Sau khi tốt nghiệp trường Thánh Tâm năm 1972, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết, bạn bè tôi bắt đầu lìa nhau như từng viên đá cuội rớt vào lòng biển khơi. Còn lại quanh tôi là một nhóm nhỏ, luyến tiếc Nha Thành, đăng tên vào Đại Học Cộng Đồng Duyên Hải năm đầu tiên khi trường mới thành lập. Tôi có cảm nghĩ rằng, thầy cũng như trò, ai cũng có một vai trò sáng tạo và phát triển cho trường, xây đắp học trình như ghép nối những mảnh vụn vào nhau.

Tôi học ngành Pháp Văn cùng một số bạn cũ từ Thánh Tâm  hoặc từ trường Pháp. Tôi sống những ngày thật vui tại Nha Trang, không lo lắng, không buồn  rầu vì dù có con, tôi vẫn được đi học, đi chơi rất thoải mái. Tuy nhiên, những ngày vui mong manh ấy cũng qua thật nhanh, đó là ngày tôi phải đối diện với đời sống mới của một cô giáo mới ra trường.

Đầu năm 1975 tôi bắt đầu đi dạy học tại trường trung học Sông Cầu,  tỉnh Phú Yên,  cách thị xã Nha Trang 180km bằng Quốc Lộ 1. Thuở ấy, 180km là một khoảng đường xa vời vợi. Nhất là khi nơi mình rời xa là một vùng trời yêu thương, có đứa con gái nhỏ giao cho bà nội giữ, có cha mẹ anh em và bạn hữu, cùng họ hàng ruột thịt, người chồng đang công tác trên chiến hạm và phải xa rời vùng biển xanh lớn rộng ôm ấp bãi cát vàng lộng lẫy tuổi ngây thơ.

Cứ vài tuần, tôi lại về Nha Trang thăm nhà, lần nào đi ngang đèo Cả cũng sợ tái người, không phải sợ đèo cao nguy hiểm mà vì sợ việt cộng gài mìn. May thay, chuyến xe đò vẫn đưa tôi đi về bình an trong suốt mấy tháng đầu đời làm nghề dạy học.

Tôi sống vì lý tưởng mà hy sinh tất cả, bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình quá đổi dại khờ. An ủi rằng những sự khờ dại trong tuổi thanh xuân là những kinh nghiệm làm cho trí óc mình thêm khởi sắc, nhưng đôi lúc cũng cảm thấy buồn buồn.

Con gái nhỏ của tôi lúc ấy mới tròn một tuổi, có cô giữ trẻ săn sóc  dưới sự kiểm soát của bà nội hoặc bà ngoại, bé được chơi đùa với các cô, dì và cậu nhưng rất ít khi thấy mẹ, cho nên trong những năm tháng dài trong đời, tôi cứ trách mình vì ham chơi, ham học mà không biết thương con.

Tại Sông Cầu, tôi thuê một căn nhà gần chợ, ở chung với chị Bê và chị Hảo, hai cô giáo độc thân dạy chung trường. Đây là hai cô gái tuyệt vời và hiền thục. Các chị dạy cho tôi cách sống tự lập của một người đàn bà độc thân tại chổ: từ cách tắm giếng, cách nấu ăn, cách đối xử với các giáo sư cùng trường cũng như cách im lặng lắng nghe những thị phi trong thiên hạ, những lời châm biếm, và dòm ngó của những kẻ thiển cận trong thị xã.

Học trò rất mến tôi dù tôi chỉ dạy chúng trong một thời gian ngắn. Dưới mắt các em, tôi là cô giáo trẻ, tinh thần cởi mở, ý kiến tự do, đại diện cho một trào lưu mới. Các em hay đến chơi nhà tôi để hỏi bài vở và chuyện trò. Nhờ có chút kiến thức về y học truyền qua từ mẹ tôi, tôi săn sóc những bàn tay ghẻ lở, những vết nứt chảy máu bàn chân, những đôi mắt đỏ, tôi cho em viên thuốc cảm tôi mang theo  hoặc những viên kẹo ngọt hiếm hoi. Vì thế cho tới ngày tôi lìa bỏ Sông Cầu, chạy giặc về Nha Trang tôi vẫn có học trò cũ lặn lội kiếm tìm.

Buổi chiều Sông Cầu thật buồn, chợ chiều vắng lặng, những quầy hàng trống rỗng, trơ vơ các vách phên, gió thổi nhè nhẹ đong đưa các cọng rơm bên mái tranh lất phất. Nhìn qua con đê nhỏ, từng đoàn học trò đạp xe nối đuôi nhau về từ các làng xóm xa xôi. Đó là những em học sinh lớn, về lại thị trấn để ngủ qua đêm dưới sự bảo vệ của lính Cộng Hòa. Nếu ở tại làng mình vào ban đêm, việt cộng hay bắt các em lên rừng học tập ba bốn hôm mới thả. Cho nên vào buổi chiều, tôi hay ngồi trước hiên nhà, ngó qua bờ đê, mong chờ bóng dáng các em đạp xe xuống phố như một đàn chim quay về tổ ấm.

Buổi chiều là khoảng thời gian tôi hay buồn chảy nước mắt: Tai nghe tiếng bầy chim sáo kêu ríu rít trên tàn lá dừa sau vườn, trong tiếng gió thổi, tiếng chim não nùng; dưới ánh đèn dầu leo lét, tôi ngồi âm thầm soạn bài, âm thầm viết những lá thư đầy thương nhớ và nhỏ những giọt lệ xót xa.

Cuối tháng 3, 1975. Tình hình càng ngày càng biến động, chị Bê và chị Hảo bàn tính chạy giặc, vì các chị ở Sài Gòn nên không mang theo nhiều hành lý. Hai cô phải  lặng lẽ ra đi để tránh những đôi mắt tò mò có thể tạo nên nhiều bất trắc trong chuyến di tản. Gia đình tôi ở Nha Trang ai cũng mong ngóng tôi về.

Ông ngoại tôi mãn phần sau một thời gian bị bệnh vào cuối tháng 3, tôi xin phép ông hiệu trưởng về nhà thọ tang, thế là tôi danh chánh ngôn thuận ra đi. Biết rằng khi ra đi tôi sẽ không bao giờ trở lại.

 

Đám tang ông ngoại xong, tôi về ở lại với gia đình chồng đường Duy Tân, Căn biệt thự có khoảng sân rộng mênh mông, trồng nhiều dừa và mấy cây me khổng lồ. Cô Mai, em chồng tôi rất giỏi leo trèo, cô trèo lên cây me, rung cành cho những trái me chín rơi đầy xuống gốc, bọn trẻ thi nhau lượm cả rổ me đầy.

Trong khu biệt thự này, chúng tôi đã trãi qua một tình yêu nồng nàn và thơ mộng bên cát vàng, sóng xanh; trong bình minh cùng đi tắm biển hoặc hoàng hôn ngồi bên nhau trên bãi cát, uống nước dừa, nghe sóng biển và ngắm nhìn những ánh đèn ngư phủ nhấp nháy bờ xa… và không bao giờ có ý tưởng là sẽ rời bỏ nó.

Nhiệm sở mới của Tuấn là Chiến Hạm HQ14, thế nhưng anh được đưa về lại Nha Trang một thời gian ngắn để tu nghiệp ngành chuyên môn. Tình hình đất nước càng ngày càng nghiêm trọng, anh rất lo lắng, khi tôi về lại được Nha Trang thì anh yên tâm đôi chút nhưng gia đình ba mẹ anh lại được lệnh phải di tản của tòa Lãnh Sự Mỹ để vào Sài Gòn. Anh muốn tôi đem con gái đi theo cha mẹ anh, nhưng tôi và con tôi không có tên trong danh sách nên không được tháp tùng. Sáng hôm sau, khi gửi vợ con lên phi trường, ba anh nói với ông xếp Mỹ là nếu con dâu và cháu nội tôi không đi được thì ông cũng không đi. Ông xếp không muốn ba ở lại nên lật đật làm giấy cho mẹ con tôi đi theo ngày hôm sau.

Tâm trạng tôi lúc ấy như tơ vò, không biết gì nữa cả. Gia đình tôi còn ở lại, ba ruột tôi là một công chức; lúc này ông thường dấu kín cảm nghĩ và thôi không phát biểu nhiều ý kiến nữa, chắc ông đang suy nghĩ nhiều về hiện tình đất nước cũng như sự an toàn cho gia đình và bản thân của mình. Trước khi ra đi một ngày, hai ông nội, ngoại gặp nhau tại nhà ngoại ở Lê Đại Hành, hai ông nói chuyện rất lâu, tôi không biết hai ông đã nói những gì nhưng cuối cùng thấy tôi đến gần, ba tôi nói lớn:” Tuy nó là con tôi nhưng bây giờ đã là dâu của ông, được ông bảo bọc cho mẹ con nó thì tôi rất yên lòng,”

Đó là câu nói cuối cùng của ba tôi mà tôi còn nhớ. Vì khi tôi chào ba để ra đi thì tôi không nghe ông nói câu nào nữa mà chỉ lẵng lặng quay đi.

Đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ba tôi.

Anh Tuấn bảo : Em phải đưa con theo ba mẹ để anh rảnh tay đối phó với công việc và lo cho gia đình, nếu em ở lại, anh sẽ vướng bận nhiều mà không giúp chi được cho gia đình em cả.

Nghe như vậy, tôi cắn răng bồng con theo Nội. Những ngày cuồng điên trước đó, mỗi lúc chiều về, bầu trời Nha Trang mây như màu lửa, gió mạnh điên cuồng làm rớt những tàn dừa đầy sân. Tôi cũng cuồng điên chạy xe từ Duy Tân qua Lê Đại Hành, chạy qua chạy lại mãi, trái tim đau nhức, lòng dạ ủ ê, mà cho đến bây giờ tôi cũng chưa nhớ ra là tại sao mình làm như vậy!

Vào Sài Gòn, tạm trú tại nhà anh chị Toàn, bạn thân của người em rễ trên đường Phan Thanh Giản. Đại gia đình trải chiếu ngủ ngoài phòng khách. Tôi cũng trôi lơ mơ trong dòng đời mới; ba ngày sau nghe tin Nha Trang mất, tôi cảm thấy như đất trời sụp đổ, ngồi ôm con khóc sưng mặt mũi vì tôi biết rằng tôi đã mất hết tất cả những người tôi rất mực thương yêu. Có một điều an ủi là tôi được anh Hà Tĩnh, thư ký tòa soạn báo Tuổi Hoa ghé đến thăm, anh mang đến cho bé Nai một hộp bánh lớn. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối tôi đươc gặp anh.

Sau cuộc vượt thoát rất khó khăn từ Cầu Đá, chồng tôi đưa được anh Thanh ( anh cả) và người bạn là chị Ann lên chiếc thương thuyền quen để về lại Sai Gòn. Thành phố Sài Gòn lúc ấy đã bị ngăn cấm nhập cư nhưng nhờ may mắn, các anh chị được một tài xế xe tải giúp ba người vô được trung tâm thành phố.

Anh Tuấn về bộ tư lệnh Hải Quân trình diện và trở lại nhiệm sở là chiến hạm HQ14, chiếc tàu anh biệt phái ra miền trung, bảo vệ miền duyên hải Phan Rang, Phan Thiết. Sau đó tàu HQ14 và HQ17 được phái ra bảo vệ quần đảo Trường Sa và các quân nhân đang đóng trên đảo. Đến ngày 28 tháng 4, hai chiến hạm được lệnh đón bộ binh về Vũng Tàu. Ngày 30 tháng 4, tàu anh hải hành ra Côn Sơn rồi cùng hạm đội, chở người di tản qua Philippines. Tôi hoàn toàn không biết công việc anh làm hay nghe tin tức của anh từ cuối tháng 3 cho tới ngày gặp lại nhau bất ngờ trong Camp Pendleton.

Ngày 26 tháng 4, 1975  sau khi đợi chờ qua đêm tại Tân Sơn Nhất, gia đình ông bà nội và tôi được lên máy bay. Tôi đi theo mọi người như cái xác không hồn với đứa con thơ trên tay và hai đô la trong túi. Tôi không biết mình sẽ đi đâu, sẽ làm gì nhưng trong tim tôi, tôi biết một điều và luôn luôn nhớ một điều là: Từ nay, tôi phải quên đi tất cả những mất mác đau thương, dù mai sau sống ở nơi nào, tôi phải tự túc, tự cường để dựng xây một tương lai mới cho đứa con bé nhỏ của tôi và Tuấn.

Sau 42 năm sống trên đất Mỹ, anh chị em tôi cũng đã qua sống gần tôi. Các cụ thân sinh bây giờ không còn ai nữa, thế nhưng vào những ngày Giổ , Tết; chúng tôi luôn luôn tìm về bên nhau, gặp nhau để cười, để khóc, để cảm tạ những mối yêu thương và hồng ân nhận lãnh trong đời.

Tôn Nữ Thu Nga

San Dimas, California (April 13, 2017)

 

TRANG CHÍNH TRANG TRƯỚC