt của phố núi SaPa.

 

 

 

                                                                                    Hoàng Liên Sơn

 

 

Vì được đến SaPa mấy năm trước, tôi đã quen đường đi nước bước của phố núi. Đi chơi vui, nhanh, gọn và dễ chụp ảnh cũng như dễ cho cái đầu gối của mình là phải đi bằng xe gắn máy. Gọi bốn chú xe thồ, chúng tôi phóng xuống Cát Cát cho các bạn xem làng người Hmong và suối Cát Cát. Đường xuống làng bây giờ có thêm nhiều quán bán các sản phẩm như khăn quàng, áo, mũ, nữ trang ... Thấy nóng đầu tôi mua một cái mũ, chỉ có một đồng bạc. Bên đường thỉnh thoảng có mấy con heo mập rúc trong bụi cỏ tìm thức ăn, Zarah chạy theo chụp ảnh. Tôi chụp hình các bà mẹ ẵm con, các đứa trẻ nhỏ chơi quanh quẩn. Zarah thường dúi cho tụi nhỏ tiền cho nên chúng nó cho cô chụp ảnh thoải mái. Thường thì sau khi bán được mấy món quà lặt vặt, những người dân tộc này cho mình chụp ảnh kỷ niệm. Trong một căn nhà nhỏ, chúng tôi thấy một chú bé nằm ngủ vùi trong tấm chăn hoa, người mẹ than rằng chú bé đã hai tuổi mà không đi được. Chúng tôi cảm thấy thật buồn nhưng không làm gì giúp bà ta được. Nhìn quanh mình, ai cũng cần giúp đỡ cả, ai cũng nghèo cả và những đồng bạc mình chi ra, không bằng hạt muối trong đại dương. Trong một căn nhà khác, các đứa bé mũi lò thò, chơi với nhau rồi đánh nhau, cắn nhau kêu la chí chóe. Mấy bà mẹ nhảy vào lôi ra, vỗ về dỗ dành và phân trần ríu rít với thổ ngữ của họ. 

 

Buổi sáng thật yên bình trong làng Cát Cát, những cây tre lao xao dưới nắng, mấy con gà bới đất trong sân; mấy con vịt, con ngan chạy lạch bạch qua đường. Các thửa ruộng bậc thang loang loáng nước. Xa xa trong thung lũng, ẩn hiện vài căn nhà tranh lặng lẽ, đìu hiu. 

 

 

                                                                                              Đồi núi SaPa

 

Rời Cát Cát, chúng tôi đi Suối Bạc và Cổng Trời. Tại Suối Bạc, tôi đãi mọi người bữa cơm Lam và thịt lợn rừng nướng. Zarah và Trâm Anh leo lên suối, Dung ngồi nghỉ trong quán, tôi lững thững dạo quanh, nhìn những đóa hoa Ban trắng, những đóa hoa dại không tên điểm trang rừng nhiệt đới. Có hai anh dân tộc vừa kiếm được một cây hoa lan thật lớn muốn bán giá có vài đồng bạc. Thèm lắm nhưng chẳng được đem về California nên chỉ ngậm ngùi tiếc rẻ.

 

Tại Cổng Trời, bên tay trái chúng tôi ngắm ngọn Fan Si Pan trùm tóc sương mù; bên hướng phải, thác tình yêu tạo hình trái tim qua hai dòng nước; trước mặt là hẻm núi mênh mông ngút ngàn. Hùng vĩ thay núi non Việt Bắc, thảo nào cứ bị mấy cụ lính Tàu len lén đi dời cột mốc để xâm lấn biên cương.

 

Về lại phố SaPa, sau bữa cơm trưa, hai người Việt Nam đi ngủ. Hai người Mỹ gốc da vàng ngồi trong tiệm ảnh Hoàng Tùng trên góc phố Cầu Mây chờ sang CD, tán dóc với nhiếp ảnh gia Hoàng Tùng và nhìn ông đi qua, bà đi lại - Ý quên! Phải nói là” Ông Zhao đi qua, bà Hmong đi lại” mới đúng. Lẫn lộn với người Việt, Nhật, Tây, Úc, Mỹ, phần lớn là dân sắc tộc về phố mua hoặc bán hàng. Áo quần họ mặc rất sặc sỡ, màu sắc tùy theo từng bản. Tôi chỉ phân biệt được người Zhao đỏ, Người Záy, Người Hmong đen và Hmong Hoa thôi. Người Hmong đen nào cũng có một cuộn dây, lúc đi cũng làm việc với cuộn dây ấy không ngừng. Các cụ già Hmong và Zhao ngồi thêu bên lề đường, không thấy ai đeo kính. Buổi chiều xuống chợ SaPa chơi, trong lúc

Zarah mua hàng, tôi ngồi tán dóc với các chị người Zhao đỏ. Tưởng chỉ đi tán dóc và chụp hình, thế mà trước khi về cũng bị mấy bà già dụ mua mấy món hàng lỉnh kỉnh.

 

 

                                                                                              Người Zhao trong chợ SaPa

 

Chiều xuống, chúng tôi ngồi trên sân thượng nhìn các đám mây thay màu từ vàng cam qua tím hồng, ánh nắng cuối ngày làm những tòa nhà khách sạn cao trong phố SaPa ửng vàng trong không gian tím biếc. Uống ly trà nóng, nhâm nhi bánh cốm, bánh gai. Cảm nhận hương thu trong gió chiều, trong vị cốm non, trong bánh đậu Hải Dương... Dung cắm cúi viết, chắc cô nàng đang làm thơ, Zarah cầm máy ảnh đi quanh các lầu chụp những tia sáng cuối.  Riêng tôi, tôi đang mở hồn, mở mắt, và mở cả miệng để đón Nàng Thu qua tất cả các giác quan còn làm việc được của mình.(Đọc đến đây chắc có kẻ than phiền rằng sao tôi còn trần tục thế? Trong thiên đàng này, bạn nên nhớ rằng tôi cũng chỉ như chàng Lưu Nguyễn!).

 

 

 

                                                                                                         Thành Phố SaPa  

 

 

Ban đêm đi ăn tối về, hai người Việt lại đi ngủ nữa. Tôi và Zarah ngồi trên băng đá trên một sân thượng nhỏ. Khách sạn này xây rất đặc biệt, các sân thượng nho nhỏ rải rác tại các lầu khác nhau, mỗi sân có một sắc thái đặc biệt. Sân nào cũng có ghế đá, chậu hoa leo, hoa cúc, suối nước nhân tạo chảy róc rách. Sân nào cũng có sự đầm ấm riêng biệt. Ghế đá chúng tôi ngồi nhìn thẳng lên vị trí vầng trăng mười sáu, có ngôi sao hôm lấp lánh bên cạnh. Mây bay cuồn cuộn như đùa giỡn với chúng tôi, khi che mất vầng trăng, khi viền tà áo mây bằng giải ngân nhũ, khi để ánh trăng trần truồng mặt nguyệt, nhìn xuống hai đứa tôi ngồi hóng gió, như hai tảng đá đen trên núi Hàm Rồng. Ánh trăng làm những đóa hoa cúc vàng trở thành trắng xóa trong bóng tối, các dây tơ hồng mong manh đong đưa trong gió nhẹ. Tuyệt vời thế nhưng vì sợ muỗi cắn chúng tôi không dám ngồi lâu. Sáng hôm sau, từ trong phòng tôi thấy hai cô cậu trẻ tuổi người Việt hái mất đi những đóa hoa cúc, tôi rất bất bình nhưng không muốn lên tiếng, họ có vẻ thầm lén như kẻ trộm. Thấy tôi, họ tần ngần bỏ đi, trong tay đầy những đóa hoa sương đọng. Tôi ngẩn ngơ nhìn bụi cây thương tích và tàn phế, cảm thấy một nỗi mất mát như người vừa tỉnh cơn mộng đẹp!

 

Sáng hôm ấy tôi đi làng Zhao Đỏ Tả Phìn, gặp chị Chảo Mẩy và cho chị những tấm hình đen trắng tôi chụp cho chị ba năm trước. Chị bảo rằng có con gái sắp lấy chồng vào ngày hăm sáu tháng Mười Một, hai vợ chồng chị mời tôi lên ăn cưới. Tôi tiếc hùi hụi vì phải về Mỹ ngày mười chín. Đây là một dịp may cho đời nhiếp ảnh của tôi vậy mà tôi phải bỏ qua. Ngậm bồ hòn, tôi cáo lỗi, nỗi đau này chắc cũng giống như mấy người dò số kiến thiết, thiếu mất một con số!!! Tôi mua giúp chị một bức thêu khá đắt tiền, không mà cả, mục đích giúp chị có tiền làm đám cưới cho con. Anh lái xe thồ lắc đầu chê tôi trả nhiều tiền quá, tôi chỉ mỉm cười...

 

Tại bãi Đá Cổ, tôi nhìn các tảng đá lớn có vạch khắc ngoằn ngoèo từ thời tiền cổ nay được xây hàng rào bảo vệ, thế nhưng bọn trẻ Hmong vào chơi, chạy lung tung trên đá và các du khách vẫn nhảy rào, ngồi trên tảng đá để chụp ảnh. Tôi đứng ngoài nhìn vào, mong ước làm phép lạ như Nicole Kidman, ngọ ngoạy cái mũi và tạo ra một luồng điện giật vào mông mấy kẻ ngồi trên đá cho chừa.

 

Các anh tài xế xe thồ xin tôi chụp cho mấy cái ảnh vì các anh nghĩ rằng tôi là thợ chụp hình thứ thiệt. Thấy vậy, tôi chụp hình cho họ và nhờ anh Hoàng Tùng in liền khi về tới phố. Người Mỹ gốc Huế này đôi khi cũng dễ chịu lắm.

 

Tôi muốn gìn giữ những kỷ niệm đẹp về SaPa và tôi cũng muốn lưu lại cho người SaPa những ấn tượng đẹp về mình, một hình bóng thoáng qua rồi có thể vĩnh viễn biến đi như bóng chim, tăm cá trong đời họ. Một thoáng cười cũng đủ góp vui cho đời.

 

 

Màu tím Huế

 

Tôi nhớ màu tím Huế qua tà áo dài của mẹ ngày xưa, khi mẹ nắm tay hai đứa bé con đi dạo phố

Trần Hưng Đạo; của Trần Tuấn Hoài Khanh trong ánh nắng thủy tinh qua tàn khuynh diệp tại Huntington Beach Park; của Trần Hòa Nam nép mình bên cửa Thượng Tứ. Tôi lại gặp màu tím lần nữa khi người bán hàng mặc bộ áo lụa tím, gánh hai cái rổ, đầu đội nón lá, đi qua cầu ngói Thanh Toàn. Màu tím làm tôi ngẩn ngơ quên chụp ảnh, mà cũng quên không chạy theo kêu mụ lại khi mụ đi khuất sau đường kiệt.

 

 

 

                                                                      Đường làng Thanh Toàn

 

Màu tím Huế hay dòng sông Hương, hay mấy cái dây mơ rễ má họ hàng đã dẫn tôi về đây để tôi gặp lại các cô, anh, chú, bác. Thăm mấy cái mộ xám, nhìn mấy cây hương thơm tỏa khói trên tay cô Huệ. Ngồi trong căn nhà cổ có mấy cây đàn thập lục, đàn nguyệt treo lủng lẳng của anh Tôn Thất Quỵ. Nghe anh giảng giải ý nghĩa của bức hoành phi “Linh Thứu Cao Phong” (2) treo trong chùa Linh Mụ do ông tổ của tôi là chúa Nguyễn Phúc Chu (3), hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân viết. Tôi nhớ trong cơn mưa thu của Huế, tại chùa Linh Mụ, tôi và Zarah, ngồi đàm đạo với thầy Trí Tửu và thầy Hải Trang trong nhà Tăng, thầy cho “ăn mày cửa Phật” mấy trái quít làm cho anh chèo đò phải đi kiếm chúng tôi vì tôi đi lâu quá. Tiếng cười thầy Trí Tửu còn vang vọng sang sảng, Thầy dặn lần sau về nhớ nhắn trước để thầy cho ăn cơm chay. Quả thật tôi có số được ăn! Về Sài Gòn, nhằm ngay ngày giỗ bác Ba Viên, về Nha Trang ngày giỗ ba tôi, về SaPa được mời đi ăn cưới, về Huế được tăng sư mời ăn chay. Phúc đức đến thế là cùng!

 

 

                                                                              Cầu Ngói Thanh Toàn

 

Thế nhưng màu tím Huế là màu buồn, dòng sông Hương lững lờ mang bao nhiêu niềm u tịch. Chú Kỷ của tôi bây giờ già và lẫn, nói không nghe nữa vì bây giờ chú nói nhiều quá và dường như ông chỉ nghe và chỉ muốn hiểu những điều ông nói mà thôi. Chú vẫn ở trong căn nhà đổ nát, không cho xây nhà khác, chú vẫn miệt mài chế vàng giả và cho tôi một miếng để làm hành trang lên đường. Cho bao nhiêu tiền chú cũng chê ít, không đủ để ông mua ổi xanh và kẹo dẻo cho con nít hàng xóm!!!

 

 

                                                                               Chợ trái cây Đông Ba

 

Hôm nay tôi lên Thanh Lam, thăm mộ ông bà, Dung chỉ cho tôi một khoảng đất trống nhỏ và bảo đó là chỗ cho chú Kỷ. Cô Huệ nói là nếu chú có mệnh hệ gì thì cô sẽ lo, Dung bảo tôi là nó sẽ ra Huế ngay nếu chú mất, chị không cần lo lắng nữa! Lo làm sao được? Tôi như cánh chim bằng chu du cõi thế và một mai, chú cũng sẽ làm cánh hạc vàng bay khuất chân mây. Lo mấy cũng không được!

 

Mấy tấm trướng tấm liễn bay phơ phất theo những chiếc xe tang thường mang màu tím.

 

Huế tím nên Huế buồn.

 

Tôi thuê con thuyền lá tre đi từ khách sạn Hương Giang qua chợ Đông Ba, cả bọn cười ngặt nghẻo thấy tôi chòng chành cố giữ thăng bằng khi thuyền trôi trên sông. Ngày xưa mẹ phải là người can đảm lắm mới dẫn đưa được hai con bé tóc bím qua sông. Tiếc thay dòng sông đời của con mẹ không còn đưa dẫn nữa. 

 

Tôi đã nghĩ là Huế buồn, thế mà nếu lâu lâu không về, mình còn buồn hơn Huế!

 

 

                                                                       Chùa Thiên Mụ

 Hà Nội mùa thu

 

Ngày cuối thu Hà Nội bỗng trở rét, thiên hạ mặc áo bông, trùm khăn san, rên rỉ xuýt xoa. “Hôm nay rét quá.” Tôi và Zarah mặc áo thun mỏng theo Sao Khuê, Vân Anh, Dũng và Cu Mít đi ăn bánh Tôm và cá Quả chiên cuốn bánh tráng trong Phủ Tây Hồ. Ngon tuyệt vời, thức ăn nóng trong cơn gió mát Hồ Tây sau ba tuần nóng bức. Sao Khuê bảo:

 

- Tại Hà Nội chúng em chán món bánh tôm lắm vì cứ ăn hoài, chỉ có Việt Kiều thích ăn thôi!

 

Vân Anh và Dũng là bạn của Sao Khuê, cách đây sáu tháng họ mất đứa con vì sanh thiếu tháng, không cứu được. Nghe tôi và Zarah trong ngành cấp cứu sơ sanh và trẻ thiếu tháng nên muốn hỏi thăm các vấn đề y học. Theo ý tôi, các bạn thanh niên lành mạnh tại thành phố, bây giờ có nhiều kiến thức và rất khao khát được học hỏi nên tôi  luôn luôn cố gắng trả lời các câu hỏi của họ một cách giản dị, dễ hiểu và trung thực nhất. Những giấc mơ và niềm hy vọng của họ cũng giống như những giấc mơ và niềm hy vọng của bao nhiêu người trẻ tuổi khác trên những vùng thế giới tôi đã đi qua. Những ánh mắt và nụ cười của họ trao tôi, đã xóa đi rất nhiều điều cách biệt. Có lẽ gió thu se lạnh làm những quán lẩu trên đường Phùng Hưng hết chỗ ngồi, thế mà bọn thanh niên làm nhà hàng cũng vẫn chạy loăng quăng trên đường chận xe khách. Tôi và Zarah ngồi trên bậc thềm của một căn phố đóng cửa sớm, ăn hạt dẻ nóng và đợi Sao Khuê đến gặp. Zarah bảo rằng cô muốn đi ăn chả cá Lã Vọng thêm một lần nữa trước khi về Mỹ. Vì không còn thì giờ, tôi phải hứa là khi về Mỹ, sẽ dẫn cô đi ăn chả cá Hà Nội tại Bolsa. Ngon và sạch hơn cả chả cá Lã Vọng, chỉ thua cái món bún tươi.

 

Chiều thứ sáu, trên phố hàng Bông, ăn cái bánh Khúc nóng gói trong lá chuối Sao Khuê dúi vào tay, trong làn gió mát mơn man, nhìn mọi người chung quanh co ro trong tấm áo bông, tôi nhận ra rằng mình đang hưởng trọn vẹn một mùa thu Hà Nội.

 

 

 

                                                                                    Hồ Tây - Hà Nội

 

Sáng thứ bảy nhìn qua khung cửa sổ khách sạn Sheraton, hồ Tây phẳng lặng và buồn mênh mang. Bầu trời xám hứa hẹn thêm những ngày gió lạnh. Hôm nay tôi giã từ Hà Nội, bỏ lại cô bạn nhỏ Sao Khuê, và thằng Cu Mít trong cảnh đời gian nan, điều an ủi là cô vẫn cười, vẫn mộng mơ, và vẫn còn hy vọng.

 

 

 

Mùa Thu Cali

 

Về Cali được vài tiếng đồng hồ, cũng trong ngày thứ bảy. Hàng cây trên đường lá đã vàng, nhiệt độ giống y như mùa thu Hà Nội, khô ráo hơn và nắng cũng vàng hơn. Nhưng không có ai mặc áo bông và không có người bán bánh khúc, bán xôi cốm xanh thơm thơm, ngòn ngọt nữa. Tuấn và các bạn nhiếp ảnh cùng tôi đi ăn phở, không hiểu vì mệt, vì buồn, vì nhớ mùa thu Hà Nội hay vì say máy bay nên ăn không thấy ngon.

 

Bước vào phòng triển lãm nhiếp ảnh của Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam, tôi thấy mùa thu hiện diện tràn trề  trên các hình lá vàng, lá đỏ, rừng thu, suối thu, nàng thu, nắng thu và  những bài hát mùa thu tưới vào hồn muôn cung điệu . Linh hồn tôi sung mãn tràn trề, nào ai có hạnh phúc hơn tôi? Hai mùa thu tại hai vùng quê hương yêu dấu, hai ngày thứ bảy trên hai vùng địa lục. Thu Hà Nội hay Thu Cali, thời gian và không gian không còn biên giới nữa.

 

                                                                                                                                                                                                                             Mùa Thu San Dimas- California

 Mùa Thu San Dimas- California

 

 

Tôn Nữ Thu Nga

San Dimas - Nov.22, 2005

 

 

Chú Thích:

 

(1)   Thơ của tác giả

(2)   Câu này dịch là: Vòi vọi thay núi Linh Thứu, ý là Triết lý nhà Phật rất cao thâm.

(3) Tôn Thất hệ 7- Phường Lạng Giang

  TRANG CHÍNH   TRANG TRƯỚC