Chúng tôi đến Chicago vào buổi chiều ngày 23 tháng 5. Trái hẳn với từ ngữ “windchill” in hằn trong trí, thời tiết hôm nay tại Chicago rất oi ả. Theo xe về khách sạn Four Points, lên phòng, tôi vén màn nhìn ra hướng phi trường O’Hare; mặt trời đang lặn và máy bay lên xuống như những cánh chim đen đang tìm về tổ ấm. Các anh chị “đệ nhị Thiên Xứng” cũng đang tìm về một tổ ấm sau vài năm xa cách để gặp nhau, hàn huyên chuyện cũ, chuyện mới và để cùng nhau du ngoạn vài ngày tại Chicago.
Xuống phòng khánh tiết, ăn vài miếng Pizza cầm hơi, chào hỏi các chị đôi câu, tôi trốn lại về phòng. Dạo này tôi kén ăn, biếng nói nên hay trốn, chắc các chị cũng thông cảm cho. Có khi chỉ cần nhìn thấy nhau, gửi cho nhau một nụ cười, thấy ai cười lại với mình là một điều an ủi lớn.
Buổi sáng hôm sau, chúng tôi ba người: Tuấn, Nga và Dung (em gái của Nga) cùng ăn điểm tâm với TX2 Nguyễn Xuân Diên và con trai là Quân. Nga và Dung phải gọi Thầy NXD là thầy vì ngày xưa anh Diên dạy lớp toán khi Nga học Đệ Nhất C tại trường trung học Thánh Tâm Nha Trang. Quân giống hệt cha mình ngày ông ta còn trẻ, đẹp trai và được nhiều cô học trò chiêm ngưỡng (chỉ chiêm ngưỡng thôi vì thầy đã lập gia đình). Sự có mặt của anh là do Nga kỳ kèo rủ rê mãi. May thay anh rất vui khi gặp lại bạn cũ và các anh TX2 cũng rất vui khi gặp lại anh. Quân săn sóc bố mình và cả bạn của bố thật là hào phóng và chân tình. Cám ơn anh Diên và Quân rất nhiều.
Buổi sáng, chị Thúy, vợ anh Lộc, chị Cúc vợ anh Minh và tôi cắm hoa vào bình để trang hoàng phòng tiệc, các chị thật khéo tay, tôi làm theo các chị và giữ chân thợ phụ.
Tối đại tiệc trang trọng, lịch sự và vui vẻ. Các anh Minh, Lộc, Côn, và thêm các anh chị trong ban tổ chức bận rộn với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Anh Oanh làm nhiếp ảnh gia, chụp hình cho từng cặp vợ chồng, bạn bè thân hữu và hai nhóm nam, nữ. Công việc ấy rất nặng nhọc vì xưa kia chúng tôi cũng từng đảm nhận nhiệm vụ tương tự. Các chị ai cũng đẹp trong tà áo dài xanh quý phái hay bộ áo tây phương lộng lẫy. Các anh cũng đẹp trai không kém trong bộ âu phục, người nào cũng vui tươi, hát hò, khiêu vũ náo nhiệt. Tôi cũng ráng thu hết hơi sức tàn tạ của mình để lên hét hai bài hát do mình sáng tác để các anh chị bị điếc tai cho vui. Nói vậy chứ các anh chị khóa 19 luôn luôn khuyến khích cuộc đời văn chương của tôi, nên bây giờ tôi phải phô trương cho các anh chị thêm một khía cạnh khác của đời mình, mà không sợ bị đàm phán vì biết là ai cũng yêu thương mình.
Sáng 25, chúng tôi cùng nhau đi thăm viếng Chicago. Xuống khỏi xe tại đường E. Solidarity Dr.,gần Shedd Aquarium, chúng tôi được nhìn thấy cảnh thành phố Chicago bên kia bờ hồ Michigan và chụp hình thỏa thích vì cảnh rất đẹp. Sau 30 phút, xe chạy qua Soldier Field (football stadium), các anh chị được xuống mười phút chụp hình rồi lại đi qua Buckingham Fountain. Tuy trời nóng nực và nắng gay gắt, ai cũng hăng hái chụp hình kỷ niệm. Chị Linh, phu nhân của anh Khánh, mang một cái máy ảnh lớn, ống kính vừa dài vừa nặng, thế mà chị chụp hình rất hăng hái cho mọi người trong buổi trưa nắng cháy. Khâm phục chị quá, phải có sức khỏe và đam mê cuồng nhiệt mới làm được chuyện ấy.
Rời Buckingham Fountain, xe đưa chúng tôi qua E. Randolf Street để đến Cloud Gate. Cloud Gate là một biểu tượng khá quan trọng, biểu tượng cho thành phố Chicago cũng như Golden Gate Bridge của San Francisco hay The Gateway Arch của St. Louis v.v. Vì xe đậu xa, chúng tôi phải đi bộ vòng ngã sau qua Jay Pritzker Music Pavilion, nhạc viện được kiến trúc sư Frank Gehry vẻ kiểu. Từ vị trí này chụp ảnh Chicago rất đẹp.
Cloud Gate là một kiến trúc của điêu khắc gia người Anh, gốc Ấn tên là Sir Anish Kapoor. Mô hình này còn được gọi là “The Bean” vì hình dạng giống hạt đậu. Không phải cấu tạo bằng kính như thoạt nhìn, mà bằng 168 mảnh stainless steel gắn lại với nhau rồi mài giũa thật kỹ nên không thấy đường nối. Mô hình sáng loáng giống như kính tráng thủy ngân nên phản chiếu vạn vật rất thích thú. Du khách thường đi vòng hoăc xuyên qua bên dưới để chụp ảnh đủ kiểu. Trong khi chờ đợi bạn, các anh chị tụ tập trong bóng mát nghĩ ngơi và chuyện trò. Tôi chỉ đường cho chị Linh đi chụp ảnh thêm ở Crown Fountain. Crown fountain cũng là một địa điểm rất hay, đài phun nước này được kiến trúc sư Jaume Plensa họa hình. Đài gồm có hai tháp tại hai đầu của một hồ đá hoa cương đen. Tháp làm bằng các viên gạch thủy tinh để có thể chiếu hình như máy vô tuyến truyền hình. Hình ảnh là những khuôn mặt lớn diễn tả nhiều trạng thái tâm hồn khác nhau. Từ tháng tư đến tháng mười, có dòng nước chảy ra từ đôi môi của người trong hình. Trẻ con cũng như người lớn thường nghịch nước ở đây vì vừa vui vừa mát.
Qua Navy Pier, chúng tôi xuống thuyền đi ngắm các tòa nhà chọc trời hai bên dòng sông Chicago. Thay vì đi bộ đau chân, mỏi gối và mỏi cổ, chúng tôi ngồi thong dong trên thuyền ngắm cảnh vật. Quân mua bia đãi các chú bác, Tuấn và tôi thì chỉ biết nhậu coca cola mà thôi. Thiên hạ sợ nắng đứng chen chúc nhau dưới mấy tấm bạt; nhờ có cái mũ, tôi ngồi ghế ngoài nắng chụp ảnh suốt chuyến du hành.
Chiều hôm ấy, khi về lại khách sạn, trong máy lạnh mát rượi, tôi không muốn đi đâu cả. Vì thế chúng tôi xuống tiệm ăn của hotel để ăn tối. Thức ăn cũng khá ngon miệng vì đói bụng. Chúng tôi đi du lịch nhiều nên ăn uống cũng dể dãi, no bụng là tốt rồi.
Ngày 26, chúng tôi lên đường đi thăm chùa Hindu tại thị xã Bartlett, cách khách sạn 27 dặm. Chùa tên là BAPS Shri Swaminarayan Mandir. Bên cạnh Mandir là một trung tâm văn hóa và tiệm sách, gọi là Haveli. Chúng tôi phải gửi giày dép và máy ảnh bên ngoài trước khi vào nghe thuyết trình tại Haveli. Gổ lót tường nội thất của Haveli được chạm trổ rất công phu bởi thợ thủ công nghệ. Thợ rất khéo tay, mới nhìn cứ tưởng là làm bằng máy thì mới thăng bằng đều đặn như vậy, tôi chăm chú nhìn mãi nhưng không thấy lỗi lầm hay tì vết nào cả. Sau đó chúng tôi đi xem Mandir. Chùa chính được xây bằng đá cẩm thạch đẻo gọt bằng tay của xứ Ý và đá hoa cương của Thổ Nhỉ Kỳ. Nội điện tỏa ánh sáng trắng xanh, các tượng thờ mặc áo quần dát vàng ngọc rực rở như tài tử trong phim Ấn Độ. Có một nữ nhân viên mặc trang phục cổ truyền đi tuần hành trong hành lang để ngăn ngừa du khách chụp ảnh lậu. Tín đồ nam nữ quỳ trên sàn đá mát lạnh để cầu nguyện và chờ giờ hành lể. Thăm chùa xong, các anh chị đứng trước Haveli chụp chung tấm ảnh kỷ niệm, rồi tản mác trong khuôn viên để chụp ảnh trước đài phun nước với nhau và cho nhau. Anh Phan Hồ Hải dạy tôi cách chụp slow motion bằng điện thoại cầm tay, rất vui vì thấy được nhiều chuyển động gần giống như video. Đúng là đi một ngày đường học được một sàng khôn. Vì thế tôi cứ đi hoài, mong học được thêm nhiều thứ nữa.
Buổi trưa, chúng tôi dùng bữa tại Portillo’s thuộc thành phố Schaumburg. Tuy là tiệm bán hot dog, sandwich, burger, salad như tiệm ăn nhanh nhưng thật ra không nhanh chút nào vì người ăn quá đông. Tiệm được liệt kê trong Trip advisor là một trong những tiệm ngon hàng thứ 3 trong số 281 tiệm ăn tại thành phố Schaumburg.
Vì trời quá nóng bức và xe cần phải trả đúng giờ nên một nữa số người chọn đi về khách sạn nghĩ ngơi thay vì đi thăm thành phố Chicago. Bước vào phòng ngủ mát mẻ, ba đứa chúng tôi leo lên giường, làm một giấc ngủ miết cho đến 8 giờ mới bò xuống ăn cơm tối.
Buổi sáng chủ nhật là ngày phải chia tay” anh đi đường anh, tôi đi đường tôi – nhưng tình nghĩa chúng ta không phải chỉ thế thôi!” cho nên bịn rịn hết sức. Người đi sớm, kẻ đi trể cho nên lúc nào phòng khánh tiết của khách sạn cũng có mặt các Thiên Xứng 2, cả nam lẫn nữ. Người bay về nhà, kẻ còn ở lại. Một nhóm đi theo anh Vạn lên Mineapolis chơi nhà anh Mến, còn Tuấn, Dung và tôi thì sẽ mướn xe đi du lịch và thăm viếng những tiểu bang mình chưa từng đến tại vùng Midwest. Trong lúc chờ đợi giờ khởi hành, anh chị Khiêm đưa ra một hộp bánh lớn, thế là các bà có đồ nhắm lai rai cho tới khi phải dời gót ngọc.
Sau khi tôi và Tuấn đem được chiếc xe thuê từ phi trường về khách sạn thì những người cuối cùng cũng vừa ra đi, trả lại cho khách sạn một sự yên lặng não nề, buồn bã. Tôi nhớ lại một câu mình đã hát hôm qua:
“Thôi xót xa, ngày thơ đã qua rồi - trên lối xưa ngàn năm vẫn mây bay…”
Hai năm sau có còn thấy lại nhau không? hay như bóng mây bay qua một cõi trời nào khác? Xót xa cũng không làm gì được, trong tim của chúng ta bây giờ chỉ còn chút kỷ niệm này để cưu mang. Cám ơn anh chị Lộc và ban tổ chức đã cho chúng ta những ngày thật thân ái và tươi vui.
Tôn Nữ Thu Nga
Tháng 6 ngày 12, 2018- San Dimas, California.