TÔN NỮ THU NGA

Con gà con chỉ bằng nắm tay Hảo, toàn thân bọc bằng mớ lông tơ mềm mại, óng vàng. Thằng bé con xóm dưới khum khum hai bàn tay, ấp con gà trong

 ấy, nó hé hé ra chút xíu cho Hảo nhìn. Chú gà kêu chiêm chiếp, vùng vẫy hai cái cánh cụt ngủn, yếu ớt.

Thằng “du thủ du thực” (bà vú gọi nó như vậy), hất hàm:
-Mười đồng thôi, có mua không?
-Mày ăn cắp con gà của ai hả? Bà vú căn vặn nó.
-Tui bắt được, nó đi lạc ngoài đường, có muốn mua không?
Hảo níu áo vú, đôi mắt con bé long lanh…Vú nháy nháy mắt
-Mua làm gì, mấy con chó bẹc dê lủm một cái là hết!
Hảo giật giật tà áo vú, đôi môi run run, cô thương con gà quá. Nó nhỏ xíu và mềm như một nắm bông gòn.
-Vú không có tiền để mua con gà cho chó lủm đâu! Mày có năm đồng muốn mua thì mua.
Thằng du thủ du thực, ngó láo liên quanh quất. Chung quanh nó là một bọn trẻ con mủi dãi chạy ra xem từ phía trại gia binh. Không có đối tượng nào khá

hơn Vú già và Hảo. Nó ngần ngừ tiếc rẻ, chìa con gà về phía Hảo:

-Ừ thôi tao bán rẻ cho mày năm đồng, mà mày làm nó chết là đừng kiếm tao bắt thường nghe.
Hảo đưa hai bàn tay, đón con gà nhỏ, con gà chưa kịp nằm trọn trong tay cô, thằng du thủ du thực đã giật tờ giấy bạc năm đồng trong tay vú già rồi chạy biến mất sau ngõ hẻm.
Hảo nâng con gà trong lòng bàn tay, con gà cựa quậy nhè nhẹ, hai chân cào vào lòng bàn tay nhột nhột, cô hí hửng theo vú già trở về nhà, để những ánh mắt thèm thuồng của bọn con nít lại sau lưng...
Vừa về đến nhà, mấy chị em Hảo chụm mấy cái đầu vào nhau trên tấm phản rộng. Lấy tờ giấy báo trải ra, đặt con gà nhỏ xuống. Bọn trẻ trầm trồ thích thú nhìn con gà bé bỏng, lững thững đi loanh quanh trong cái chu vi nho nhỏ, quây quần bằng sáu đôi mắt tròn đen nhánh và những bàn tay nho nhỏ sẵn sàng dẫn lộ cho chú gà trở về vòng đai an toàn. Ba chú chó Berger lừng khừng đi quanh phản, mũi hênh hếch đánh hơi, thấy không có gì hấp dẫn nên kéo nhau ra sân chơi đuổi bắt.
Vú già lấy cái lồng bàn lớn chụp lên trên con gà, vất vào đó nhúm gạo nát, con gà kêu chiêm chiếp, lấy chân cào cào trên tờ giấy rồi tập mổ những hạt tấm nhỏ. Bọn trẻ cười khúc khích, có khi ré lên khi chú gà phẹt ra một bãi nho nhỏ đâu đó. Chơi chán, bọn trẻ cũng lục tục bỏ đi, chạy đuổi nhau, reo hò trên sân, Hảo ngồi một mình bên con gà nhỏ của mình, lâu lâu thò ngón tay vào dưới cái vành thiếc vuốt ve bộ lông vàng mượt êm ái như nhung.
-Vú ơi, con gà ni là con trống hay con mái hả vú!
Vú lắc đầu:
-Vú không biết được con à, mình phải chờ nó trổ mã mới biết!                 
-Trổ mã là cái chi rứa vú?
-Là khi nó mọc lông mới, thay lông cũ đó.
-Khi mô hắn mới thay lông hả vú.
-Khi hắn lớn bằng hai cái nắm tay của vú như ri nì.
Hảo chống tay lên má, ngước nhìn vú:
-Rứa thì chắc cũng phải tới tết phải không vú?
Vú ngẫm nghĩ:
-Ừ, còn hai tháng nữa là tết chắc là nó cũng lớn bộn rồi. 
Chiều hôm ấy, vú ra chợ, mua về cho Hảo một cái lồng gà, Hảo lấy hai cái lon cá hộp Maroc, đổ vào một lon nước và một lon gạo. Con gà cũng giống như con chim. Chuồng gà của Hảo cũng giống như cái lồng chim của bác Phủ bên hàng xóm.
Bây giờ bọn em lại chụm vào nhau trên tấm phản để chiêm ngưỡng cái lồng tre mới, mấy cái mông ốm nhách chổng lên trời, tay chống cằm, những đôi mắt hạt huyền long lanh với sự thích thú. Cả bọn lao nhao bàn bạc về con gà, thằng Lương nghịch ngợm thò ngón tay vào lồng để chọc con gà. Con gà hoảng hốt nhảy lên , vươn hai cái cánh tí xíu chạy lòng vòng trốn tránh. Hảo tức giận lắm, cô bé nghiêm mặt:
-Ê thằng kia, mày coi chừng nha, con gà này tao nuôi lớn lên để cúng ông nội. Mày làm nó chết ông nội về vặn cổ mày đó.
Thằng Lương sợ hãi le lưỡi, rụt tay, không phá nữa. Hắn là em thứ tư của Hảo, sáu năm qua, tưởng hắn là con út nên ba mẹ cưng chìu lắm, ai ngờ khi hắn lên sáu thì mẹ lại tròn một bụng bầu nên hắn sắp thất sũng. Hắn đi theo Hảo chơi các trò chơi con gái như buôn bán, búp bê, nhảy dây, nấu nướng. Hảo cũng thích chơi trò của con trai như thả diều, bắn cung, bắn nỏ, đạp xe nên hắn càng thích đi chơi với Hảo và bị Hảo sai bảo đủ điều.Thằng Lương là người có hiếu với cha mẹ nhất nhà, nó nhanh nhẹn và chịu khó làm việc. Mẹ trêu nó là vì nó sanh ra tại Pleiku nên da ngăm ngăm giống mấy ông Thượng.
Em kế Hảo là Dung, thuở nhỏ em tròn trĩnh dễ thương, trắng trẻo như con búp bê Nhật Bản; không nghịch ngợm nhiều như Hảo nên ai cũng thương mến nó. Hai chị em hay đánh nhau, dành lộn búp bê và các đồ chơi lỉnh kỉnh, ai cũng bênh nó vì nghĩ rằng Hảo là đứa ngỗ nghịch. Bình thường thì Hảo không bao giờ nghĩ rằng mình thương nó. Nó cũng giống như một cái tay hay cái chân của Hảo mà thôi. Có ai nghĩ rằng mình yêu thương hay chú ý đến cái tay hay cái chân của mình cho tới khi bị thương bị đau xương trặc khớp. Hảo nói dài dòng như vậy là vì có một hôm, trời mưa to giólớn, mẹ thuê xích lô chở hai chị em đi học. Trên đường, vì gió lớn, người phu xích lô lại không cẩn thận nên cái mui xe bị gập vào nhau, Dung bị kẹp cánh tay giữa hai cây sắt, nghe tiếng em thét lên và thấy hai cây sắt càng thu hẹp, Hảo lạnh cả người, sợ em bị gãy tay, nó cũng thét lên và cố ghì thanh sắt cho mở rộng ra, thế nhưng Hảo cũng chỉ là một con bé tám tuổi, đâu có sức mạnh nhiều, Hảo cảm thấy đau đớn và tuyệt vọng khi hai bàn tay mình cố ghì  trên thanh sắt để cứu cánh tay bé nhỏ của em. May thay người phu xe nghe được, hắn ta dừng xe lại và kéo cái mui cho Dung lấy tay ra. Nhìn cánh tay nhỏ trầy da của em mình Hảo chảy nước mắt , dẫn em vào văn phòng để Soeur khám và thoa dầu. Trong lòng Hảo, một mối thù hận ghê gớm còn ăm ắp trào dâng, Hảo ghét tên phu xích lô bất cẩn và chợt thấy thương em mình vô vàn. Tuy nước mắt còn viền hai bờ mi vì đau đớn, Dung cũng chỉ lầm lì không nói chi cả.
Nhỏ hơn Dung hai tuổi là thằng Dương, hắn ta trắng trẻo, đẹp trai và là con trai trưởng, cháu đích tôn của ông nội nên được cưng nhất nhà. Hắn rất hiền lành mặc dù biết mình là chúa tể trong nhà. Dương khéo tay, thích vẽ và vẽ rất đẹp, hắn còn biết tự xây hồ cá trong vườn để nuôi mấy con cá lia thia. Đôi khi hắn ganh với Hảo vì Hảo thường được ba dẫn đi coi chiếu bóng; mỗi lần thấy Hảo ngồi trên xe với ba, hắn nằm lăn ra giữa đường không cho xe chạy. Bà vú và cô giúp việc phải chạy ra khiêng hắn vào nhà, hắn vẫy vùng la hét inh ỏi cả xóm cũng nghe. Có lần Hảo chơi đá banh với nó, đá một cú vào bụng, nó gập người xuống gần xỉu, mọi người ùa ra xem xét. Hảo sợ nó chết bèn trốn qua nhà ông Ngoại, chờ thấy tình hình yên ả mới chịu về, thế mà cũng bị ba quất mấy roi vào mông.
Chỉ có một mình bà vú thương Hảo mà thôi, Hảo nghĩ vậy. Bà vú được bà ngoại Hảo nuôi từ lúc mẹ Hảo ra đời. Khi mẹ có thai Hảo năm 28 tuổi thì bà vú lại là người nuôi nấng và săn sóc Hảo. Hảo ngủ chung với bà nhiều hơn là mẹ, vì bà thay thế cho bà ngoại Hảo đã thất lộc từ lâu.
Bà vú là quản gia của mẹ cho nên mẹ Hảo có thì giờ làm chủ cái xưởng bánh nhỏ với ba người làm bánh cho mẹ. Bánh được đem bán sỉ cho các quầy trong chợ hoặc các quán xép trong tỉnh. Nhờ tiền mẹ kiếm được cộng với dúm lương công chức của ba nên gia đình cũng có phần thoải mái hơn.
Nghe mẹ nói rằng bà vú có một người con gái, nhờ họ hàng nuôi ngoài Quảng Ngãi, nhà bà nghèo lắm nên bà phải làm việc cho Ông bà ngoại Hảo để lấy tiền gửi về quê nuôi con. Bà thương mẹ Hảo lắm vì bà cho mẹ Hảo bú từ lúc mới sinh, sau khi bà ngoại mất, bà tiếp tục ở với mẹ Hảo cho tới bây giờ. Hảo ít khi nghĩ đến chị Chanh (con bà vú) vì chị ấy chỉ là một hình ảnh bí hiểm, loáng thoáng trên môi người lớn. Hảo chỉ cần biết bà vú là của Hảo, Hảo được bà bế ẵm và nuông chiều. Hảo hay trèo lên đùi bà ngồi nghe bà nói chuyện, nghe bà kể chuyện đời xưa và chuyện ma để rồi sợ hãi không muốn đi vào chỗ tối trừ khi có bà bên cạnh, thỉnh thoảng bà cho Hảo đồng bạc để chạy ra quán xép mua cái kẹo dẻo, nhai gần gãy răng.
Sau khi có con gà, tuy bảo là con gà của Hảo nhưng bà vú giúp Hảo săn sóc con gà vì cô ham chơi cứ quên cho gà ăn. Con gà không có tên, mấy người làm, gọi nó là : “Con Gòa của chị Hẻo”.
Chỉ mấy tuần sau, cái chuồng bắt đầu chật vì con gà lớn nhanh như thổi. Vú giải thoát nó và cho nó chạy lòng vòng trong một cái chuồng tròn làm bằng lưới mắt cáo. Con gà sảng khoái chạy lung tung đào bới trên đất. Mấy con chó Berger đi vòng quanh, chúi mũi kiểm soát, thấy không làm gì được nên chán nản bỏ đi, chạy đuổi theo mấy đứa trẻ đang chơi u mọi.
Chẳng bao lâu, con gà trổ mả, hắn trở nên một chú gà trống tuyệt đẹp. Cái mào đỏ ong, lông gáy màu hung đỏ rũ dài quanh cổ, lông bụng màu xanh dương đậm gần như đen, lông đuôi cong vút như những cái lưỡi liềm màu xanh tía. Hai chân sù sì với móng vuốt nhọn hoắc. Buổi sáng nó bắt đầu tập gáy, giọng khan khan kêu  cồ cồ cồ cồ… nó ưỡn bụng đi oai vệ trong khu vườn nhỏ như mình là chúa tể càn khôn.
Vú căn dặn cả nhà: Tụi bay phải coi chừng con gà này không thôi người ta bắt trộm.
Nhà chúng tôi ở khu xóm mới, tuy có hàng rào xi măng cao quá đầu, cửa sắt, hàng rào kẻm gai nhưng lâu lâu cũng bị mất vịt, mất chó, mất radio và cả áo quần đang phơi. Mấy con chó Berger hung dữ kia cũng không thể nào giữ nhà cho an toàn cả. Bọn ăn trộm vặt quá sức tài tình.
Thế nhưng con gà trống vẫn an toàn, sống nhởn nhơ và lớn lên trong không gian êm đềm của nó dưới ánh mắt cú vọ của bà vú và một bầy trẻ con giám thị. Tiếng gáy của nó càng ngày hùng mạnh và trong trẻo. Cặp đùi chắc nịch nhấc từng bước đi vương giả. Bây giờ nó đã 5 tháng tuổi, bà vú nói:
- Con gà này sắp nấu được rồi.
 Hảo nhăn mặt:
-Không cho bà nấu nó bây giờ, con đã để dành nó để cúng ông nội tháng tới.
Bà gật gù:
-Ừ tháng tới chắc nó sẽ được 3 ký, mình nấu nồi cà ri gà cúng ông.
Ông nội Hảo mất năm ngoái ngoài Huế, Hảo còn thương nhớ ông nhiều lắm. Mỗi năm  ông vào Nha Trang thăm mấy đứa cháu nội cả tháng. Ông không cưng thằng cháu đích tôn bằng Hảo và Dung. Hằng ngày ông đi bộ lên trường Thánh Tâm đón hai cháu, dẫn cháu ra biển chơi, cho uống nước dừa, mua đậu phụng luộc hoặc cho ghé tiệm bánh Hoa Hoa góc đường Nguyễn Hoàng và Huỳnh Thúc Kháng để hai cháu mua bánh tai voi, bánh hột mít, bánh lạt hoặc bánh kẹp. Ông Nội không giàu nhưng ông chìu chuộng cháu, muốn cái gì cũng được nên khi được gần ông Nội, Hảo chẳng bao giờ cần phải xin tiền mẹ và vú để mua quà.
Mỗi buổi chiều, hai ông cháu ngồi bên khung cửa sổ nhìn ra cây khế, ông hút thuốc lào và uống cà phê phin. Lọc xong lần thứ nhất, ông đổ thêm nước sôi và lọc cho con cháu bé một ly cà phê nhạt, khuấy muỗng đường rồi ngồi nhâm nhi và nói chuyện với nhau.
Gió chiều mát mẻ thổi về từ biển, ông lim dim mắt ngồi nghe con cháu nội nói chuyện trường chuyện lớp, nhiều khi mệt, Hảo gối đầu lên đùi ông say sưa ngủ.
Năm nay ông không còn nữa, hồn ông chu du trên núi Ngự Bình, ngày giỗ tới là ngày ông về thăm gia đình con cái. Hảo muốn cúng ông con gà của mình nuôi vì Hảo thương ông nhiều.
Thấm thoát ngày giỗ ông đã đến. Biết là con gà sắp bị giết thịt, Hảo xin mẹ cho Hảo ở lại buổi trưa trên trường, Mẹ hiểu ý, cho Hảo tiền mua bánh mì thịt tại Ngã Sáu gần trường để ăn trưa. Buổi chiều, Hảo nấn ná lại lớp, giúp bạn quét dọn rồi lững thững chậm chạp trở về nhà.
Chiều nay nhà Hảo rất nhộn nhịp. Bà con ruột thịt, cháu chắt và vài cặp bạn bè cùa ba đều có mặt. Trên bàn thờ hương trầm nghi ngút, tấm ảnh ông nội oai nghi sau làn khói, mơ hồ nhìn xuống những món ăn sơn hào hải vị do bà vú và cô Khánh nấu suốt ngày hôm nay.
Các bà lớn tuổi mặc áo dài, các chú bác mặc áo the lương, ông ngoại Hảo cũng có mặt. Ông ngồi trầm ngâm trên bộ trường kỷ ngắm nhìn cảnh vật chung quanh, dường như ông cũng nhớ đến ông sui gia vừa quá cố.
Cúng xong, thức ăn được bày la liệt trên mấy cái bàn dài, vừa trong phòng khách vừa ở ngoài sân. Bọn trẻ chúng tôi ngồi chung bàn với nhau. Sau mấy cái bánh nậm, bánh bột lọc khai vị, bà vú bưng ra một khay bánh mì xắt lát và một tô cà ri gà. Hảo nhìn vào tô, tay chân Hảo bỗng nhiên bủn rủn. Thấy Hảo không ăn, bà vú gắp một miếng thịt gà lớn và mấy miếng khoai tây vào chén Hảo. Hảo đưa tay bụm miệng ụa mấy tiếng, Hảo nhảy ra khỏi ghế, hai hàng nước mắt chảy dài xuống má xuống môi mằn mặn. Vú chạy theo ôm Hảo vào lòng, Hảo thổn thức:
-Con gà… con gà của con, con không ăn nó được.
Vú lau nước mắt cho Hảo, bà nắm tay Hảo:
-Vậy hả con? Thôi con đừng buồn, theo vú ra đây vú cho con cái này hay lắm.
Hảo thẩn thờ đi theo vú vào nhà kho, vú bật công tắc điện, trước mặt Hảo, con gà trống của Hảo nhấp nháy đôi mắt, vươn cánh gọi o o vì tưởng trời đã sáng. Hảo nhào tới, ôm nó vào lòng, vuốt ve, nước mắt Hảo lăn trên đám lông mượt.
Vú nhìn Hảo mắng yêu:
-Ai mà nỡ làm thịt con gà quý hóa của mi chơ! Tau phải đi mua con gà khác tới năm trăm đồng, mi xin ba mi tiền trả lại cho bà nghe chưa?
-Bà đừng lo, cái bùng binh của con có tới bảy trăm lận. Mai con đập ra trả cho bà…
Vú mỉm cười nháy mắt:
-Thôi con theo vú lên ăn kẻo Cà ri nguội mất.

 
Tôn Nữ Thu Nga
(San Dimas, April 18-2017)
TRANG CHÍNH TRANG TRƯỚC