Tiểu sử Nguyễn Văn Định
                                              (13/10/1946 -19/3/2000)

        Ông Nguyễn Văn Mai và bà Trần Thị Nguyện rất vui mừng khi sanh được đứa con trai đầu lòng vào ngày 13/10/1946 tại Huế. Là một gia đình công giáo rất mộ đạo ông bà đã đưa con rửa tội ngay và đặt tên là Phêrô Nguyễn Văn Định. Ông bà đã tần tảo nuôi con với những niềm kỳ vọng vô biên về đứa trai đầu lòng này.
 

Định được cha mẹ cho theo học trường Pellerin ở Huế cho đến lớn.Sau khi lấy được bằng tứ tài đôi, Định vì muốn giúp đỡ cha mẹ nên bỏ ngang việc học và đi làm thông dịch viên cho các cơ quan Hoa Kỳ một thời gian.
Sau Tết Mậu Thân, Định quyết định gia nhập Hải Quân, anh đã thi đậu vào khóa 19 SVSQHQ để được thụ huấn tại Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang từ tháng 10/1968 cho đến tháng 2/70.
Trong quân trường Định được các bạn đồng khóa tín nhiệm để giữ chức vụ bưu tín viên, đem lại biết bao niềm vui cho bạn bè.Với khiếu sinh ngữ sẵn có, Định luôn đứng đầu khóa về môn Anh văn.
Khi mãn khóa ra trường, Định được chọn làm trưởng toán 6 người đi thực tập ở Đệ Thất Hạm Đội trên Dương Vận Hạm LST-1157. Nhờ tài ứng khẩu và cách đối xử khéo léo, các sĩ quan Việt Nam đã được gia hạn thêm một tháng để hải hành sang Yokosuka thăm viếng Nhật Bản, thay vì phải về nước sau 2 tháng ròng rã yểm trợ hải pháo và phi cơ cho chiến dịch Market Time ngoài khơi Năm Căn và dọc mũi Cà Mau.
Từ Nhật về, Định được bổ nhiệm làm sĩ quan trực hành quân cho Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Duyên Phòng 213 tại Cam Ranh. Sau một thời gian, với trình độ Anh văn xuất sắc, Định được chọn làm sĩ quan thuyết trình hành quân cho ban tham mưu Việt Mỹ.
Đến tháng 6/1971, vì tính thích hoạt động Định đã xin thuyên chuyển về Phân đội 22 thuộc Hải Đội 2 Duyên Phòng, và đảm nhận chức vụ thuyền phó khinh tốc đỉnh (PCF) tuần tiểu hải phận vùng Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang và Bình Thuận.
Tháng 2/1972 với chương trình chuyển giao cấp tốc cho Hải Quân Việt Nam, Định được tuyển chọn đi thụ huấn lớp Chống Tiềm Thủy Đỉnh và Chống Phi Cơ tại San Diego, California. Đây là lần đầu tiên SQHQ Việt Nam được tham dự khóa huấn luyện này cùng với các sĩ quan khác trên thế giới như Do Thái, Ba Tư, Đại Hàn, Nam Dương, Phi, Thái và Trung Hoa Quốc Gia. Các sĩ quan bạn đều mến thương người sĩ quan đã vừa nhỏ người mà còn nhỏ cấp nhất trong lớp. Định được thăng Trung Úy trong thời gian này, nhưng vẫn còn kém xa các vị Thiếu Tá và Trung Tá đồng môn.
Sau khi tốt nghiệp, tháng 6/1972 Trung Úy Định được bổ nhiệm ra Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang,lập chương trình huấn luyện cho các sĩ quan phục vụ các Đài Kiểm Báo vừa được chuyển giao cho HQVN.
Sau 3 tháng hoàn tất huấn luyện cho 2 khóa SQ về chiến thuật theo dõi và chận bắt tàu bè, Định muốn trở lại nghiệp hải hồ nên tình nguyện xin thuyên chuyển về Hạm Đội Tuần Dương. Với khả năng đã có, Định được đưa xuống Khu Trục Hạm Trần Hưng Đạo HQ1, làm sĩ quan chống tiềm thủy đĩnh. Trong hơn 18 tháng phục vụ trên soái hạm của HQVN, Định dã tham dự tất cả các cuộc yểm trợ hành quân qui mô tại Vùng 1 và vùng 2 Duyên Hải. Anh đã rất bực tức khi không tham dự được hải chiến Hoàng Sa vì thời gian ấy soái hạm bị bất khiển dụng.
Tháng 6/1974, Định được lệnh thuyên chuyển về Đài Kiểm Báo Lý Sơn (Cù Lao Ré), và sau đó đảm nhận chức vụ Chỉ Huy Trưởng đơn vị này cho đến cuối tháng tư 1975 .
Đây có lẽ là đơn vi phục vụ quan trọng nhất trong đời của Định, anh đã phối hợp các cuộc di tản cho các đơn vị bạn trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến và không để đơn vị lọt vào tay địch. Nhưng quan trọng nhất là Định đã lọt vào mắt xanh của hoa khôi trên đảo Lý Sơn, cô Bùi Thị Lan. Với tính tình dễ thương và tài ăn nói khéo léo, đến ngày di tản, Định đã xin được cha mẹ cho Lan làm người bạn đời của mình.
Anh Chị đã đã có những tuần trăng mật đặc biệt mà chúng ta không ai có thể có được: những buổi tình tự ngắm trăng trên đảo Guam, những hôm xem xi-nê ngoài trời ở căn cứ Anderson, những ngày sắp hàng ăn cơm và những đêm giá rét trong lều vải tại Camp Pendleton. Các bạn đồng khóa đã có những giai thoại rất kỳ thú về cặp uyên ương Định Lan trong thời gian này.
 

Tháng 7/1975 tuy được một Sĩ quan HQHK cao cấp bảo trợ về San Diego, nhưng Định với ý chí tự lập đã xin ra ở riêng ngay trong tháng đầu.Không ngại gian khổ, Định ban ngày đi làm lao công cho một cửa hàng, đến đêm chạy xe chở vợ đi giao pizza để chuẩn bị đầy đủ cho đứa con đầu lòng của mình.
Sau khi được cháu Thảo Ly, Định cùng Lan bắt đầu dành dụm được một số tiền và dọn về nhà mới ở Mira Mesa năm 1978 và được tuyển chọn làm phụ giáo cho Đơn Vị Học Chánh San Diego. Khi được cháu thứ nhì, Thảo Uyên, Định đã tạm ổn định tài chánh nên bắt đầu đi học đêm trở lại về ngành Kế toán ở đại học.
Nhứt định tìm cho được quý tử để nối dõi, Định và Lan đã thêm được hai cháu Ngọc Ân sanh năm 1984 và Lý Sơn 1988.
Với sự cần cù nhẫn nại và óc thông minh sẵn có, Định đã bước lần lên bức thang địa vị trong các hãng xưởng, từ một nhân viên kế toán cho đến giám đốc kiểm soát tài chính (chức vụ hiện tại ở Synbiotics), được cử đi ngọai quốc thanh tra các chi nhánh khác.
Suốt đời Định đã hết lòng giúp đỡ các bạn bè không vụ lợi, luôn luôn thăm viếng, chỉ dẫn, tìm việc cho các bạn mới sang sau. Biết bao người đã mang ơn Định nhưng Định không coi chuyện đó là quan trọng mà chỉ nghĩ là bổn phận của một con người.
Không phải chỉ lo cho bè bạn mà quên lãng thân quyến, Định đã bảo lãnh mẹ sang định cư tại Hoa Kỳ năm 1992, và lần lượt đưa các em sang đoàn tụ đầy đủ.


Định ra đi đã để lại muôn vàn thương tiếc cho hiền phụ, chị Bùi Thị Lan, trưởng nữ Nguyễn Thảo Ly, thứ nữ Nguyễn Thảo Uyên, Nguyễn Ngọc Ân và trưởng nam Nguyễn Lý Sơn.
Cùng các em trai Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Thảo, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Tân, các em gái Nguyễn Thị Thuận, Nguyễn Thị Tuyết, và Nguyễn Thị Oanh.

 

TRANG CHÍNH TRANG TRƯỚC