TX2 Nguyễn Văn Sơn
Thân gởi các Phu nhân 19,
Dư âm tuần lễ ĐH8 tại Seattle đầu tháng 7 vừa qua vẫn còn trong tôi mặc dù hình ảnh đã tan dần theo thời gian nhưng những kỷ niệm với bạn bè trước đây gián đoạn nay mới gặp lại qua lần ĐH vừa qua vẫn còn vương vấn chắc không bao giờ tan mất. Ba mươi lăm năm, một quãng thời gian quá dài đối với một đời người. Bao nhiêu là biến chuyển của trời đất, con người, lịch sử và đất nước. Kể từ ngày nhập vào quân trường TTHL/HQ/NT, kể từ ngày đó chúng tôi quen nhau rồi thân nhau. Cũng từ ngày mãn khóa hay dùng mỹ từ HQ là "ra khơi", chúng tôi mỗi người mỗi nẻo. Người thì ra khơi, kẻ thì ra sông hồ, rồi ...cũng từ ngày tang thương biển dâu 30 tháng 4 thật sự mỗi ngưòi mỗi ngã. Không phải "hai phương trời cách biệt" như ông nhạc sĩ Hoàng Trọng đặt tựa cho bản nhạc của ông ấy mà là "Hai trăm bảy mươi phương trời cách biệt". Chúng tôi cựu sĩ quan Hải Quân khóa 19/Nha Trang nói một cách Thiên Văn học có tính cách Hải Quân là "Thiên Xứng hai" hay "Đệ Nhị Thiên Xứng" cũng vậy ! chúng tôi mỗi người mỗi nẻo, tan tác, chia ly....Sau biết bao vật đổi, sao dời và theo biến đổi của thời gian, của thăng trầm cuộc sống trên vận nước nổi trôi, một số anh em chúng tôi lại có dịp gặp nhau qua các kỳ ĐH của khóa và qua các cuộc họp mặt lẻ tẻ. Con số 270 của ngày nào nhập khóa đến nay con số ngày càng rơi rụng dần. Ôi !! hai trăm bảy mươi chàng trai ôm mộng hải hồ không hẹn mà gặp lại tại trường SQHQ vào cuối năm 1968 ...đã chia xẻ những vui buồn của thời tân binh và của đời lính sau nầy. Từ lâu tôi có ý định giới thiệu những cái hay đẹp về khóa chúng tôi như sự đoàn kết giửa các thành viên, việc thành lập quỹ để giúp đở các bạn thiếu thốn hay bệnh tật ở hải ngoại và trong nước, sự kết họp khóa qua các chu kỳ ĐH hai năm một lần v.v.v Bên cạnh đó tôi muốn giới thiệu nhừng tài hoa của khóa, tôi sẽ nêu ra mười anh em của chúng tôi, không phải là tiêu biểu nhất mà có nghỉa là còn có nhiều lá bài chử "Ace" nữa. Tôi sẽ lần lượt thưa chuyện với các chị về "Top Ten" đẹp trai của khóa 19 chúng tôi.
Đọc chuyện cổ Tàu chúng ta thấy có hai chàng trai là "Trường Khanh" và "Tống Ngọc" tạm gọi là đẹp trai, đưọc văn sử khen rối rít, khen lấy khen để và được cụ Nguyễn Du, đại văn hào của nước ta mượn đem vào truyện Kiều :"Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh". Nếu Ngũ Hà và Kiến Sanh của khóa chúng tôi có mặt thời của cụ tôi chắc "chăm phần chăm" cụ sẽ mượn đở tên của hai chàng trai nầy và phải đổi câu thơ của cụ thành:
" Ngũ Hà buổi sớm, tối tìm Kiến Sanh"
Ba mươi lăm năm trôi qua, thời gian có làm phai mờ, thay đổi hoặc tàn phá các thứ nhưng đối với anh em chúng tôi nó chỉ thay đổi chút ít, chỉ tí tẹo, chỉ ..chút xíu qua nhan sắc của các anh em mà tôi sẽ thưa chuyện về Top Ten nầy mà tôi đã được gặp trong kỳ ĐH8 tại Seattle tháng 7/2005 vừa qua.
1/ TX2 Nguyễn Quýnh:
Sau gần 35 năm xa cách gặp lại chàng tôi nhận ra ngay ! không thay đổi gì nhiều lắm, vẵn đẹp trai như ngày nào. Chàng là người cầm cờ (quốc kỳ và quân kỳ ) cho khóa 19 mỗi khi có diễn hành hay lễ hội. Phải là người to lớn, cao ráo, bảnh bao, đẹp trai và...ôi còn bao nhiêu điều kiện khó khăn khác. Nó còn khó hơn là lên Thiên đàng. Tầm thường nhất khóa như tôi đây nằm mơ cũng không dám có được cái vinh dự to lớn ấy. Gặp lại chàng với mái tóc điểm sương rất ít ! vài sợi tóc bạc nó chỉ như làm dáng cho mái tóc của chàng, cho tuổi ngoài 50. Ôi! chàng đẹp trai cách gì ! Các chị có biết không. Ngày xưa hồi còn ở trong quân trường mỗi cuối tuần, chúng tôi được đi bờ ( đi phép ) là biết bao đàn bà con gái đẹp ở Nha thành xếp hàng với xe gắn máy 50cc tha thướt trước cổng quân trường. Bên cạnh đó những bóng hồng khác với xe phân khối lớn như 100cc " anh dũng, oai hùng đứng chờ chỉ mong rước chàng đi "rước đèn" ở những con đường lớn Nha Trang như Độc Lập, Duy Tân, Nguyễn Du ....trong khi đa số chúng tôi phải an phận, tủi thân chịu khó chui vào xe lam 3 bánh để ra phố.
Chàng với giọng Bắc kỳ 54. giọng nói êm đềm nhỏ nhẹ, như thủ thỉ như tâm sự như kể lể khi tiếp chuyện với phụ nử. Ở chàng như toát ra sự ân cần, tha thiết. Chàng luôn luôn toát ra sự thương mến, mời gọi nhưng không thiếu nụ cười trên môi nên đã làm bao trái tim đàn bà, con gái ngây ngất. Ôi ! viết đến đây tôi ghen tị với chàng mất thôi. Nói chung chàng vẫn vậy, vẫn vui vẻ sau khoảng thời gian 35 năm, gịọng nói ấy vẫn đầm thắm cuốn hút người đối diện như ngày nào tuy chỉ có chiếc răng cửa là ...thiếu vắng. Tiện đây các chị cho tôi tâm sự với Quýnh. ( Quýnh à! đó là chuyện nhỏ, no big deal. Nếu Quýnh ghé Houston tôi sẽ đưa anh đi "bo" lại. Chỉ cần vậy thôi. Quýnh không cần đi bơm ngực hay bộ phận nào trong người vì ngực Quýnh vốn đã to rồi. Chỉ cần chơi lại mấy cái răng cửa thôi là đủ ăn tiền là "giết người trong mộng rồi". Thưa các chị chàng chỉ có tí xíu khuyết điểm đó thôi! Ngoài ra trên người chàng hoàn toàn không có căng, kéo, bơm, hút nghĩa là 4 không về cắt, may, vá, cột tất cả là "thứ thiệt "). Ôi ! chàng vẫn đẹp trai...cách gì. Nếu có chị nào khó tính bắt tôi phải viết sự thật thì tôi chỉ có viết như thế nầy:
" Ôi ! chàng vẫn còn đẹp lão kể gì !!!"
2/ TX2 Trần Minh Lộc:
Thưa các chị, sau ngày mãn khóa một thời gian ngắn tôi gặp lại anh Lộc trên chíến hạm HQ6 trong chuyến thực tập "vận chuyển chiến thuật". Chàng vẫn vui vẻ với anh em như hồi còn ở quân trường,. Chàng có dáng dấp như một vị Tư lệnh HQ/ vùng thứ thiệt, chững chạc, bệ vệ. Quần áo luôn luôn thẳng tươm. thơm phức. Nếu không có cái ngày xập tiệm, chàng coi như bắt cái Tư lệnh như chơi, như trong "tầm tay với". Gặp lại chàng, ngày ĐH 8 tại Seattle, ngưòi không bụng bự, mặt không phì nộn, dáng dấp không mệt mỏi, chậm chạp như đa số người ở Mỷ lâu năm. Vẫn dáng người nhanh nhẹn gọn gàng. thon gọn lẽ dĩ nhiên vẫn đẹp trai như hồi còn ở quân trường. Chàng chỉ có một thay đổi nhỏ đó là tóc đã bạc trắng. Nhưng chính điều nầy nó làm cho chàng đẹp thêm ra, đàn ông phải e dè cẩn trọng khi tiếp xúc với chàng, còn đàn bà con gái cảm thấy được che chở, bảo vệ khi đứng gần. Ở chàng luôn luôn chúng ta bắt gặp sự pha trộn giữa một chút nghiêm cẩn và một chút lẳng lơ và tình tứ. Hư đó, thực đó, xa đó, gần đó. Điều nầy làm cho phụ nử bị lôi cuốn không dứt. Nhu đó, cương đó. Đối với tôi, chàng đẹp nhất là lúc chàng dìu người đẹp nhảy Tango nhưng phải là Argentina Tango! Trông chàng "quăng, chụp, ném, bắt vẫn nhịp chân đẹp và nghệ thuật chi lạ. Lúc chàng "quăng, ném" người đẹp, không phải như những phàm phu tục tử quăng, ném một đồ vật hay của nợ nào. Ánh mắt và bàn tay chàng lúc ấy như nói lên một sự thân thiết, sự tiếc nuối nào đó và nhất là lúc chụp. bắt người đẹp, ánh mắt, bàn tay như nói lên niềm hân hoan, hạnh phúc mà đón nhận những ân sủng của trời đất ban cho. Lúc chàng ôm người đẹp ở piste, chàng như ôm một bình pha lê mà trong đó có biết bao kỳ hoa dị thảo. Đôi mắt chàng như giao cảm với trời đất vô cùng thánh thiện không pha một chút trần tục nào. Hồi gặp chàng ở HQ6 tôi hỏi có bí quyết nào giúp chàng nhảy đẹp và có hồn như vậy. Vì là bạn bè chàng tiết lộ với tôi cái bí quyết ấy ! đó là mỗi khi ra piste đều phải đọc khẩu quyết ! Trời !! nhảy đầm mà cũng đọc "khẩu quyết" nữa à ??? Làm như võ sư sắp lên đài tỉ thí. Chàng nói thêm. Đúng ! Đọc khẩu quyết ngay cả khi nói chuyện với nàng, đọc suốt thời gian dìu nàng ở piste hay ngay khi tỏ tình với nàng. Ngày xưa đó tôi nghỉ chàng nói phét cho vui câu chuyện và đùa với người bạn cùng khóa. Tôi hỏi tiếp:
- Câu khẩu quyết như thế nào?
Chàng trả lời tôi một cách thành thật không chút đùa cợt nào:
- Đàn bà là mẹ ta !
Bây giờ hơn 30 năm sau, gặp lại chàng trong kỳ ĐH vừa qua, chàng vẫn hào hoa phong nhã như nhày nào, vẫn đẹp trai như thuở còn trong quân trường. Nhìn chàng nhảy tôi mới thấy chàng không đùa với tôi khi tiết lộ câu "khẩu quyết" ấy. Ngồi xem chàng nhảy trông đẹp và nghệ thuật chi lạ! Tôi xem với lòng thích thú rồi lại nhớ Commandant Th (thầy của TX2 Trần Quang Trần) cũng đầu bạc,cũng Tango, cũng quăng, chụp, bắt, ném - cũng dậm chân nhưng trông chán thì thôi ! Chân đi đàng chân, tay đi đàng tay trông cứ như Tây độc Âu Dương Phong đang xuất chiêu "Hàm Mô công". Nhất là lúc Cmt Th ôm người đẹp quay trông cứ như là "Lực điền xay lúa". Không phải bây giờ tôi mới nói như thế. Ngày xưa khi xuống Diamond (Câu lạc bộ nổi HQ) cùng đi chơi với Trần khi nhìn người nhảy tôi đã phát biểu như thế rồi. Lúc đó Trần bịt miệng tôi lại. Mầy nói nhỏ thôi. Nói lớn quá, người nghe được rồi đẩy tao xuống biển, chắc tao chết. Ngày xưa Cmt Th không biết được rằng "Đàn bà là báo vật trời cho" hay là "Đàn bà là mẹ của đàn ông" như câu khẩu quyết của Lộc, người tài hoa phong nhã nhất khóa.
Thưa các chị cho phép tôi được tâm sự với Lộc vài giòng. " Lộc à ! nhìn những người không phải là anh nhảy Tango nhất là Argentina Tango làm tôi nhớ lại thời thơ ấu của tôi với những trò đánh đáo, đánh khăn hay trong những màn giựt cô hồn trong dịp lễ Vu Lan cũng quăng, chụp, bắt, ném. Ôi vui chi lạ.! Ba mươi lăm năm trôi qua, nhìn lại Lộc vẫn như ngày nào, hào hoa, lả lướt và đẹp lão cách gì. Lộc à ! tôi ghen với anh và tôi tủi thân hết mức !!
3/ Võ Kiêm Huy:
Mới gặp Huy người ngoài chắc cho chàng phải là người có một tí "Anglo Saxon" trong người. Đẹp trai, mủi cao, khuôn mặt dày đặn, da trắng như trinh nữ con nhà giàu. Không, chàng không có một tí " ông cụ" nào trong người của cái máu Tây hay "Caucasian" mà "chăm phần chăm" Mít từ đầu xuống chân hay từ chân lên đầu. Chàng là một trong những người có nhiều "sĩ " nhất trong khóa. Thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, design sĩ, Đại học sĩ. Đứng gần anh tôi chỉ được mong anh "thí " cho mình một cái "sĩ" nào đó mà anh không thèm xài thì cuộc đời mình cũng đỡ " hẻo ". Không biết gì có máu "Ẩn sĩ " không mà anh đã chọn Canada làm nơi quy ẩn. Nói là Ẩn sĩ nhưng đối với mọi chuyện trong khóa anh rất nhiệt tình tham gia đóng góp, đem hết khả năng ra phục vụ. Ba mươi lăm năm từ ngày ra trường, tôi chưa gặp lại anh mà chỉ nghe danh qua các bạn cùng khóa hay qua các cuộc họp mặt nho nhỏ. tiệc hội ngộ của bạn bè hay qua những tờ Đặc San của khóa. Qua
ĐH vừa rồi, tôi mới gặp lại anh. Vẫn như những ngày ở quân trường, cười nói vui vẻ vẫn dáng dấp nhỏ nhắn, thanh thả thư sinh, tưóng không dềnh dàng, to lớn cục mịch như lực điền như "Hai lúa". Chàng không phải là mẫu người lỳ tưởng của "Ổi, xoài, mít" mà là người tình lý tưởng , mộng mơ của " Khung cửa Mùa thu " của "Cây dài bóng mát" của " Con đường rợp lá me bay " của " Áo xô dạt trời chiều". Gặp lại chàng tôi chỉ thấy vài nếp thời gian nhẹ nhàng đâu đó trên khuôn mặt. Chàng vẫn vậy! Trên đầu vài sợi.. tóc bạc làm duyên, vài sợi bạc như để tăng thêm sự đứng đắn, chững chạc của tuổi ngoài 50 thế thôi. Nhân tiện đây các chị cho phép tôi hỏi Huy câu hỏi ngắn. Tôi thắc mắc là từ buổi chiều thật đẹp ở Vancouver ( ở bờ vịnh Prospect Point ) lúc các chị xếp hàng chụp hình kỷ niệm. Tôi nghe một giọng một ông khóa 19 (thật sự chỉ có khóa 19 thôi) khẩu hứng đọc đoạn thơ của nhà thơ Đinh Hùng, tôi nghe loáng thoáng ( có thể không đúng lắm)
Ta mê mụi giữa một bầy tiên nử
Biết cười vui. nói những giọng êm đềm
Và than ôi, tàn nhẫn cũng như em
Từng nhan sắc ngẩn ngơ hay kiều lệ
.....................................................
Cả thịt xương mòn mỏi nhớ thương ai
Đời hưng vong, ôi thành quách lâu đài
Tự thiên cổ đứng buồn soi bóng nước
........................................................
Lúc ấy vì lặng ngắm cảnh trời mây nước thiên nhiên, không để ý người ngâm đọan thơ nhưng khi quay lại tôi thấy có vài người trong đó có Võ Kiêm Huy mà không biết đoạn thơ của chàng ngâm hay không? Tôi thắc mắc tới ngày hôm nay... người ứng khẩu đọc đoạn thơ đã sửa lại vài chử cho hợp với khung cảnh lúc đó. Phải là người có nhiều chất thơ trong người như chàng mới ứng khẩu được, rất hợp thời, hợp cảnh. Lúc viết bài nầy trời bên ngoài đang mưa bay, trong "Tàng Kinh các" gắn máy lạnh mở CD nghe "Fur Elise" của Beethoven hay nghe dương cầm thủ Diễm Huyền đàn bản "Thuyền Viễn Xứ" và nằm đọc thơ tình của Huy... các chị ơi! chắc tôi phải "chít " mất và chắc chắn tôi tôi phải lắc lư... con tàu quá. Tôi mà là đàn bà chắc trái tim tôi phải mềm nhủn vì chàng mất thôi. Thơ của chàng phải nằm mà đọc. Tranh vẽ của chàng phải đứng mà ngắm, mà thưởng thức. Chàng chuyên vẽ phụ nử trưòng phái hiện thực, Đàn bà với dáng mũm mĩm, đầy đặn hay "thân hình như một cành Lan hay "mình hạc xương mai" dưới cây cọ vẽ của chàng đều toát ra cái thần thái ung dung tư lự, cái mỹ miều của tạo hóa. Đàn bà con gái bất cứ vẻ đẹp nào chàng sẽ vẽ đâu ra đó. Pierre Renoir (1841-1919) của cuối thế kỷ 19 ông chỉ vẽ được phụ nử với vẻ đẹp đồi núi phì nhiêu, chập chùng. Với vẻ đẹp khác ông không tài nào lột dược hết, tranh vẽ sẽ hỏng. Đó là vài cái sĩ lẻ tẻ. Nếu tôi có một cái- một cái thôi- đời chắc cũng đở "hẻo" như bây giờ. Ba mươi năm nhìn lại, chàng vẫn đẹp trai, một nét quyến rủ lạ. Nói đến chàng tôi buồn, tôi tủi thân và nghẹn ngào quá đi thôi.
4/ TX2 Nguyễn Nghĩa Hiệp:
Cũng như tên của chàng, là người âm thầm giúp đở nhiều nhất cho những anh em cùng khóa còn kẹt lại ở VN. Chàng làm mà không cần mọi người phải biết đến tấm lòng hào sảng và tên của chàng với tinh thần "vô ngộ". Ôi !! làm sao tìm được tấm lòng đó ở thời buổi nầy, thời buổi mà mọi thứ đều là business, ngay cả đôi khi ở tình vợ chồng. Nhớ ngày nào thời còn ở quân trường, chàng lúc nào cũng mặc đơn sơ, giản dị. bây giờ cũng thế. Lúc nào cũng chiếc áo Denim jacket, nút cài hờ hửng, không đỏm dáng, không Tressor, không Calvin Klein hay Gucci hoặc Jones New York. Chàng mang một chút phóng đãng chừng mực rất dễ thương và lãng mạn. Trên khuôn mặt, cặp kính trắng mang một chút intelligent, dễ làm mọi người đến với chàng mà không một chút ái ngại hay mặc cảm. Tứ đại công tử Tàu ngày xưa, thời chiến quốc ...từ Mạnh thường Quân, qua Tín lăng quân, đến Xuân thân Quân rồi Bình nguyên Quân, không có anh nào không có mưu đồ đen tối khi giúp đỡ người khác. Ngay cả Thái tử Đan khi giúp đỡ Kinh Kha cũng với ý đồ nhờ anh nầy "mượn" cái đầu của Tần Thủy Hoàng mà thôi. Mấy anh Tàu nầy chỉ là "Hình dong chải chuốt" mắt hí, cầm bạnh trông dễ sợ và nản lắm làm sao có thể so sánh với Nguyễn Nghĩa Hiệp khóa 19 của chúng tôi được. Tưởng tượng chàng với chiếc 560SL "cánh cụp cánh xoè", mui trần dừng xe trên đồi Malibu "Dừng chân đứng lại trời non nước, một mảnh tình riêng ta với ta". Trời ơi! Làm sao "tứ đại công tử " Tàu có thể bì kịp.
Ba mươi lăm năm trước tóc chàng lọng gió biển khi chàng đứng ở đài chỉ huy ở trên boong tàu và bây giờ dù thời gian có cách biệt tóc chàng vẫn lọng gió của Huntington Beach.
Thưa các chị, chàng đi đến đâu đều đem cảnh đẹp đến đó. Hồi còn trong quân trường, chàng đẹp trai nhất Omega 5 nay nhìn lại vẫn như ngày nào, đôn hậu, vẫn một chút phóng đãng, duyên dáng, mái tóc chàng tôi không thấy sợi bạc nào.Đối với bạn bè cùng khóa, chàng đối đãi rất nồng ấm, rất đúng người, đúng chỗ. "Tàng kinh các" ở Laguna beach để tiếp những người bạn như: Võ Kiêm Huy, Đỗ Xuân Thọ, Mai Công Minh, như Nguyễn Văn Oanh hay Võ Ngọc Kĩnh hoặc Trần Văn Tỉnh. Còn "Tổ quỷ " ở Malibu dùng để tiếp bạn bè như: Hồ Ngọc Hoa, Bùi Ngọc Nở, Đào Trung Dũng, Trần Phước Vạn, như Tống Chiêu Cầm, Lợi Cẫm Minh (hồi chưa viên tịch) đã tuyên bố một câu xanh rờn "Xin nhận tổ quỷ cuả Nguyễn Nghĩa Hiệp làm quê hương". Còn "Tổ ấm" ở Alhambra như đã nói chàng không tiếp ai cả vì chỉ dùng nơi đó để tô lại lông...mày cho "Triêu Minh" sau khi chàng đã phạm tội trọng ở...."Tổ quỷ". Giời ơi! sao trên đời nầy có những người lãng mạn và....chung tình như thế. Tôi mà đàn bà con gái, tôi có ước nguyện nhỏ là được cùng chàng đi dạo trên cầu Golden gate một lần nào đó để thấy gương mặt điển trai lọng trong gió chiều của vịnh San Francisco, để nói một câu tỏ tình... và nếu chàng từ chối tôi sẽ nhảy qua lan can cầu để sẳn sàng tan xác dưới giòng nước lạnh sâu thẳm bên dưới... và tôi cũng cam lòng. Viết đến đây tôi rất tủi thân, rất buồn. Sao trên đời lại có những người có số đẻ "bọc điều " như vậy được.
5/ Ngũ Hà:
Chuyện đầu tiên tôi muốn thưa cùng các chị là chàng hơn chúng tôi một ngôn ngữ. Chuyện thứ hai là hồi còn ở quân trường chúng tôi có một câu nói đùa là: Cơ khí tối nước, có ý xấu trai không đẹp bằng. Câu nầy sai hoàn toàn vì trong số các chàng cơ khí như: Đào Trung Dũng, Đặng Văn Cho, Nguyễn Hoàng hay Hàng Thanh Nguyên hoặc Huỳnh Công Minh.... tôi chỉ muốn nói đến Ngũ Hà thôi. Bây giờ chàng không còn xì dầu nữa, chàng không còn thích bánh bao, dầu cháo quẫy hay xá xíu. Thay vào đó, bây giờ chàng thích mùi nước mắm, tiết canh, ngêu, sò, óc, hến,. Gia đình chàng là một trong ngũ đại gia Hồng Kông không phải bên hông Chợ Lớn mà là thứ thiệt. Cũng vì mê đời hải hồ mà chàng gia nhập Hải Quân và gặp gỡ anh em chúng tôi. Ở chàng không có cáo hào hùng bất khuất của nhân vật Kiều Phong cũng không có cái vương giả thông minh của Đoàn Dự để trở thành kiêu ngạo, quỹ quyệt. Cũng không có cái thật thà chất phác của nhân vật Hư Trúc để trở thành vụng về, quê kịch. Ở chàng là sự tổng hợp và chia đều ba điều kiện trên. Ôi ! chỉ cần có một tí điều trên tôi cũng thấy đời có ý nghỉa và lãng quên đời rồi. Nếu tôi là Vương Ngọc Yến tôi đã theo chàng từ khuya rồi mà không phiền đến ông Kim Dung để lòng vòng mối tình của nàng với anh chàng Đoàn Dự. Nếu tôi là Trần Ngọc Liên ( Tiểu Long Nử) tôi cũng bỏ Dương Quá để theo chàng.
Thưa các chị, nói đến Ngũ Hà tôi phải ghen với chàng mất thôi, lại tủi thân kể gì!
Thưa các bà, các chị HQ 19
Viết đến đây tôi được chỉ thị của anh Hội Trưởng kiêm chủ nhiệm và của anh chủ bút tờ Đặc San cho phép tôi nhá 5 con bài thôi, số còn lại tôi sẽ chưng trong kỳ tới và qua lời của Hội Trưởng các bà, các chị sẽ phải "thiệp", hết còn cười khi dễ nữa. Đại Hội 9 sắp tới sẽ được tổ chức ở đâu tôi cũng không biết. Các chị có thắc mắc xin i-meo cho hội trưởng. Còn tôi, luôn luôn tôi buồn, tôi tủi thân, tôi ngẹn ngào và tôi ghen với tất cả nhửng chàng trong khóa 19 Hải Quân của tôi ...cách gì!!
Trước khi dứt lời, xin chúc các chị một đêm ngủ ngon đầy mộng mị và như ý.
Tháng 8, trời Houston gió nóng mà nhớ trời tháng 7 Vancouver mát lạnh lướt thướt trên da...
TX2 Nguyễn Văn Sơn
Ghi chú: - Xin cám ơn anh Lê Rĩnh, chị Xuyến (với tình cảm riêng biệt) và vợ chồng Tố Quyên
- Cám ơn cháu Khoa về những tình cảm của toàn gia đình đã dành cho khóa 19 trong những ngày ĐH tại Seattle vừa qua.