Tôn Nữ Thu Nga

 

Người Mỹ rất thích đi du lịch, phần nhiều ai cũng có một danh sách trong trí hoặc viết ra những nơi mình muốn thăm viếng trên thế giới rồi từ từ thực hiện ước mơ ấy trước khi từ giã cõi người. Danh sách này họ gọi là “bucket list”. Bucket list dài hay ngắn, đầy hay vơi là tùy theo tài chánh, sức khỏe và tánh ưa mạo hiểm của cá nhân. Người Mỹ được an hưởng hòa bình khá lâu nên hầu hết ai cũng có niềm ước mơ được viếng thăm nhiều nơi trên thế giới.

Ngày còn trẻ sống tại Việt Nam, mặc dầu tánh phiêu lưu mạo hiểm đã có trong tâm hồn nhưng cái “ bucket list” của tôi nó ngắn lắm vì còn trẻ, không có tiền lại bị ba mẹ còng chân. Niềm ước ao của tôi là được đi Sài Gòn chơi; tuy chỉ cách Nha Trang 434 km, thế mà trong cuộc đời ngắn ngủi của tôi (kể cả lần chạy giặc) tôi chỉ được ngao du thành phố “Hòn Ngọc Viễn Đông” có bốn lần; thăm Đà lạt là một giấc mơ chưa thành tựu cho đến khi tôi được về dưới danh nghĩa Việt Kiều.

Từ ngày di cư sang Mỹ, “bucket list” của tôi dài hơn, dài thêm và dài gần như bất tận. Vì rứa thành ra ngay sau khi sanh thằng con út năm 1976 được bốn tháng, hai vợ chồng tôi bắt đầu cuốn gói bế hai đứa con đi chơi. Dĩ nhiên là ngoài những ngày lễ; chúng tôi nai lưng làm việc để chờ ngày đi chơi tiếp.

Có những tiểu bang miền Trung Tây nước Mỹ chúng tôi chưa từng đến vì không phải là chốn phồn hoa đô hội. Vì thế, sau khi du ngoạn hết 40 tiểu bang khác nhau (không kể những tiểu bang chúng tôi thăm viếng nhiều lần như Hawaii, Florida, Texas, Oregon, NewYork và vùng Đông Bắc vì cảnh đẹp hoặc được bạn rủ rê), lần này, sau khi chúng tôi đi họp khóa Hải Quân Thiên Xứng 2 tại Chicago, tôi dành ra thêm 8 ngày để chu du các tiểu bang vùng Trung Tây Mỹ Quốc.

Thuê chiếc Nissan Murano tại phi trường O’ Hare, hai vợ chồng tôi và cô em gái hớn hở bắt đầu chuyến du hành.

Theo quốc lộ 80 về hướng tây, chúng tôi chạy ngang những thành phố nhỏ như Nettle Creek, Morris, Mineral, Edford, Coal Valley… hai bên đồng ruộng mênh mông, các cây bắp non mới mọc lên chừng nữa thước. Trời xanh thẩm, mây trắng bềnh bồng như bông gòn. Các trang trại ẩn hiện sau chòm cây xanh lục và các nhà kho sơn đỏ viền trắng thật xinh rải rác trên sườn đồi.

 

Đến một công viên bên bờ sông tên Rock River – nhánh nhỏ tách ra từ Mississipi River –dòng sông xinh đẹp và mát mẽ. Xa xa có chiếc cầu bắt ngang, công viên là một bán đảo nhỏ giữa hai nhánh sông. Trên sông, người lớn cũng như trẻ em, bơi lội, câu cá hoặc phơi nắng. Bị quyến rũ bởi bóng mát của cây cối ven bờ và những con sóng lăn tăn đập nhẹ trên cát, tôi hối hả mang máy ảnh chạy xuống sông. Lúc ấy tôi chưa cảm nhận được nhiệt độ nóng và ẩm ngoài trời. Chỉ hai phút sau, đàn muỗi đói đánh hơi người, bay đến tấn công như vũ bão. Tôi mê chụp ảnh nên nhảy nhót vung văng, vừa đuổi muỗi, vừa quyệt mồ hôi, vừa chụp hình. Chụp được mươi cái hình thì hai bàn tay đã có cả chục vết muỗi cắn. Cô em tôi và ông xã tôi thì muỗi không thèm cắn!!! Sau khi yên vị trong xe, tôi nhìn ra những người khác đang dẫn chó đi bộ, tắm nắng, câu cá; kể cả mấy đứa bé Mỹ, bụ bẩm đi chập chững bên bờ sông nghịch nước, chẳng có ai đuổi muỗi hoặc tỏ ra nóng nực chi hết???

Trên đường, chúng tôi ghé qua thành phố Daventport bên sông Mississipi. Đi dạo trong công viên Centennial chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm bên sông, xa xa là chiếc cầu chia đôi hai tiểu bang Iowa và Illinois. Trong công viên dưới bóng cây có bầy vịt Mallard lông màu xanh chen lẫn nâu đang nằm ngủ. Trên giòng sông, một đàn chim bồ nông trắng lượn lờ vây đuổi cá. Nhìn vào con đường dẫn lên phố, hai bên treo những chậu hoa màu sắc rất dễ thương. Cạnh bờ sông có bảng hiệu tiệm phở, chúng tôi reo lên mừng rỡ nhưng nghĩ lại là mình chưa đói bụng nên đi thêm một quãng đường nữa để đến Coralville. Tối hôm đó chúng tôi được ăn phở tại “I love Phở”, do người Nhật làm chủ nhưng nấu cũng khá ngon, sau mấy ngày không được ăn thức ăn Việt, món gì có chút nước mắm là ngon rồi.

Sáng thứ hai, từ Coralville chúng tôi đi Iowa city. Thăm tòa nhà Capitol cũ nay trở thành “The University of Iowa Old Capitol Museum”. Viện bảo tàng đóng cửa ngày thứ hai trong tuần nên chúng tôi đi dạo quanh khuôn viên đại học để chụp ảnh, đuổi muỗi và lau mồ hôi. Dù vậy chúng tôi cũng thấy vui, Tuấn xách máy ảnh đi bộ loanh quanh, chụp hình các dinh thự, tôi và Dung chụp ảnh cho nhau làm kỷ niệm với tượng hình tốt nghiệp của anh chim cú khổng lồ. Trên đường đi Cedar Rapids, chúng tôi ghé thăm hồ Coralville và Hồ Macbride State Park. Đường vào hồ đẹp và thơ mộng; qua khỏi lộ chính với những căn nhà xinh xắn trên các ngọn đồi nhỏ thoai thoải, hoa cỏ xanh tươi; rẽ vào con đường nhỏ thấy có con nai vàng ngơ ngác trong sân nhà ai đó nên ngừng vài giây để chụp hình trước khi nai vàng phóng vô bụi rậm.

Cuối đường hiện ra bờ nước trong veo, quanh hồ cây cao bóng mát, có vài người chèo Kayak, xa xa có chiếc thuyền câu, ít nhất cũng năm hoặc sáu người ngồi nói chuyện và câu cá, xa quá nên tôi không nghe rõ nhưng thanh âm văng vẳng như tiếng Việt. Hai bà đầm Mỹ dẫn theo ba con chó bự, chúng nhảy tòm xuống hồ tắm rồi chạy lên rảy nước lung tung. Có một bà điều khiển cho con chó của mình lao xuống hồ để anh Tuấn chụp hình nên anh thích lắm, cười hỉ hả quên cả chuyện lái xe mệt nhọc. Cảnh hồ thơ mộng mát mẻ, tôi chụp ảnh một gia đình đi câu cá ngồi bên mô đất dẫn ra hồ, khung cảnh đầm ấm và thanh bình.                                                                                                                                                  



 

Lái thêm 15 dặm trên xa lộ 380 qua Cedar Rapids, thành phố đông dân thứ nhì của Iowa (131,000 dân) sau thành phố Des Moines. Chúng tôi ghé Czech Village để xem một thành phố có sắc thái đặc thù của người di dân. Thành phố này đang tổ chức một cuộc chạy thể thao, chúng tôi đi dạo trong làng ngắm cảnh và nhìn các lực sĩ thiểu não lê chân, mồ hôi nước mắt đầm đìa chạy qua từ bên kia cầu. Chúng tôi đứng bên đường hò hét vổ tay khuyến khích. Vào một tiệm cà phê bánh ngọt tên là Sykora Bakery, chúng tôi ăn kem vừa mát vừa ngọt trước khi cất bước lên đường.

Từ Cedar Rapids chúng tôi qua Des Moines, thủ phủ Iowa. Từ trên xa lộ, tòa nhà Capitol hiện ra với tháp vàng chạm trổ rực rỡ nên cứ nhắm hướng ấy mà chạy. Giờ này nắng gắt và nóng. Chúng tôi đậu xe đối diện khuôn viên, băng qua đường đi vào chụp ảnh. Cô Dung ngại nắng, tìm bóng cây bên đường đứng ngắm cảnh vẩn vơ. Tòa dinh thự này thật đẹp, xây năm 1871 tới 1886 mới xong. Gồm có một tòa tháp chính và bốn tháp phụ. Một phần tháp chính đang được tu sửa lại.Đây là một điện Capitol độc nhất có 5 tháp trên toàn nước Mỹ. Capitol ngự trị trên ngọn đồi thấp thoai thoải nhìn xuống thành phố Des Moines, chung quanh tòa dinh thự là bậc cấp, đường đi rộng rãi khang trang, những bồn hoa Iris, và Alium màu sắc hài hòa, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của Capitol và thành phố.

 

Gần ba giờ trưa, chúng tôi đến thành phố Winterset. Winterset là một thành phố thuộc quận Madison, tiểu bang Iowa. Thành phố này là nơi tài tử John Wayne được sanh ra, có căn nhà nhỏ của cha mẹ ông, còn cả các đồ nội thất của thời ấy. Căn nhà gổ màu trắng có bậc cấp đi lên và hàng hiên bao bọc, có mấy cây hoa mẩu đơn hồng, trắng đầy hoa dựa bên thềm. Vòng qua con đường chính là viện bảo tàng John Wayne. Vì rất ái mộ tài tử gạo cội này nên anh Tuấn mua vé vào xem, trong khi tôi và Dung ngồi nghỉ ngơi trong phòng khánh tiết máy lạnh mát rượi.
 

Quận Madison được nổi tiếng là nhờ cuốn phim “The Covered Bridges of Madison County” do tài tử Clint Eastwood và Meryl Streep đóng vai chính. Đây là chuyện tình thơ mộng và ngắn ngủi của một nhiếp ảnh gia và một người nội trợ sống trong làng. Hậu cảnh là những chiếc cầu mái lợp của quận hạt Madison.

Cầu thứ nhất chúng tôi đến là Hogback covered bridge. Cầu màu đỏ bắc ngang con rạch cạn, cây cối um tùm. Quang cảnh vắng lặng xanh tươi, lâu lâu mới có chiếc xe chạy ngang tung bụi đường mù mịt. Ngoài chúng tôi ra, còn thêm vài ba du khách từ miền xa tới, có một cặp lớn tuổi cũng qua thăm từ vùng bắc California. Dạo quanh vài ba phút, chụp vài tấm ảnh kỷ niệm rồi ra đi, tránh sự nóng bức của một buổi trưa uể oải. Tôi chỉ muốn tìm một bóng cây, ngồi trong yên tỉnh, ngắm cảnh tịch mịch hoang vắng quanh mình, ngắm nhìn chiếc cầu cô liêu bên giòng nước; hiện diện như một chứng tích của thời gian.

Khi đến được Cedar covered bridge thì chúng tôi hoàn toàn thất vọng, cây cầu không còn nữa mà chỉ còn những đống gổ cháy ngỗn ngang. Tìm hiểu với dân địa phương thì mới biết là cầu bị đốt cháy, can phạm đang chờ ngày truy tố và chính quyền sắp xây lại cây cầu mới. Tiếc thay cho những hành động phá hoại của những kẻ không biết tôn trọng chứng tích lịch sử. Rời Cedar Bridge chúng tôi đến Cutler Donahoe Bridge xây năm 1870. Cầu này bên cạnh công viên. Cây cỏ xanh tươi cắt tỉa gọn gàng nhưng khung cảnh không được thơ mộng, thăm viếng vài phút, chụp vài tấm ảnh xong chúng tôi vội vã ra đi.

Chúng tôi đến Holliwell Bridge dễ dàng vì dọc đường luôn có bảng chỉ dẫn, ngoài ra tôi còn theo dõi được con đường xe chạy và vị trí xe mình qua Google map để khỏi lạc đường, vậy mà có lúc hai vợ chồng cũng nổi khùng cãi nhau chí chóe.

Cầu Holliwell bắt qua giòng sông Middle River. Sông nhỏ, nước màu xanh bùn, nhưng dân quanh vùng đến đây thả thuyền Kayak. Khi chúng tôi đến đây, một nhóm thanh niên thiếu nữ đang sửa soạn ra về; người nào cũng rám nắng, bê bết bùn lầy nhưng tinh thần rất vui vẻ cởi mở. Cảnh nơi đây đẹp nên chúng tôi dừng lại lâu hơn, đi xuyên qua cầu, rảo bước trên con đường mòn, hai bên là rừng cây bóng mát. Chụp ảnh hai bên ngạn sông rồi mới ra đi. Định đi thăm cầu Imes nhưng xa quá, sợ trời tối không đi thăm được cây cầu Roseman nên tôi chuyển hướng. Cầu Roseman là cây cầu chính trong phim “The covered bridges of Madison County”. Thời tiết thông báo sắp sửa có mưa giông trong vùng càng làm tôi lo sợ. Nhưng có điều an ủi là cầu Roseman rất gần tỉnh lộ 92 về hướng Omaha, nơi chúng tôi sẽ nghỉ qua đêm. Tôi hy vọng thăm cầu Roseman xong, trời sẽ mưa và chúng tôi có thể lái xe về Omaha trong cơn mưa.

Dọc theo đường đi, tôi mãi ngắm bầu trời chiều, mây bồng bềnh vừa trắng vừa xám, thay đổi liên tiếp theo chân mưa, thỉnh thoảng mặt trời lộ diện sau mây, tỏa những tia sáng xuống cánh đồng. Tôi bảo Tuấn đó là God light, một ánh sáng được nhiếp ảnh gia Robert Kincaid (Clint Eastwood) nhắc tới trong phim. Tôi không ngờ khi du hành qua vùng này mình cũng được thấy God light (Godlight là những tia hào quang dùng làm hậu cảnh cho những tấm hình tôn giáo). Thấy tôi náo nức muốn chụp ảnh, dù thời gian gấp rút, anh Tuấn rộng lượng cho tôi 2 phút bước ra khỏi xe để chụp vài tấm ảnh.

 

Đến Roseman bridge vào khoảng 6pm. Trời còn sáng, có cô nhân viên thủy lâm ra hỏi chúng tôi có muốn vào thăm trung tâm bán hàng trước khi cô đóng cửa. Sợ thiếu ánh sáng và mưa sắp đến nên chúng tôi từ chối. Trong khoảng hơn hai mươi phút quanh quẩn tại đây, chúng tôi chụp hình kỷ niệm bằng máy điện thoại rồi thêm hình nghệ thuật phong cảnh bằng máy chuyên nghiệp.


 

 

Cầu Roseman cũng màu đỏ thẩm, bắt qua giòng lạch như các cây cầu khác nhưng vị trí đẹp hơn. Phía sau cầu không có đường nối dài vì cánh đồng cỏ xanh bít lối. Cuối cầu, nhìn xuống lạch nước tôi thấy một nhánh cây lớn mắc cạn gần bờ. Ánh mặt trời chiều yếu ớt chiếu xuống dòng nước tạo thành một bức tranh tuyệt vời, tôi hối hả chụp cơ hội bấm máy ảnh liên tiếp, chỉnh ánh sáng lia lịa tùy theo từng góc cạnh. Ánh chiều thường xuống thật nhanh nên khi tôi gọi anh Tuấn đến thì mặt trời đã chui mất sau mây. Thấy có ai để lại cây bút marker lớn, chúng tôi cũng bắt chước các du khách khác viết tên mình làm kỷ niệm trên tấm vách trắng hai bên cầu.

Mưa bắt đầu rơi khi chúng tôi chụp ảnh xong (như tôi dự đoán), lật đật thu vén máy móc, chúng tôi nhảy lên xe trực chỉ Omaha trong tiếng sấm đì đùng và ánh chớp chói chan trên trời quê lồng lộng.

Ngủ qua đêm tại Omaha, sáng hôm ấy chúng tôi ra bờ sông Mississipi thăm Heartland of America Park, đến khu vực Lewis & Clark Landing , chụp hình kỷ niệm tại Monument To Labor. Từ đó, chúng tôi qua cầu Bob Kerrey. Cầu này chỉ để cho bộ hành và xe đạp. Cầu bắc ngang qua sông Mississippi chia đôi tiểu bang Nebraska và Iowa. Chúng tôi đi bộ qua cầu, vừa đi dạo vừa chụp hình. Giữa cầu có bảng chia hai tiểu bang, mọi người ai cũng ngưng lại chụp ảnh, một chân bên này, một chân bên kia.

 

Tuy Omaha có nhiều nơi cần thăm viếng nhưng vì thời gian eo hẹp, chúng tôi chỉ lựa những địa điểm thăm viếng nhanh chóng và có ý nghĩa trong lịch sử và địa lý. Chạy xe vòng qua khu vực the Old Market cho biết thôi chứ chúng tôi không phải là những người thích mua sắm nên không dừng lại. Tìm được Pioneer Courage Sculpture Park chúng tôi đậu xe bên lề đường Capitol để vào xem. Vừa đi vài bước, có người đàn ông da đen mặc quần áo rất lịch sự, nhìn tôi hỏi:” Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy những pho tượng này?”- Không muốn bị gài vào một cuộc tranh luận dài giòng về chính trị hoặc xã hội với người lạ, tôi trả lời:” Họ là người di dân như chúng ta và ai cũng phải trãi qua những kinh nghiệm và thời gian khó khăn lúc ban đầu để tạo lập một cuộc đời mới”. Nói xong, tôi chào ông và bước lên gần những pho tượng để chụp hình. Trên ngọn đồi thoai thoải, các tượng đồng đen mô tả hình ảnh những người tiên phong, di cư qua miền Tây bằng xe bò, xe ngựa. Các chi tiết điêu khắc tỉ mỉ và trên khuôn mặt các hình nhân, diễn tả được cảm xúc rất chính xác. Gần trưa nên nhân viên văn phòng các cơ sở quanh phố bắt đầu ra công viên đi bộ hoặc ăn trưa, các cô vừa đi bộ vừa chuyện trò vang rân, các ông chăm chú nhìn điện thoại hoặc nói chuyện trong lúc ngồi ăn trưa trên băng đá công viên.

 

Rời công viên, chúng tôi qua Saint Cecilia Cathedral thăm viếng một thánh đường được ghi nhận là “National Landmark” vì sự huy hoàng , đẹp đẽ trong cách kiến trúc. Nhà thờ xây gần 50 năm mới xong (1905-1955) và đến 1980 thì được chọn là “National Landmark”. Vòm nhà thờ rất cao, trang hoàng thanh nhã, tỉ mỉ nhưng không rườm rà hình ảnh như Sistine chapel bên La Mã, ánh sáng dọi vào nội điện từ các cửa sổ kính hoa trên vòm cao và ánh sáng từ khu vực bàn thờ soi rõ con đường từ cửa đi vào, nền gạch hoa bóng loáng. Sau hai bức tường gian phòng chính, trổ ra những gian phòng phụ để làm riêng từng phòng nguyện nhỏ, những lối dẫn vào nhà nguyện cũng trang hoàng thật đẹp. Tôi đi quanh quẩn tha hồ chụp ảnh, vì giờ này không có lễ. Ánh sáng huyền ảo khắp nơi làm hình ảnh rất nhu hòa. Quay ra phía trước tôi chụp hình đàn organ vĩ đại chiếm nguyên cả balcony. Tầng phía dưới là cửa vòm chính và hai cửa sổ vòm hai bên có hai bình hoa lớn trang trí. Cả ba cửa ửng màu vàng và xanh trong ánh sáng âm u, màu sắc thật tương phản.

 


 

Trên đường qua Ashland, trời đang mưa nhưng tôi chụp được ảnh con gà Tây đi bộ. Sống nơi thành thị, khi thấy con gà tây thì nó đang bị đông lạnh hoặc ngồi chểm chệ trên bàn ăn, trang hoàng rực rở cho buổi tiệc Thanksgiving. Con gà này được đi dạo nhởn nhơ trên đám cỏ xanh, cái mào đỏ chói và bộ lông đen rất đẹp.

Đến Lincoln chúng tôi vào khách sạn, nghĩ ngơi vài giờ xong chúng tôi gọi nhau đi kiếm tiệm ăn.Tìm được một khu buôn bán nhỏ nhưng khá mới tên là “Saigon Plaza”. Khu vực này có chợ Việt Nam, có tiệm làm móng tay, bảo hiểm, và tiệm “Phở Factory”. Tiệm ăn rất đẹp, sạch sẽ, trang hoàng tân tiến và nghệ thuật, nhân viên thân thiện, dễ mến. Tôi gọi một phần bánh xèo, và trố mắt nhìn khi cái bánh xèo to bằng cái mâm được dọn ra trước mặt. Sau bữa ăn, nhân viên tiệm chỉ đường cho chúng tôi chạy qua thăm khu phố chính của Lincoln.

 


 

Đến đường K và 14th, chúng tôi ngừng xe bên lề của khu vực Nebraska State Capitol. Tòa dinh thự xây trên đồi thấp thoai thoải cỏ xanh mướt, đỉnh tháp có tượng hình người rải hạt bắp gọi là “the sower”. Hình nhân cao 19 bộ, tượng trưng cho nền nông nghiệp của Nebraska và cũng dùng làm cột thu lôi cho dinh thự này. Mặt tiền của State Capitol có pho tượng lớn của Abraham Lincoln. Bên kia đường, nhà thờ công giáo Saint Mary màu trắng, hai tháp đen vươn lên trên bầu trời hoàng hôn. Buổi chiều nơi đây êm ả, đường phố vắng vẻ, thỉnh thoảng có chiếc xe chạy hoặc vài bộ hành. Trước State Capitol có một chiếc xe cảnh sát đậu, thấy vậy chúng tôi yên tâm quanh quẩn chụp ảnh trong bóng chiều dù không hiểu tình hình khu vực như thế nào.

Hôm sau, chúng tôi đi xem” The sunken garden” vì chị em tôi ai cũng ưa trồng hoa cả. Bây giờ đang cuối mùa xuân, cây lá, hoa cỏ vẫn tươi tốt mặc dù khí hậu nóng nực và ẩm ướt. Tôi rất thích những đóa hoa súng (Victorian Lilies) trắng, vàng, hồng đỏ; tha hồ chụp cận những đóa hoa xinh tươi, các pho tượng và đài phun nước.

Trên đường đi về hướng Saint Louis, vì còn sớm nên chúng tôi ghé qua Indian Cave State Park rộng 3,052 mẫu đất. Công viên này thuộc hai tiểu bang Missouri và Nebraska, chia đôi bởi giòng sông Missouri. Điểm chính để viếng thăm là hang động cổ ngay giữa công viên. Xe chạy qua nhiều di tích lịch sử nho nhỏcủa làng St. Deroin, nay đã bỏ hoang, chỉ còn lại khu nghĩa trang nhỏ, vài dấu hiệu chỉ địa điểm đến phố cổ, vùi dập trong cây lá vì lụt lội phá hoàn toàn gần hết. Trời nóng và ẩm thấp, mây trắng bồng bềnh trên nền trời xanh biếc. Sau khi trèo khoảng 50 bậc thang lên xem động, chúng tôi bước ra bờ sông Missouri chụp ảnh giòng sông trong vắt phản chiếu cảnh vật tuyệt đẹp.

Sông Missouri và Indian Cave

 

Khi biết chúng tôi dự tính đi chơi miền Trung Tây nước Mỹ, nhiều người ngạc nhiên hỏi: Mấy vùng đó có gì để mà xem?!? Có vài lý do tại sao chúng tôi đi chơi miền này: tôi muốn nhìn những cánh đồng mênh mông, trang trại giữa cảnh bao la, trời xanh biếc có đầy mây trắng; những nhà nuôi ngựa và súc vật trên đồi cỏ; tôi muốn nhìn hoàng hôn và những đám mây vàng, cam, đỏ giăng giăng cuối chân trời. Tôi lại muốn nhìn thấy những thành phố nhỏ, không gian thanh bình như trăm năm xưa, tôi muốn nhìn những giòng sông lặng lờ trôi, đem nước nuôi dưỡng những cánh đồng vô tận. Thêm vào đó là các kiến trúc cổ, xây từ những năm đầu lập quốc và Saint Louis Gateway Arch nằm bên bờ sông Mississippi. Giòng sông chia biên giới cho hai tiểu bang Missouri và Illinois và đây cũng là những tiểu bang cuối cùng của nước Mỹ tôi cần thăm viếng để làm cho đầy cái “bucket list” của mình.

 

Trên đường đi Missouri, Tuấn muốn ghé thăm Topeka, thủ phủ của tiểu bang Kansas. Hôm nay là ngày lể Memorial nên State Capitol mở cửa cho thăm viếng. Nội điện lớn rộng huy hoàng, kiếm được thang máy, chúng tôi lên tầng cao nhất nhìn xuống, chóng mặt nhưng cũng ráng chụp vài tấm ảnh. Trong những tầng lầu khác có thượng viện tiểu bang, phòng thống đốc tiểu bang và nhiều văn phòng làm việc. Chung quanh các vách tường và hành lang, những bức tranh và các pho tượng chiếm nguyên từng bức tường lớn, cảnh dân, quân, xe, ngựa … thời lập quốc. Trên đỉnh tháp có pho tượng người chiến binh Kaw, thổ dân da đỏ, tay cầm cung nỏ hướng về phía sao Bắc đẩu theo câu châm ngôn “Ad astra per aspera”(To the stars through difficulty- hoặc nôm na là cố vượt mọi khó khăn để đến một phương trời cao rộng ? ). Kansas Capitol là tòa dinh thự có vòm cao hàng thứ hai trong 38 tòa Capitol trên nước Mỹ.

Chạy quanh quẩn trong phố một lúc, chúng tôi ghé lại Old Prairie Town thăm Ward-Mead Park Botanical Garden. Đây là một khu vực rộng 2.5 mẩu, gồm có các nhà xưa (1891) và căn biệt thự Ward-Meade được tu sửa và bảo tồn. Tôi đi quanh khu vực, xem các toa tàu lửa, xe ngựa, căn nhà nhỏ xíu làm trường học, nhà thờ. Trong tiệm bán thuốc Potwin Drugstore có bán nước ngọt và kem lạnh. Trên lầu là phòng mạch bác sĩ và nha sĩ…Mua kem và nước, chúng tôi ra sân, ngồi dưới bóng cây, ăn trưa trong khung cảnh tịch mịch. Tưởng tượng như mình đang hiện diện trong thế kỷ trước.


Trên đường về Saint Louis, ngang qua Kansas city chúng tôi chạy quanh xem thành phố. Phố cũng khá lớn và vui nhộn với nhiều bộ hành, vì chúng tôi đi ngang phố chính, gần đường 16th. Thành phố Kansas nằm giữa hai tiểu bang: Kansas và Missouri. Chúng tôi thuê phòng ngủ phía bên tiểu bang Kansas.

Tôi có người anh họ đang sống tại St. Charles. Anh Bảo và chị Tiên mời khi nào qua St. Louis thì đến nhà anh chị chơi. Nhân dịp qua đây, chúng tôi dành ra 3 ngày để đến thăm viếng thành phố St. Louis và ngụ tại căn nhà xinh xắn của anh chị tại St. Charles (hướng Tây Bắc, cách St. Louis 24 dặm). Anh chị có hai cô con gái, Kaitlyn đang học đại học Minnesota, Courtney đã ra trường nhưng sẽ đi qua Prague để học thêm trong một ngôi trường rất nổi tiếng về ngoại giao. Hai cô bé rất xinh và giỏi, tuy mới gặp chúng tôi lần đầu mà các cô đối xử rất thân tình. Những ngày ngụ tại nhà Bảo và Tiên, chúng tôi không muốn họ mất giờ làm việc nên đi chơi riêng. Anh Tuấn lái xe giỏi, còn tôi cũng làm hướng dẫn viên du lịch khá rành (vì đã du lịch nhiều và có thêm google map để tra cứu).

Ngày nào đi chơi về, chúng tôi cũng được ăn những buổi cơm tối thật ngon, các món ăn Ý mới lạ do Bảo nấu (Bảo nấu giỏi như một gourmet cook). Có một buổi chiều, chúng tôi cùng nhau đi ăn tại Fritanga, tiệm ăn Nicaraguan- Tôi đã đi Nicaragua mấy lần rồi nhưng khi ăn tại tiệm ăn này, tôi thấy thích hơn vì họ nấu rất ngon-nhất là vấn đề vệ sinh thì bảo đảm hơn là ăn uống tại ngoại quốc trong khi du lịch.

Tại St. Louis, chúng tôi có dịp đi chơi sở thú - miễn phí, chỉ phải trả tiền đậu xe- trời hôm ấy rất nóng bức, chúng tôi mua vé lên xe lửa, chạy vòng quanh thảo cầm viên, thăm mấy con chim hồng, penguin và polar bear rồi ra đi. Tìm được tiệm ăn Việt tên Mai Lee để ăn trưa. Thức ăn khá ngon, nhân viên phục vụ tốt, tiệm sạch sẽ nên đông thực khách.


 



 

Xế trưa, đi qua thăm St. Louis Arch, một địa danh nổi tiếng của St. Louis chúng ta thường thấy trong các quảng cáo du lịch hoặc postcard và cũng là một nơi chúng tôi muốn thấy từ lâu. Tìm được chổ đậu xe tại Laclede’s Landing, chúng tôi đi bộ xuống khu phố cổ, một di tích lịch sử bên bờ sông Mississipi, cạnh Gateway Arch. Sông Mississipi chia ranh giới cho hai tiểu bang Missouri và Illinois.

Từ Laclede’s Landing, chúng tôi đi qua Gateway Arch, vừa đi vừa chụp ảnh mấy cây cầu bắc qua giòng sông , ven sông có công ty du lịch chở khách đi ngắm cảnh bằng trực thăng.

Gateway cao 630 bộ, khó chụp ảnh khi đến quá gần nên chúng tôi đứng từ xa và phải dùng ống kính rộng để thâu ảnh. Công viên quanh Gateway rất lớn, cây cỏ xanh tươi. Dưới chân Gateway Arch có viện bảo tàng, thêm xe kéo chở lên đỉnh tháp nhưng vì mệt và nóng, tôi an phận nằm dài trên bãi cỏ, dưới hàng cây im mát, lim dim nhìn trời ngó đất, ngẫm lại cái thân phận nhỏ bé của mình, duyệt lại những giấc mơ rồi cảm thấy hân hoan sung sướng vì những giấc mộng nho nhỏ cưu mang trong đời mình được thành tựu, và cảm thấy hồn nhẹ tênh như đám mây trắng cô đọng trên đỉnh Gateway kia. Rồi như mây, tôi sẽ bay đi, tìm một nơi nào khác trên thế giới để thăm viếng tiếp.

Sáng hôm sau, trời xám xịt, mây đen vần vũ, khí hậu ẩm ướt và có mưa giông. Buổi sáng chúng tôi ở nhà, nghỉ ngơi, chuyện trò và xem Bảo nấu ăn. Tôi ôm cây tây ban cầm của Kaitlyn, ngồi bên cửa sổ dạo mấy khúc nhạc vừa mới sáng tác, nhìn vẫn vơ ra sân, nghe tiếng gió thổi lao xao qua cành cây ngọn cỏ, tạo thêm âm hưởng mới cho bản nhạc vốn đã buồn man mác của mình. Xế trưa, trời sáng hơn, những đám mây nặng trỉu đã rủ nhau bay về hướng mới, chúng tôi đi qua Old Town St. Charles ngắm cảnh. Main street market place khá lớn, du khách không nhiều có lẽ vì buổi trưa oi ả. Vòng xe ra phía bờ sông, chúng tôi vào thăm công viên Frontier cạnh bờ sông Missouri.

Công viên rộng 16 mẩu đất, có đường đi bộ, xe đạp dọc ven sông, có farmer market, và sân khấu trình diễn nhạc. Trong công viên có tượng của hai nhà thám hiểm Lewis, Clark và chú chó Seaman cao 15 bộ. Chung quanh tượng trồng hoa màu trắng và hồng. Có hai bà đầm dắt chó đi dạo trong công viên, họ có con chó giống hệt như bức tượng chó Seaman. Con chó nhảy vọt lên ngồi trên tảng đá dưới chân tượng, tôi vội vả chụp tấm ảnh ngộ nghỉnh vì hai con chó rất giống nhau.

Hôm sau từ giã gia đình Bảo, để về lại Chicago, trên đường chúng tôi đi ngang qua Springfield, thủ phủ tiểu bang Illinois. Thăm thành phố, chụp vài tấm ảnh tòa Capitol, các pho tượng, nhà thờ cổ rồi về lại Chicago trong một buổi chiều nắng vàng rực rỡ.



 

Tại khách sạn Four Points gần phi trường O’hare, bước vào phòng khánh tiết, tôi và Tuấn nhìn nhau. Tuy không nói nhưng cả hai đều buồn; nhớ lại những ngày hội họp bạn bè vui vẻ mới tuần trước nay đã xa vời vợi. Bạn bè thân yêu đã bay mất về phương trời của họ, không biết sau này có còn gặp lại nhau? Hôm tiệc hội ngộ, tôi hát một bài tựa đề là “Nha Trang Kỷ Niệm” tôi viết tặng cho Hải Quân khóa 19- Thiên Xứng II. Vì tất cả các anh và nhiều chị đã từng học và sống tại NhaTrang. Câu kết của bài hát là:” Thương Nha Trang, một chiều nắng hanh vàng. Hải Âu buồn gọi bạn thiết tha hơn”. Phải chăng chúng ta đều là những con chim hải âu gọi bạn, và tiếng gọi càng thiết tha hơn trong những năm gần cuối cuộc đời?

Thế là xong một chuyến du hành nữa; sau bao nhiêu năm trả nợ áo cơm, bây giờ tôi chỉ muốn thong dong đi chu du thiên hạ, tìm những gì mình chưa biết và chưa thấy để thỏa mãn giấc mộng hải hồ. Ngày mai, về lại California, hòa nhập vào đời sống bình thường, về lại với nghiệp văn chương,ngồi trước máy vi tính, gỏ gỏ trên bàn phím, kể lại chuyện mình. Hy vọng chia sẽ cho mọi người một niềm vui nho nhỏ nếu bạn chịu khó để tâm trí mình đi theo những dấu chân lang bạt của tôi, và nhìn vào những tấm hình trên để thưởng lãm vài sắc nét đặc thù của miền trung tây Mỹ quốc.

 

Tôn Nữ Thu NgaSan Dimas, California- July 18, 2018 

TRANG CHÍNH TRANG TRƯỚC