Bùi Thị Lan

Nếu tin vào số mệnh thì ta có thể nói quả thật không sai là trên cuộc đời này, mỗi người có riêng một định phận. Trong đoạn kết của truyện kiều, thi hào Nguyễn Du viết:

                Ngẫm hay muôn sự tại trời

            Trời kia đã bắt làm người có thân.

 Và tây phương cũng cùng một ý tưởng. Cố tổng thống Ronald Reagan, lúc vào lứa tuổi 70, ông có nói:" Thượng Ðế đã dành cho mỗi chúng ta một chương trình. Là con một trong gia đình, tôi được ba mẹ và mọi người yêu mến. Năm tôi lên 8 tuổi, Ba Mẹ cho vào nội trú theo học trường đạo của các bà Phước Dòng Chúa Cứu Thế ở một quận lỵ nhỏ thuộc Tỉnh Quảng Ngãi .Vì là con cưng của gia đình, quen được ba mẹ nuông chìu, nên tôi dễ giận hờn và kèm theo cái khó tính nên thường xuyên cứ mắc phải những hình phạt của các bà. Sáu năm vui buồn dưới mái trường nội trú. Một hôm vào tiết tháng 10 trời miền Trung mưa lạnh, tôi không thể dậy để đi lễ hằng ngày vào lúc 5 giờ sáng. Thế là bị một trận đòn no đủ, tôi khóc và sinh ra ốm nặng không phải vì trận đòn đau mà vì cách đối xử mạnh bạo đối với một người con gái trong lứa tuổi mới lớn, roi vọt là cái mà tôi không thể chấp nhận được. Ba tôi hay được tin liền xin cho ra khỏi nội trú và đến ở trọ nhà người quen để tiếp tục đi học cho đến ngày rời quê hương năm 1975.

Khác với những bạn cùng trang lứa, tôi sống xa gia đình từ nhỏ nên không có nhiều kỷ niệm với ba mẹ tôi đến khi biết suy nghĩ tôi thấy những lần về quê thật tuyệt vời, được chan hoà tình thương dịu dàng và thầm kín của ba mẹ.

Một buổi sáng, vào năm 1963 hay tin Quân đội lật đổ nền Ðệ Nhất Cộng Hoà và vài hôm sau, ba tôi bị bắt về tội nghe nói là "Hội viên đảng Cần Lao." Ở hải đảo xa chính quyền và luật pháp nên ba tôi bị đánh đập rất tàn nhẫn. Khi được thả ra, người ông như một xác khô với một tâm hồn khoắc khoải. Vết thương của thể xác chưa lành hẳn thì biến cố năm 1975 lại ập đến và lần này thì mất sạch hết đất đai ruộng vườn. Một năm sau thì ông mất trong khi tôi phải ly hương. Nổi đau đớn của tôi lần đó thật là vô biên. Mỗi lần nhớ đến ông, tôi mường tượng lại cảnh ông bị đồng loại tra tấn và cảnh tôi bị đòn lúc còn trong nội trú. Số phận của cha và con cũng gần giống như nhau. Còn lại một mình mẹ tôi vì đã có tuổi lại không muốn rời xa quê hương với lý do mộ phần còn lại của ông bà tổ tiên, nên bà quyết định ở lại Việt Nam.  Sống xa bà nửa vòng trái đất, tôi phải chạy theo cuộc sống tất bật của nền văn hóa kim tiền, vận tốc và tiêu thụ. Thời giờ qua vùn vụt. Nhiều lần ngồi một mình tưởng nhớ đến quê hương, thương cha tôi, người mà tôi không được gặp mặt lần cuối ngày ông qua đời và thương mẹ đang sống lất lây ngày tháng, rồi nghĩ đến thân phận mình mà buồn.

Tôi thật sự bước vào đời năm 20 tuổi. Một duyên và nghiệp nào đó trong quá khứ xa xôi đã dẫn bước chân tôi đến gặp anh, rồi cuộc tình thời chiến đã đưa chúng tôi đến với nhau. Quê tôi ở hải đảo trong khi anh sinh ra và lớn lên ở xứ Huế, học hành ở kinh đô cổ kính của hoàng triều. Ra làm việc ở quê tôi vì công vụ, cuộc tình này quả là một duyên kỳ ngộ, định mệnh đã an bài. Đếm thời gian chỉ đủ trong một bàn tay, chúng tôi thành vợ chồng rồi cả hai rời xa hải đảo cuối tháng 3 năm 1975. Hành trang của tôi lúc đó chỉ là một cô gái ngây thơ từ nội trợ cho đến việc quản lý gia đình, nhưng may quá tôi gặp phải một ông chồng rất thương yêu tôi. 

Thời bấy giờ, anh là một sĩ quan cấp nhỏ trong binh chủng Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà. Anh đến với mọi người bằng nụ cười tự nhiên, giọng nói lúc nào cũng trầm trầm, hiếm lúc tìm thấy nơi anh sự giận dữ, anh ngọt ngào từ lời ăn tiếng nói. Dù đôi lúc tôi không làm vừa ý anh, trong gia đình với vợ và các con, anh không thiếu bổn phận làm chồng, làm cha kể cả hai bên cha mẹ anh vuông  tròn chữ hiếu; đối với các anh em thì anh lo lắng bảo bọc cho từng người, còn với bạn bè anh thật lòng giúp đỡ mỗi khi họ cần đến. Nói chung thì anh lo cho mọi người hơn cả bản thân anh. Tôi đã học hỏi rất nhiều nơi anh về cuộc sống ngoài xã hội cho đến ở sở làm và cách dậy dỗ các con.

Ngày nay  nhớ lại trong 25 năm bên nhau, không ngày nào anh vắng mặt trong bữa cơm gia đình trừ khi anh đi công tác xa nhà. Tôi biết anh cố gắng hết sức mình để tạo một thiên đường trần thế cho vợ, cho con mà không hề than van một điều gì. Nhưng rồi anh đột ngột ra đi trong một ngày cuối tuần của tháng 3 năm 2000, bỏ lại tôi và bốn con thơ. Tôi cảm thấy mình như đang thong dong trên một con thuyền có người cầm lái vững chắc, bổng nhiên thình lình bị lạc vào một vùng biển xa lạ, trơ
trọi một mình. Bây giờ đây, một mình tôi phải gánh lấy trọn vẹn tất cả mọi trách nhiệm ngoài xã hội cũng như trong gia đình. Nhiều lần tôi đuối sức rồi thất vọng với chính tôi. Ðó là lần đầu trong đời tôi biết thế nào là đau khổ.

Sau sáu tháng vật lộn với cuộc sống và nổi buồn tang tóc, thân thể tôi bắt đầu sinh ra những chứng đau nhức, tôi không đủ sức ngồi dậy vào buổi sáng, tay không cầm được muỗng ăn cơm thì làm sao chu toàn nhiệm vụ lo cho các con. Nhìn các con mà tôi rơi nước mắt, không biết đây rồi tương lai các con sẽ trôi giạt về đâu. Tôi quá sợ hãi khi mặt trời sắp tắt nắng và mắt không làm sao nhắm được khi đêm đã về khuya, tôi thao thức nhìn bóng tối mông lung mà đầu óc chứa đầy những lo âu phiền muộn. Tôi run rẩy khi từ sâu thẩm của linh hồn tôi nhìn lên trời cao mà ngỡ rằng Thượng Ðế đã bỏ rơi tôi một mình trên biển cả không người và chính trong nổi tuyệt vọng đó, tôi tìm thấy được ý nghĩa của sự đau khổ, tình thương bao la của Thượng Ðế. Ngài dành cho những ai thật tình phải sống trong khổ đau. Ngài đã âm thầm dìu dắt tôi như một đứa bé vừa mới tập đi và ban cho tôi rất nhiều ân huệ đặc biệt với các con, bạn bè, các người cùng sở làm đã bảo bọc, che chở, nâng đỡ để tôi có đủ can đảm chấp nhận hiện tại và hướng về tương lai.

Kế đó tôi tìm được việc mới gần nhà, giờ giấc việc làm tương đối dễ dàng hơn để đưa đón các con đi học cũng như khi tan trường. Nhưng vì nhu cầu gia đình, tôi phải đi làm hai việc, tôi bắt đầu đi làm khi trời chưa trở mình buổi sáng và về đến nhà thì mặt trời đã đi ngủ từ lâu. Tôi cố gắng hoàn tất công việc ở sở sớm hơn và thường thì làm hết việc chứ không hết giờ hoặc làm thêm ở nhà nếu cần và hiểu được hoàn cảnh của tôi nên chủ cho về sớm để có giờ lo cho các con buổi cơm chiều. Thời gian sau đó, bệnh tôi lần lần thuyên giảm nhờ một phần tìm đúng thầy chữa trị và lòng tin ở Thượng Ðế quan phòng. Nhờ đó mà giúp tôi hiểu rằng, nếu nhân gian không còn ai đau khổ thì trái tim người không còn biết thương nhau. Cho nên đối với tôi, mọi đau khổ là sợi giây rất linh thiêng, là hồng ân Thượng Ðế ban cho con người và điều này tôi thật sự là chứng nhân. Sống trong trạng thái sung mãn tinh thần như thế cho đến một hôm đầu tháng 4 năm 2005, tôi nhận được tin mẹ tôi lâm trọng bệnh và xin nghỉ việc đễ về thăm bà. Sau 5 ngày về bên cạnh mẹ, tôi đoán  giờ lâm chung của bà chắc sắp đến, mẹ tôi cầm lấy hai bàn tay tôi rất lâu. Với giọng nói nhẹ nhàng, âu yếm và đầy yêu thương, bà nói: "Con ơi, mỗi người trong chúng ta đều mang một Lá Số Định Mệnh do Thượng Ðế đã ban cho mà mình không có quyền chọn lựa." Câu nói này khiến tôi xúc động vô cùng khi bất chợt nhớ về cái quá khứ, mẹ tôi còn đau khổ hơn tôi gấp vạn ngàn lần. Thật đúng vậy, chọn lựa tức là từ chối. Ta đâu thể từ chối ý của trời cao mà không khỏi mang tiếng bội ơn. Một lần nữa, tôi mất thêm một người thân thương. Tự hỏi, tôi còn lại những ai ngoài các con tôi và một thể xác phiền muộn này.

Sau khi lo tròn trách nhiệm của người con đối với mẹ mình xong, tôi xuống tàu rời xa quê hương lần nữa. Ðó không phải là lần đầu mà cũng chưa chắc là lần cuối. Nhưng tim tôi cảm thấy quặn đau sau khi để mẹ mình nằm trong lòng đất lạnh. Tôi biết tôi còn nhiều kỷ niệm trên hòn đảo này, nơi anh ấy và tôi lần đầu gặp nhau rồi sinh lưu luyến, nơi mà tất cả những người thân yêu của tôi tại quê nhà đã lần lượt bỏ tôi mà đi. Ðó cũng là nơi khi trở về, tôi thật sự thấy mình còn lại một mình với một mình. Trên tuyến đường dài mười hai tiếng đồng hồ, chiếc phi cơ mang theo nổi cô đơn và những suy tư vô tận của tôi, rồi sau đó khi tiếng động cơ và các bánh xe từ từ ngừng hẳn đã đưa tôi trở về với cuộc sống hiện tại. Bước ra khỏi trạm kiểm soát cuối cùng, khi từng đứa con chạy đến, vòng tay ôm chặt với nụ cười mừng rỡ đầy yêu thương hình như hiện rõ một sự chờ đợi và nhớ nhung. Tôi biết tình thương tôi có được ngày hôm nay là từ Thượng Ðế ban phát ra cho các con của tôi, tình thương không vụ lợi. Tôi hy vọng tôi thương ba mẹ sinh ra tôi bao nhiêu, tôi yêu mến bạn bè xa gần của tôi bao nhiêu, thì các con tôi cũng đang và sẽ thương yêu và quý mến tôi như vậy.

Rồi ngày tháng cứ lặng lẽ trôi qua, cuộc họp khoá Đại Hội tháng 7/2005 tại Seattle của chồng tôi lại đến. Nơi đây các bạn cùng khoá cũng đã dành riêng cho gia đình anh một thứ tình cảm quá ư đặt biệt, luôn giữ đúng lời giao ước của Khoá Hải Quân Ðệ Nhị Thiên Xứng, là lúc nào cũng thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Biểu hiện những gì ưu ái nhất của tình đồng đội và bằng hữu, lúc nào cũng quan tâm theo dõi từng bước chân tôi đi. Sự quan tâm đó là phần gia sản mà chồng tôi còn để lại như hạt giống được gieo vào vùng đất tốt. Gia đình Ðệ NhịThiên Xứng đã tạo cho tôi một cảm tưởng rất sâu đậm. Trên con đường tôi đi, không chỉ riêng một mình, mà còn có các người bạn tuy không đồng cảnh nhưng đồng lòng sẵn sàng chia sẽ những gì gia đình tôi cần đến.

Nhờ đó, cơn đau nỗi buồn cũng dần vơi đi trong tôi để nhường chỗ lại cho ánh sáng hy vọng, đó là tình thương giữa con người với nhau. Chính tình thương này đã giúp tâm hồn tôi được sưởi ấm, cho tôi thêm vững tin vào tình thương bao quát của Thượng Đế. Và nhớ lời mẹ dạy tôi đủ can đảm chấp nhận “Lá Số Định Mệnh” mà Thượng Đế đã sắp đặt và an bài cho tôi trong cuộc sống tạm trên trần thế quá nhiều đau khổ này.

       

        Khóc Mẹ                    

    Con yêu thương mẹ vô cùng

Mà nay cách biệt ngàn trùng thiên phương                                                                                                       

    Tiếc thương bao nỗi vấn vương

Nguyện cầu hồn mẹ an khương lên đường

    Mẹ về nước CHÚA Thiên Đường

Con còn ở lại đèn hương nhớ người

    Mẹ đi nương bóng Chúa Trời

Con mồ côi mẹ cuộc đời buồn tênh.

    Đường về Thiên cảnh mông mênh

Con luôn lưu luyến không quên mẹ già

    Xin cho Con trải ngàn hoa

Tiễn đưa hồn mẹ chan hoà tình thơ

    Bàng hoàng con tưởng như mơ

Mẹ đi con vẫn còn ngờ chiêm bao

    Lòng con cô quạnh biết bao

Nhìn lên ảnh mẹ nghẹn ngào xót xa

    Công ơn mẹ đã sinh ra

Đáp đền chưa được thế là mẹ đi

    Đời người sinh ký tử quy

Yêu thương con biết nói gì mẹ ơi

    Cầu xin ơn ĐỨC CHÚA TRỜI

Độ cho mẹ được thảnh thơi an nhàn

    Cho bao lo lắng bồn chồn

Cho bao cay đắng, giận hờn tiêu tan

    Hai hàng nước mắt chứa chan

Con quỳ lạy mẹ lên đường yên vui

       

        LanĐịnh 2005

 

 TRANG CHÍNH  TRANG TRƯỚC