VII - Các Khu-Vực Phụ (
Phụ-Bản C )
Khu-vực nằm đối-diện với TTHL/HQ/NT trước đây chỉ là một bãi cát của bờ biển mà
thôi. Bên phải tiếp giáp với đầu xóm Chụtt, bên trái tiếp giáp với bãi ủi thuộc
Quân-Vận 5 Nha-Trang. Được chia thành 4 khu-vực riêng biệt ( xem sơ đồ Phụ-Bản C
).
1- Khu-Vực I :
Đây là khu bến tầu, có cầu tầu và bãi ủi của công-ty Alaska. Ranh giới tiếp giáp
với khu dân cư Chụtt cho đến rào ngăn cư-xá Trần-Hưng-Đạo. Tại khu này vào năm
1953, thời kỳ còn Hải-Quân Pháp, một chiến-hạm loại LST ủi bãi để tiếp-tế đạn
dược và vũ-khí cho quân-đội Pháp tại Nha-Trang. Trong khi chuyển đạn lên bờ, bị
lực-lượng Việt-Nam chống Pháp đặt bom. Tầu đạn bị nổ tung bỏ xác tại bãi này.
Năm 1965, Tổng-Thống Mỹ cho Quân-Lực tham-chiến vào miền Nam trợ giúp cho QLVN/CH
chống Cộng-Sản. Nhiều cơ-sở dân-sự và quân-đội của Mỹ được thiết-lập như phi-trường
quân-sự Mỹ có cổng vào ngang qua trước trại Tây-Kết, Trại Hoàng-Diệu thuộc
Binh-Chủng Thủy-Quân Lục-Chiến, phi-trường Không-Quân Nha-Trang, căn-cứ Mc
Dermott khu Cửa-Bé Bình-Tân, căn-cứ Radar phòng không và Phòng-Thủ Hải-Cảng trên
đỉnh núi Cầu-Đá đối-diện với hòn Bảy-Miếu. Tất cả cơ sở trên cùng với TTHL/HQ/NT
có nhu cầu tiêu-thụ điện rất cao mà nhà máy đèn Chụtt không thể nào thỏa mãn nổi.
Do đó Hoa-Kỳ thuê 2 tầu dân sự thường xuyên neo tại khu-vực này để cung-cấp điện
cho tất cả các nơi trên. Cho đến năm 1972 khi chương-trình ACTOV hoàn tất thì 2
tầu điện cũng chấm dứt nhiệm-vụ và rút đi.
2- Khu-Vực II :
Đây là khu cư-xá Trần-Hưng-Đạo. Hoa-Kỳ đã có kế-hoạch nhằm thực-thi chương-trình
ACTOV năm 1969 chung cho toàn quân-chủng HQ . Đoàn Công-Binh kiến-tạo " Sea Bee
" của HQ Hoa-Kỳ khởi công xây cất nhiều nơi. Tại Nha-Trang khu gia-binh V2 DH
nằm phía trong Ngã Ba đường Bình-Tân cạnh trại Tây-Kết và trại gia-binh TTHL nằm
đối-diện, cũng có xây cả trường tiểu-học tại đây. Khu cư-xá Sĩ-Quan
Trần-Hưng-Đạo nằm trước quân-trường tại khu 2, tiếp giáp với công-viên. Toàn khu
cư-xá có 64 căn, gồm 2 dãy nhà mỗi dãy 10 căn dành riêng cho Thượng-Sĩ và HSQ
Huấn-luyện-viên. Tám dãy, mỗi dãy 5 căn dành cho các Sĩ-Quan của V2DH và TTHL
sử-dụng chung, thêm hai dãy mỗi dãy 2 căn đôi dành cho SQ cấp-tá. Tất cả được
đưa vào sử-dụng từ năm 1970. Ngoài ra TTHL còn có một cư-xá Sĩ-Quan từ trước gọi
là cư-xá Lê-Văn-Duyệt Nha-Trang.
3- Khu-Vực III : Công-Viên Trần-Hưng-Đạo.
Trung-Tâm Huân-Luyện từ ngày Hải-Quân VN nhận lãnh trách-nhiệm đào-tạo trực-tiếp
tay nghề hải-nghiệp cho các người con của Tổ-Quốc yêu mộng hải-hồ. Sau ngày 30
tháng 04 năm 1975 những ai đã vào ra cũng như xuất-thân từ quân-trường này, tất
cả đã trở thành chuyện của quá-khứ. Nhưng có những kỷ-niệm khó quên đó là
công-lao, thành-tích của những người đã đóng-góp vào sự đào-tạo và phục-vụ
tích-cực tại quân-trường trong số đó ta phải nói đến cựu HQ Tr/Tá Kỹ-Sư Cơ-Khí
Trần-Văn-Sơn, ông thuộc khóa 4 Brest tương-đương khóa 7 HQNT. Ông là thầy của
những vị thầy, ông là một vị giáo-sư khả-kính đã đào-tạo nhiều thế-hệ học trò
quân-đội cũng như dân-sự mà cụ-thể là trường trung-học Võ-Tánh Nha-Trang. Ông đã
đắc-cử Dân-Biểu Việt-Nam Cộng-Hoà năm 1971, hiện nay ông là một bình-luận-gia
chính-trị có tầm cở lấy bút-hiệu Trần-Bình-Nam trong cộng-đồng tị-nạn Việt-Nam
tại Hoa-Kỳ.
Một người nữa không ai ngờ cũng như ít ai nghĩ tới, tuy rằng vết-tích vẫn còn
lưu lại hiện nay tại Công-Viên quân-trường, ngay trước Trung-Tâm là công-viên
Trần-Hưng-Đạo, người đó là cựu HQ Tr/Tá Nguyễn-Văn-Nhựt ( khóa 8 HQNT ) nguyên
Chỉ-Huy-Phó TTHL/HQ/NT.
Giữa năm 1971 trong khi khoá 22 còn đang thụ-huấn thì kế-hoạch xây-dựng tượng đã
được bàn-thảo.
Tháng 10 năm 1971 HQ Tr/Tá Nguyễn-Văn-Nhựt được thuyên chuyển ra Trung-Tâm
Huấn-Luyện Nha-Trang đảm-nhận chức-vụ CHP chức-vụ mà HQ Tr/Tá Nguyễn-Trọng-Hiệp,
đương kiêm CHT, giữ trong thời-kỳ Đ/Tá Khương-Hữu-Bá còn là CHT trước đây 2
tháng.
Lý-Do Xây-Dựng Công-Viên :
Khu vực 3 ( Phụ-Bản C ) trước Trung-Tâm, nguyên-thủy còn là một bãi cát làm bãi
ủi rất tốt cho các tầu loại đổ-bộ và lên xuống hàng. Những ai đi qua lại đường
Duy-Tân Chụtt cũng thấy vẻ thẩm-mỹ của TTHL/NT có mặt tiền nhìn ra biển đông rất
xinh đẹp và thanh nhã. Nay vì nhu-cầu tiếp nhận hàng, tiện-lợi cũng như an-ninh,
nên BCH 5 Tiếp-Vận đã lập thành các kho chứa luôn tại bãi. Trước mặt quân-trường
đã có hàng đống CONEX chồng chất án-ngữ trông mất vẻ mỹ-quan. Ngay khi đảm-nhận
nhiệm-vụ, Tr/Tá Nhựt đã được CHT giao cho trọng-trách khó-khăn này. Một dự-án
công-viên chuẩn-bị theo bài bản đã có kế-hoạch từ trước được mang ra tái
bàn-thảo.
Trong một buổi họp các Đơn-Vị-Trưởng hàng tháng tại BTL/HQ được tổ-chức vào cuối
tháng 11 năm 1971. Tr/Tá Nhựt được chỉ-định đi họp thay CHT. Cơ-hội này, Tr/Tá
Nhựt đã chuẩn-bị đầy đủ mô-hình công-viên Trần-Hưng-Đạo. Trong phần thuyết-trình
Tr/Tá Nhựt đã nêu ra động-cơ thúc đẩy gồm có 3 yếu tố :
- Vẻ thẩm-mỹ cho quân-trường.
- Thu-hút du-khách đến viếng thắng cảnh.
- Nêu cao truyền-thống và noi gương Thánh-Tổ theo mô-hình của công-trường
Mê-Linh.
Bài thuyết-trình được Tư-Lệnh HQ lúc bấy giờ là Đề-Đốc Trần-Văn-Chơn và các vị
Tư-Lệnh Vùng cũng như CHT hiện-diện tán-đồng thuận-lợi. Sau đó qua mọi thủ-tục
hành-chánh, Tư-Lệnh HQ đã trình lên Bộ Tổng-Tham-Mưu. Được sự can-thiệp từ BTTM,
Bộ-Chỉ-Huy 5 Tiếp-Vận Nha-Trang đã cắt nhường 200 mét bãi trước cho TTHL. Từ đó
dự-án được thi-hành mà trong tay không có một ngân- khoản nào. Mọi thứ đều nhờ
vào những nguồn thu-nhặt do phế-thải tình cờ từ các Căn-Cứ Mỹ tại Cam-Ranh,
Nha-Trang đã rút đi và do sự quen biết giúp đỡ, cũng như nguồn nhân tài vật lực
dựa vào sức mình. Ông đã kiên trì, chịu khó, không quản-ngại nắng mưa, hy sinh
cả thời-gian riêng tư và tốn kém để vượt mọi trở-lực đem lại sự thành-công là
xây-dựng được một công-viên có ý-nghĩa, một tượng-đài Thánh-Tổ có sử-tích. Những
chi-tiết như Tứ-Phương: làm nền, tượng trưng cho Đông, Tây, Nam, Bắc. Tám-Hướng
: Là 8 mặt. Mặt trước ghi danh xưng của Thánh-Tổ, mặt sau ghi Hội-Nghi Diên-Hồng.
Ba mặt kế tiếp bên phải ghi các trận thủy-chiến : Chương-Dương, Hàm-Tử, Tây-Kết.
Ba mặt kế bên trái ghi : Vân-Đồn, Vạn-Kiếp, Bạch-Đằng. Phần thân bệ đứng hình
thoi, mũi hướng ra biển. Chiều cao toàn bộ của tượng và chân đế tối đa 14 mét.
Không được phép làm cao hơn vì sợ bị trở ngại cho phi-đạo của phi-trường
Nha-Trang. Đó là chi-tiết của mô hình mà sau khi hoàn tất thì cũng y như vậy.
Còn nói về phần thân tượng và áo giáp thì lấy mẫu từ Thư-Viện Quốc-Gia. Do
Sinh-Viên K.24 đi phép về Sàigòn đem theo giấy giới thiệu của quân-trường xin
sao chép và copy lại các hình ảnh.
Khi thực-hiện công-trình thì một cánh tay mặt đã giúp ông là cựu HQ Th/Tá
Nguyễn-Dinh ( Khóa 13 HQNT ) Liên-Đoàn-Trưởng Sinh-Viên, một cánh tay trái nữa
cũng đã đóng-góp vào sự thành-công là HQ Th/Tá Tôn-Thất-Nghĩa ( Khóa 13 HQNT )
Liên-Đoàn-Trưởng Chuyên-Nghiệp. Đặc biệt Trưởng-Khối Tiếp-Vận là HQ Th/Tá CK
Mai-Văn-Hoa ( Khóa 9 HQNT ) đã yểm-trợ vật-dụng và phương tiện cho công-trình
thi-công suông sẻ.
Đầu năm 1972 chương-trình thi-công bắt đầu vào một buổi sáng đẹp trời ngày chúa
nhật. Sinh-Viên khóa 23 phân lô và cắm cọc theo mô-hình. Một tuần sau Liên-Đoàn
Sinh-Viên và Liên-Đoàn Chuyên-Nghiệp chỉ định một số tạp-dịch để phụ-trách đào
móng chân tượng và đóng cừ. Khởi đầu đào 4 góc và một lỗ móng ở giữa. Cừ là
những cọc sắt kẽm gai do ban phòng-thủ là HQ Th/Tá Đặng-Hữu-Thân ( Khóa 12 HQNT
) cung-cấp. Cọc sắt mỗi cây dài 1m80, bề sâu của cọc cừ trên 5mét. Được hàn dính
nối tiếp nhau và dùng búa tạ loại 10 kg. luân-phiên đóng bằng sức người, mỗi
người thử sức vài búa là thay thế. Việc đào móng và đóng cừ cũng phải mất vài
tháng, vì khi đóng cừ xong thì hàn chéo góc nối tiếp các chân cừ rồi đổ bê-tông.
Tháng 04 năm 1972 khóa 23 ra trường, công-việc tiếp-tục do khóa 24 đảm-trách.
Tiếp đến Liên-Đoàn Sinh-Viên còn phải tham-gia tập diễn-hành chuẩn-bị cho ngày
Quân-Lực 19-06-1972. Khóa 24 chọn 160 về Saigòn, số còn lại vẫn học tại trường
và làm công-viên.
Cuối tháng 6 thành-phần diễn-hành xong từ Saigòn trở về trên chiến-hạm HQ 502.
Ngày 15 tháng 11 trường tiếp-nhận Sinh-Viên khóa 25. Lúc này khóa 24 mới làm
xong tới phần bệ đứng của tượng cao 10 mét. Ban xây-dựng tượng của khóa 24
miệt-mài làm công-tác ban ngày, ban đêm thì lên lớp học, xem lại các bài vở mượn
của bạn bè cùng khóa để cho công-việc xây-dựng tượng được liên-tục và nhanh
chóng. Khóa 25 trong số được tuyển-chọn có anh Trịnh-Văn-Nhơn là cựu-sinh-viên
Kiến-Trúc và một ít bạn cùng trường. Một điều đáng ca-ngợi là Sinh-Viên khóa 24
và khóa 25 đã hoàn-tất mỹ-mãn việc học và hoàn-tất công-việc được giao-phó cho
công-trình xây-dựng Tượng Thánh-Tổ cũng như thiết-trí công-viên Trần-Hưng-Đạo
đúng theo dự-tính của Tr/Tá Chỉ-Huy-Phó. Từ ngày có nhóm phụ-trách công-viên của
Sinh-Viên khóa 25 tham-gia hợp lực cùng khóa 24 thì công-việc tiến-hành có
kết-quả nhanh chóng.
Ngày Khóa 24 ra trường vào tháng 09 năm 1973 cũng là lúc khánh-thành giai-đoạn 1
cho công-viên. Đó chỉ mới xong phần tượng chính và chòi Tao-Ngộ. Một điều đáng
nói lên ở đây là với công-trình tương-đối to lớn mà được hoàn tất rất tốt đẹp.
Không một tai nạn đáng tiếc hoặc trở ngại gì xảy ra trong hoàn cảnh cực kỳ
khó-khăn, eo hẹp về phương-tiện vật-chất và tài-chánh. Tất cả đã nói lên sự
nhiệt-tâm, sáng tạo của lớp trẻ và tấm lòng hăng say đóng góp công-sức.
Phần Tượng đã xong thì kế đến phần công-viên. Nói đến công-viên thì phải nghĩ
đến việc xây Thánh-Miếu và Tượng ngồi sát phía phải. Đồng thời để trang điểm cho
công-viên hoa cảnh thêm thơ mộng và quyến-rũ du-khách, SVSQ khóa 25 đã cống-hiến
cho TTHL/HQ/NT 4 ghế dài bằng đá rửa để đặt tại chòi Tao-Ngộ, mỗi chòi 2 chiếc.
Thánh-Miếu và Tượng ngồi do Sinh-Viên 25 đảm-trách công-việc, vẽ kiểu và đúc "
Lưỡng-Long Tranh-Châu " trên nóc Thánh-Miếu. Cho đến khi mãn khóa vào ngày 03
tháng 09 năm 1974 là kịp khánh-thành giai-đoạn 2. Quân-trường lúc này chỉ còn
lại Sinh-Viên khóa 26 tiếp-tục hoàn-chỉnh phần Thánh-Miếu và Tượng ngồi. Cho đến
trước ngày di-tản 01.04.1975 thì mọi việc chỉnh-trang công-viên vẫn được khóa 26
tiếp-tục đảm-trách.
Công-trình đó ngày nay vẫn còn lưu lại vết-tích. Một công trình được hoạch-định
và thực-thi kéo dài suốt hơn 3 năm trời, đã trải qua 3 lần mãn khóa, với sự đóng
góp tích-cực của Sinh-Viên khóa 23, 24, 25, 26, Liên-Đoàn Khóa-Sinh Sơ-Đẳng
Chuyên-Nghiệp và nhân-viên cơ-hữu của Quân-Trường. Trong số đó thành-quả to lớn
nhất phải nói là sự đóng góp của Sinh-Viên 24 và 25. Chi-tiết xây-dựng và đóng
góp công-sức của Khóa 24 sẽ được nêu trong tài-liệu viết riêng cho Đệ Nhị Song-Ngư.
Ngày nay không thể nói thành-quả đó thuc về một nhóm nào. Mỗi người, mỗi khóa
đều có từng giai-đoạn khác nhau. Tuy nhiên trọn vẹn cho thời-gian thụ-huấn tại
Trung-Tâm trong 2 năm là có Khóa 24 và 25 đã tham-gia mọi công-tác được giao-phó.
Ngày nay thành-quả đó đang bị bỏ rơi và lãng quên, một số bị hư-hỏng theo
thời-gian, do thiếu tu-bổ, do bàn tay phá-hoại của Cộng-Sản. Một thành quả mà
theo nguồn dư-luận của giới xe LAM chạy đường Duy-Tân Chụtt rất hoan-nghênh, nhờ
đó mà ăn nên làm ra do tiếng tăm và quyến-rủ khách viếng thăm.
Theo lời kể của một cựu SQ HQ tên " H..." tại Nam Cali đã về và có ghé lại
công-viên ngày xưa, nơi mà chính anh và bạn anh đã bỏ nhiều công sức xây-dựng.
Được biết như sau : Ngày 30 tháng 04 năm 1975 Cộng-Quân vào tiếp-quản Trung-Tâm.
Dân-cư gần đó cho biết " Bọn vô thần ra sức hủy-hoại các thành-quả mà chế độ
Việt-Nam Tư-Do đã tạo nên. Tên Thủ-Trưởng đem " Tượng-Thánh ngồi " vứt xuống
biển dự-tính lấy Thánh-Miếu làm nhà kho hay quầy hàng gì đó. Không ngờ tên
Thủ-Trưởng sau đó bị phát bệnh điên, cho đến nay thì Thánh-Miếu vẫn còn bị
niêm-phong, không được sử-dụng ".
Riêng cư-xá Trần-Hưng-Đạo thột số nhà chỉ còn trơ nền xi-măng mà thôi !
Ôi ! Quân-Trường thân yêu và kỷ-niệm nay còn đâu !
4- Khu-Vực IV :
Kế tiếp công-viên Trần-Hưng-Đạo là khu-vực bãi ủi Tiếp-Vận 5. Dùng để các
chiến-hạm ủi bãi lên xuống hàng cho B-Chỉ-Huy 5 Tiếp-Vận Nha-Trang.
Mùa Hè Sydney Năm 2000
Nguyễn-Tấn-Đơn
Đính-Kèm
1 ) Phụ-Bản A Phóng-Đồ TTHL/HQ/NT
2 ) Sơ-Đồ Tổ-Chức TTHL/HQ/NT
3 ) Phóng-Đồ Các Khu-Vực Phụ Đối-Diện Quân-Trường
4 ) Sơ-Đồ Tổ-Chức Hệ-thống Tự-Chỉ-Huy Của Liên-Đoàn Sinh-Viên Sĩ-Quan
Email : tandonnguyen@hotmail.com
-------------------------------------------------------------------------------------------
Cảm-nghĩ và Cám Ơn của người viết:
Đây là tập tài-liệu được viết lên để ghi lại những nét chính của tất cả các khóa
SQHQ VNCH. Tài-liệu không đi sâu vào từng khóa vì đó là thuộc về phần tiểu-sử
của mỗi khóa. Từ lâu tôi có thắc mắc về Gia-Phả của quân-chủng HQ, một
quân-chủng có truyền thống và nền nếp tốt đẹp. Ngày nay, sau hơn 25 năm mất nước,
nhiều vị đàn anh cũng như đàn em đã lần lượt vĩnh-viễn ra đi. Trong một vườn cây,
thỉnh thoảng nghe có trái già chín rụng xuống, có người biết cũng có người không
biết những trái đó thuộc về cây nào, cành nào. Từ một tài liệu đơn-sơ tôi viết
cho Đặc-San 2001 Đệ Nhị Nam-Dương Khóa 22 nói về TTHL/HQ/NT. Thì được một số
khóa mong muốn tìm hiểu thêm về quân-trường thân yêu. Nơi mà chúng ta đã
xuất-thân và cũng từ đó phục-vụ cho cuộc đời Hải-Nghiệp để đóng góp xương máu
cho quê-hương Việt-Nam. Tôi không dám nghĩ mình có thể nào hoàn-thành được như ý
mong muốn. Nhất là đa số các vị Niên-Trưởng cũng như các vị đàn em ngày càng mờ
nhạt những việc của quá khứ dù rằng đó là chuyện của đời mình. Tôi thử quyết-tâm
làm một việc như là một thiện-nguyện xem sao ! Tôi đã gởi 7 Email riêng rẽ cho 7
nơi tại Hoa-Kỳ để xin làm quen và cho biết mục-đích của việc làm. Kết quả cho
thấy 3 Email không hồi âm, 2 Email cho biết vì tuổi già nên quên xin từ chối, 2
Email khích-lệ và hứa giúp-đỡ. Ở đời chúng ta luôn luôn có luật " bù-trừ " trong
cái xui có cái hên, trong cái không thì lại có những cái có. Trong số các vị
quên thì cũng còn có các vị nhớ. Nhờ đó đã khơi lại chuyện cũ của quá-khứ, từ
chuyện quá-khứ này lôi cuốn đến chuyện khác rất tình-cờ, may mắn và chính-xác.
Phần lớn nhờ sự thông-cảm và tiếp tay của các vị Niên-Trưởng từ Hoa-Kỳ đã giúp
tôi hoàn thành nhanh chóng được tập tài-liệu này.
Tôi xin cám ơn Niên-Trưởng Đặng-Cao-Thăng (K1 Brest/USA), Niên-Trưởng
Phạm-Văn-Cổn (K3 HQNT/USA), Niên-Trưởng Phạm-Mạnh-Khuê (K4 HQNT/USA ),
Niên-Trưởng Nguyễn-Văn-May (K5 HQNT/USA), Cựu Dân-Biểu VNCH Nguyễn-Văn-Ân (K6
HQNT/USA), Niên-Trưởng Nguyễn-Văn-Hoa (K7 HQNT/USA), Cựu Dân-Biểu VNCH
Trần-Văn-Sơn (K4 Brest/USA ), Niên-Trưởng Nguyễn-Văn-Nhựt ( K8 HQNT/USA ).
Cám ơn các vị khóa sau như : Nguyễn-Khương-Ninh (K12 HQNT/Úc), Nguyễn-Hồng-Diệm
( K13 HQNT/Úc ), Trương-Công-Hải (K14 HQNT/Úc), Nguyễn-Văn-Thịnh (K15 HQNT/Úc),
Lê-Công-Trứ (K16 HQNT/Úc), Trương-Thanh-Việt (K17 HQNT/Úc), Trần-Chấn-Hải (K18
HQNT/USA), Mai-Công-Minh (K19 HQNT/USA), Nguyễn-Việt-Long (K19 HQNT/Úc),
Phạm-Chiến-Thắng (K3 OCS/Úc) Bùi-Cảnh-Bằng (K20 HQ NT/USA), Dương-Ngọc-Lợi (K21
HQNT/Úc), Phạm-Văn-Khuông (K23 HQNT/Úc), Nguyễn-Bá-Thắng (IOCS/Úc ), Bùi-Kế-Giản
(K24 HQNT/Úc), Huỳnh-Văn-Tân (K25 HQNT/Úc), Nguyễn-Thanh-Liêm ( K26 HQNT/Úc ).
Bản quyền tập tài-liệu này là của chung, khóa nào cũng là trong " Gia-Phả " của
gia-tộc SQHQ/VNCH. Khóa 22 Đệ II Nam-Dương và khóa 24 Đệ II Song-Ngư sẽ có vài
nét viết thêm riêng cho Đặc-San của từng khóa. Thành-thực cảm ơn quý vị.
TRANG CHÍNH | TRANG VĂN NGHỆ | TRANG TRƯỚC |