Tôn Nữ Thu Nga

Buổi sáng, tiếng động cơ cần trục đang xây dựng nhà cửa thức tôi dậy. Nắng đã chan hòa trên thành phố. Thời tiết ở đây gợi nhớ Sài Gòn, một buổi sáng nhiệt đới năm xưa, tôi cũng thức giấc với những tiếng động tương tự lẫn với tiếng còi xe inh ỏi trên con đường Lê Thánh Tôn. Thế nhưng Buenos Aires không nhiều xe gắn máy, phần lớn là ô tô và họ chạy thong thả trong các đường phố rợp bóng cây xanh. Không ai bấm còi để phá vỡ sự yên tĩnh của không  gian êm đềm. Bây giờ đang mùa hạ, nhiệt độ không tệ lắm vào buổi sáng, trời trong xanh lờ lững vài cụm mây trắng mỏng, trôi thật nhanh theo cơn gió hiu hiu. Độ ẩm khá cao làm tôi đổ mồ hôi - những hạt mồ hôi hiếm hoi- ngày còn tại Cali, tôi phải tập thể dục cả giờ hoặc đạp xe mấy chục dặm mới có được

Kiến trúc mới của Buenos Aires

Hôm qua, vừa xuống khỏi máy bay, tôi cũng đã được hưởng cái khí hậu ẩm ướt và oi ả, những cảm giác tôi ít khi nhớ đến. Chỗ ngồi mới của tôi trên lan can lầu bốn, căn nhà nho nhỏ tại Palermo, thành phố Buenos Aires, bên ngọn cây du. Cành lá cây du xanh tươi, run nhè nhẹ, xao xác êm êm dưới chân các chú chim sẻ. Nắng vàng lung linh xuyên qua cành cây xanh, tự dưng lòng man mác, thật sự không hiểu được mình đang buồn hay vui.

 

Thành phố có rất nhiều cây, trên lề đường, những đốm nắng rọi qua cành lá; như “vạt nắng bên thềm”. Không ít nam nhân dựa tường phì phèo điếu thuốc, nhìn người đẹp đi nhanh như gió, vui vẻ cười nói líu lo bằng tiếng Tây Ban Nha với nhau. Dù ít hiểu tiếng Anh, họ rất thân thiện và luôn luôn cố gắng đàm thoại với bạn khi được hỏi thăm. Vì thế dù chỉ biết nói lõm bõm các danh từ phổ thông, tôi vẫn được nhiều người khen và rất vui vẻ giúp tôi học thêm từ ngữ mới.

Mấy hôm nay hưởng lại khí hậu nóng, trái lại với mấy ngày lạnh lẽo lúc tôi rời Los Angeles. Qua ngày thứ ba trời bỗng đổ mưa, sấm chớp đì đùng, gió mưa dữ dằn như những cơn bão nhiệt đới ngày xưa. Tôi nằm quấn chăn, nghe cây du vẫy vùng gào khóc, nghe tiếng sấm như tiếng đại bác thâu đêm và các tia chớp như hỏa châu bùng cháy. Đêm ấy, giấc ngủ tôi triền miên ác mộng, những lần thức giấc cố nhớ nơi mình đang ở, nhưng rồi lại thiếp đi trong tiếng mưa rơi. Sáng dậy, nắng lại chan hòa, lá cây du xanh hơn và long lanh giọt mưa, đàn chim sẻ mập nhảy sột soạt làm rơinhững  giọt mưa trên đầu bộ hành hoặc lộp bộp trên cánh dù rộng mở. Khí hậu chợt mát như những ngày hè đã chào tạm biệt vì mùa thu vừa mới đến. Các chuyến mạo hiểm của chúng tôi cũng dễ chịu hơn và đường sá cũng sạch sẽ, bớt bụi bậm.

Góc Phố
 

Nơi chúng tôi trú ngụ là căn nhà của Carlo thuở anh còn độc thân. Anh có một bộ ghế bành cũ bằng da, rất êm ái. Lúc rảnh rỗi hoặc khi đi chơi rong về, hai đứa tôi duỗi dài trong lòng ghế, uống một ly đá lạnh, lim dim nhìn tượng ông Phúc đứng giữa bàn hoặc mông lung nhìn ra ngoài lan can. Cây du vươn những cành lá xanh, long lanh giọt nắng, thỉnh thoảng giao động dưới sức nặng củalũ chim sẻ, chuyền cành và líu lo nói chuyện với nhau. Không biết chim có ngôn ngữ không? Chúng nói tiếng Tây Ban Nha như dân địa phương hay vì bay từ nơi này qua chỗ nọ nên chúng dùng Esperanto? Theo ý của Carlo thì mọi người và cầm thú ở đây đều nói tiếng Argentinien. Carlo rất tự hào và yêu thương quê hương của mình. Anh cũng thích Á Châu vì anh có làm việc bên Tàu và Nhật mấy năm, nhờ thế anh bưng được cô Ngọc Anh về làm vợ và dắt díu nhau về sống tại Buenos Aires.

Argentine Tango

Ngọc Anh có một studio dạy các môn thể dục, khiêu vũ, múa cột, múa lụa. Mỗi lần xem cô biểu diễn, cứ như là đi xem hát xiếc. Có nhiều đêm sau khi đi chơi và ăn tối về, chúng tôi xuống phòng tập học nhảy Tango Argentina. Tôi không được “sáng dạ” lắm trong nghệ thuật khiêu vũ nên không nhớ bước phải, bước trái, bước xéo, bước ngang chi cả, cứ bị thầy bắt tập đi tập lại hoài. Carlo tập cho chúng tôi nghe tiếng nhạc, phải để hết tâm hồn vào tiếng nhạc, và anh bảo rằng: tango là những bước chân không bao giờdứt ?!?, nếu không có đủ chỗ trống trên sàn nhảy, người ta chỉ cần ôm nhau mà nhúc nhích những bước nho nhỏ cũng được. Vì chưa thấm được cái tư tưởng cao siêu  đó, tôi chép miệng than thầm: Nếu biết điều này thì thôi tôi ở lại nhà, ôm ông xã mà nhảy “ xì lô mông cổ” cho khỏi phải nhọc công bay ngàn dặm xuống Argentina.

Vũ trường Milonga
 

Thế nhưng sau năm ngày chơi, ngủ, tập nhảy đầm tôi cũng vượt qua nỗi thống khổ của người vốn có “hai chân trái”. Carlo và Ngọc Anh an ủi tôi mãi mỗi khi tôi đi những bước sai lầm và hôm cuối cùng thì họ dẫn chúng tôi đi ra phòng trà ca nhạc để tập nhảy. Hôm ấy, chúng tôi phải mặc quần áo đẹp, đến nhà Carlos và Ngọc Anh ăn thịt nướng do chính tay chủ nhân làm, trước khi đi.
 
Milonga là tên gọi của một dạ hội hay vũ trường chuyên chơi loại nhạc khiêu vũ  Tango. Vũ trường rộng, khách đến thật đông, sàn nhảy ở giữa, chung quanh là bàn ghế. Có nhiều người độc thân đến đây mời nhau nhảy. Họ có những ám hiệu thông thường để mời mặc dù ngồi rất xa nhau. Phần đông là khách lớn tuổi, đàn ôngăn mặc đàng hoàng sạch sẽ, các bà thì diêm dúa hơn và ai cũng mang giày gót cao nhọn hoắc. Những đôi giày ấy làm tôi rất sợ, cứ tưởng tượng bị người ta giẫm lên chân, thế nhưng sau buổi khiêu vũ, tôi thoát nạn, không bị ai giẫm nát chân mình cả. Có nhiều lần chúng tôi bị vài mụ già đanh đá la vì cản đường đi của họ. Ngọc Anh bảo đó là mấy mụ du khách, nhảy không rành, không biết tránh kẻ khác; người dân Argentina rất chiêu đãi, nếu thấy mình mới tập nhảy lúc nào họ cũng khuyến khích chứ không sừng sộ như mấy người du khách nọ. Sàn nhảy rất đông người, tôi vừa đi theo nhạc vừa dòm chừng Ngọc Anh và Carlo, không nghe quở trách gì cả mà lại được khuyến khích ra sàn nhảy mãi nên tôi cũng hơi yên chí khi bước tầm bậy tầm bạ. Thường thì ban nhạc chơi năm bản nhạc, khách phải khiêu vũ hết năm bản mới về lại ghế. Đôi khi thấy quá đông người, chúng tôi chỉ đi vài ba bản rồi bỏ cuộc chạy về bàn ngồi xoa đầu gối. Sau nửa đêm, chúng tôi thuê taxi về nhà, rón rén, nhẹ nhàng về phòng sợ làm ồn láng giềng, ai ngờ láng giềng đang có tiệc khuya, mùi bánh nướng trong lò thơm cả hành lang.

 
Những ngày Buenos Aires của chúng tôi thật vui, tôi cảm thấy căn hộ độc thân của Carlo từ từ biến thành tổ ấm của mình. Chúng tôi như những con chim sẻ, chọn cây du làm tổ ấm của chúng. Ngồi trên lan can lầu bốn, bên ngọn cây du, tôi nghe đời trôi nhẹ nhàng như đám mây trắng lơ lửng trong bầu trời xanh thẳm của Buenos Aires.

 
 
Buenos Aires- Những nhịp đập của trái tim
 
Buổi sáng sau cơn mưa, trời đất, cây cỏ, đường xá, xe cộ đều sạch sẽ. Quang cảnh trong suốt như có bàn tay ai lau hộ tấm cửa kính bụi bặm cho tôi được nhìn ra ngoài. Trên lan can lầu bốn, dưới cành lá cây du còn rơi rớt vài giọt nước, tôi thấy các mái ngói đỏ hơn, mái tôn sáng chói hơn, trời xanh hơn, mây trắng hơn, con đường phố đen hơn và dường như  tim mình cũng đập nhanh hơn một chút, rạo rực hơn một chút vì có thêm luồng sinh khí mới.

 

Rủ nhau đi xuống đường, hai đứa mang ba lô, đội mũ, nắm tay nhau nhởn nhơ trong buổi sáng đầu thu. Mỗi lần đến một vùng đất lạ, cùng nhau du hành để khám phá các khung cảnh mới, chúng tôi nắm tay nhau cùng đi. Dù chỉ có vài phút nhưng dường như đó là tín hiệu của chúng tôi, thông báo cho nhau biết là trong những  giây phút tới, chúng ta có nhau, cùng đi với nhau và bảo vệ nhau dù đường có nhọc nhằn, chông gai, chúng ta sẽ cùng nhau cam chịu. Lần này, chuyến du hành của chúng tôi bắt đầu bằng một cách giản dị là leo lên taxi để ra vườn Bách Thảo của thành phố Buenos Aires!
 
Libertador là một trong những con đường chính của Buenos Aires. Hai bên đường các tiệm hàng hóa, dược phòng, điện thoại, chạp phô, thịt cá, trái cây, lớn nhỏ nối tiếp. Một đoạn đường khác có toàn tiệm bán xe ô tô, bàn ghế, tửu quán, chen lẫn các khu chung cư sang trọng. Trên đường chúng tôi thấy nhiều công viên có hồ nước, vườn chơi trẻ em, và tượng đá mỹ thuật. Mỗi hướng  đại lộ có tới 5 đường xe chạy. Thành phố trang điểm toàn hoa màu hồng tím gọi là Silk Floss Tree (Ceiba Speciosa), trái của hoa từa tựa trái gòn, khi trái khô, nổ tung ra nắm bông trắng muốt như tơ.


Đài kỷ niệm trong vườn Bách Thảo Buenos Aires

Trong vườn bách thảo, mùa này chỉ có mấy cụm hoa ” Chim thiên đường” và cây hoa lụa hồng nói trên. Nhà kính trồng và ươm hoa quý  không mở cửa, có lẽ thiếu ngân sách vì không thấy ai thâu tiền vào cửa. Vườn rộng, cây cao lá rậm, cỏ mướt; các pho tượng xám mô tả diễn biến lịch sử hoặc tôn vinh anh hùng nằm rải rác theo lối đi. Một người đàn bà chạy bộ thấy tôi ngồi nghỉ mệt; bà dừng lại chuyện trò vui vẻ bằng tiếng Anh lẫn tiếng Tây Ban Nha. Sau mười phút bà ta bảo nếu chúng tôi muốn đi băng qua công viên thì nên đi với bà cho được an toàn, nhất là khi bà thấy chúng tôi đang dùng những chiếc máy ảnh tốt. Chúng tôi cùng nhau đi trên con đường vắng vẻ băng ngang công viên. Tôi nhìn quanh, không thấy có gì đáng ngại, thỉnh thoảng có vài người ngồi trên băng đá công viên nghỉ ngơi, đọc sách báo, ngước nhìn chúng tôi hoặc vài cặp tình nhân ngồi ôm hôn nhau thắm thiết trong bóng mát..


Chân dung Juan và Eva Peron

Ra khỏi công viên, chúng tôi muốn đi thăm Viện Bảo Tàng Evita. Không có bản đồ thành phố, dù biết rằng Bảo Tàng Viện rất gần, hỏi các bộ hành thì không ai biết cả. Chợt tôi thấy một người đàn ông đeo máy ảnh, ngồi mé bên lề đường đang nhìn vào tấm bản đồ trên tay. Tôi tiến lại, hỏi rất lễ phép rằng ông có biết nói tiếng Anh không? May cho tôi, ông này người Ba Tây, biết nói tiếng Anh và cũng đang đi du lịch. Ông cho tôi mượn bản đồ và hỏi tôi muốn đi đâu? Tôi cho ông biết là mình muốn tới Bảo Tàng Viện Evita thì ông nói rằng ông cũng thích tới đó. Chúng tôi cùng ông đi, chỉ 5 phút là đến nơi. Tôi chụp vài tấm ảnh ngoài cổng, ông bạn đồng hành mới thấy chụp ảnh ngoài sân nay biến đâu mất. Chúng tôi mua vé, chỉ 40 Argentina Pesos, tương đương 3 US dollars. Không ai được phép chụp ảnh trong các phòng trưng bày quý vật nên tôi đi quanh, ngắm nhìn các hình ảnh, y trang của bà Evita trưng bày trong lồng kiếng, xem một phim ngắn về cuộc đời sôi nổi của bà và cái chết của bà vào tuổi 32. Bà đi vào lịch sử vì bà tranh đấu mạnh mẽ cho tầng lớp lao động, nữ quyền và y tế. (*1)

Khu nhà bếp của Eva Peron
Tiệm ăn trong Bảo Tàng Viện được khen ngợi trên trang mạng du lịch nên chúng tôi ghé vào đây ăn trưa. Đúng theo quảng cáo, chúng tôi có bữa ăn trưa tuyệt vời theo ý muốn. Chúng tôi ăn uống chậm rãi theo truyền thống Nam Mỹ. Sau khi ăn món chính , với đồ ngọt và tách cà phê cappuccino đậm đà, tôi cảm thấy vui vẻ lắm; ông xã tôi cũng không than phiền vì ngồi lâu như thường lệ. Buenos Aires – Không khí tốt lành- làm hồn mình bay nhẹ thênh thang.

 

  

                  Nghĩa trang Recoleta và nơi an nghỉ của Eva Peron                                                

 
Lấy taxi đi thăm nghĩa trang Recoleta, một trong những  địa điểm nổi tiếng vì đây cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của bà Evita Peron và nhiều danh nhân khác. Tuy nhiên ai đi đến đây cũng chỉ vì muốn viếng mộ bà Evita. Lúc nào trước mộ cũng có nhiều hoa và đông người sắp hàng chờ chụp ảnh kỷ niệm. Ham chụp ảnh, chúng tôi đi mỗi người một ngả, lang thang giữa những ngôi mộ lớn, kiểu Baroque – kiến trúc hoa mỹ thế kỷ thứ 17, kiểu Neo Gothic hoặc Victorian– kiến trúc bắt đầu sau 1740 tại Anh Quốc, Art Deco và Art Nouveau – là kiểu kiến trúc sau 1900. Các loại đá và đồ trang trí trên mộ được nhập cảng từ các danh trấn xa xôi bên Âu Châu như Paris hoặc Milan. Có nhiều ngôi mộ được bảo tồn kỹ lưỡng, có ngôi tàn tạ đổ nát, ổ khóa rỉ sét như trăm năm chưa mở một lần nào. Qua một ngôi mộ có hai cánh cửa sắt gió đẩy lung lay kẽo kẹt, tôi nhìn vào thấy hai cái hòm nhỏ xíu kề bên nhau, nhện giăng bụi bám thật thê lương, tôi rùng mình nhanh bước chạy ra đường chính. Sau lưng tôi, tiếng nhạc trầm bổng ngân lên từ căn nhà nguyện cũng không giúp giải thoát được trí óc và trái tim nặng nề tê tái của mình. Tự dưng tai tôi nghe tiếng máy ảnh bấm lách tách phía sau. Tôi dừng chân từ từ quay lại, bụng yên tâm vì nghĩ rằng ma không có máy ảnh để bấm thì thấy cái mặt dễ ghét của ông xã, đang cười khúc khích, len lén chụp ảnh trộm từ phía sau lưng.

Nghĩa trang Recoleta
 

Năm giờ chiều, chúng tôi lên Taxi về nhà Ngọc Anh. Biết chúng tôi đi chơi một mình Ngọc Anh tròn mắt: Răng mà dạn rứa? Nơi đây đất lạ quê người mà không sợ hả? Cô hơi thất vọng một chút vì chúng tôi không rủ cô đi chung , ở xứ này 4 năm mà cô chưa có dịp thăm nghĩa trang Recoleta. Carlo thì mỉm cười: ”Mấy chỗ đó không có tui đâu, ai khùng mới tới nghĩa trang chơi, đi bộ trong đó chắc cũng chết luôn!” Dù mệt bá thở nhưng muốn lòe anh ta, tôi bĩu môi: “Dễ òm, chỗ đó chỉ rộng 14 mẫu chứ mấy, đi có chút xíu là hết”. Tối hôm ấy sau khi đi ăn về, chúng tôi lại xuống studio học nhảy Tango Argentina với Ngọc Anh; tôi muốn thử trèo lên hai tấm lụa máng từ trần nhà như mấy tài tử trong nhóm Cirque du Soleil nhưng không cách chi mà treo mình lên được cả!
 
Trước khi về lại Palermo, chúng tôi hứa với Ngọc Anh là từ nay sẽ chỉ du hành với hai vợ chồng cô thôi vì cô đã dàn xếp chương trình làm việc của cô để dẫn chúng tôi đi chơi. Hẹn ngày mai gặp nhau, chúng tôi lên taxi, tài xế là anh chàng trẻ tuổi, vừa lái xe vừa hát múa, xe chạy nhanh như gió qua các con đường khuya của Buenos Aires. Chẳng mấy chốc chúng tôi tới nhà, thở phào, tim đập bình thường lại vì biết rằng mình chưa bị bắt cóc bởi tên tài xế taxi, tôi nhìn anh tài xế mỉm cười:” Muy rapido!” Anh ta cũng cười nhe hàm răng trắng nõn:” Rapido y furioso!”  - Fast and furious- Ôi tuổi trẻ, sao tìm lại được?
 
Buenos  Aires - Đất lành chim đậu
 
Ngày chúng tôi đến thăm nhà Carlos, điện trên đường này bị hư, chuông  gọi không vang, tôi đành kêu tên anh ta thật lớn từ dưới đường phố. Ngày xưa ở Việt Nam tôi cũng gọi bạn thế này. Nghe tiếng gọi, Ngọc Anh nhanh nhẩu chạy xuống lầu đón khách, trong nhà tối om nên tôi lấy đèn pin trong túi xách, soi đường. Hai vợ chồng tôi lò mò theo tiếng nhắc nhở của Ngọc Anh, bước từng bậc cấp để leo lên lầu.

Một bức tường ngã tư đường Arevalos
 

Nơi Carlo và Ngọc Anh ở, kiểu nhà giống như Sài Gòn nhưng thuộc vùng Palermo Hollywood. Vị trí nhà là góc ngã tư, mặt tiền ba căn, hai căn cho thuê , một căn dùng làm phòng dạy thể dục thẩm mỹ và khiêu vũ của Ngọc Anh. Giữa hai gian nhà, có cánh cửa sắt, bước lên cầu thang xi măng là tổ ấm của hai người. Diện tích căn hộ này bằng ba căn dưới cộng lại. Nhà trang hoàng kiểu Á Đông với bàn ghế , tủ chạm trổ công phu nhưng mọi thứ khác đều theo kiểu tây phương.
 
Chúng tôi ra sân thượng trong bóng tối nhạt nhòa, Carlo ngồi trên ghế nhâm nhi ly rượu vang, anh mừng vui chạy tới chào hỏi rối rít, gọi vợ lấy ly rót rượu mời. Tôi học được chữ “Salute” và tôi đã nói đi nói lại chữ ấy rất nhiều lần tại Buenos Aires, chỉ vì mỗi lần đi ăn chúng tôi đều uống rượu vang với nhau và mỗi bữa ăn kéo dài cả vài giờ và Carlo “salute” ba, bốn lần.
 
Tôi thích nhất là khu sân thượng. Từ trong bếp nhìn ra, sân thật rộng, mái nhà bếp treo mấy cái phong linh và vài chậu hoa trường sinh, mỗi  lần bước ra vào, đầu tôi hay đụng mấy cái phong linh kêu lanh canh. Trong sân bày một cái bàn lớn, sáu ghế để ăn cơm tối ngoài trời vào mùa ấm áp, thêm mấy ghế dài có gối êm và lò thịt nướng kê một bên góc.
 
Carlos rất thích ngồi trên sân thượng mỗi buổi chiều, khi uống cà phê, khi uống rượu vang. Chiều nay, chúng tôi cũng ngồi trên chiếc ghế bành êm, bên tách cà phê thơm ngọt, nghe Carlos rỉ rả kể về đời sống, về ngành y tế, chính trị, kinh tế … của Argentina.. Tôi nhìn xuống con đường trước nhà, bên kia đường là tiệm ăn, dưới tàng cây xanh; cái bàn dài trải tấm khăn màu trắng và đỏ. Bà cụ già ngồi trên ghế, mấy đứa cháu nhỏ vây quanh, chúng vỗ tay hát mừng sinh nhật bà cụ. Bà cười rạng rỡ vui tươi bên đàn con cháu. Tôi lấy máy điện thoại cầm tay, bấm mấy tấm, ghi lại hình ảnh đầm ấm ấy. 


Sinh nhật

Con đường Arevalos cây cao lá rậm nên sân lúc nào cũng mát, chỉ có một nỗi khổ là nếu ngồi ngoài trời lâu hay bị muỗi đến thăm.Từ hôm đến đây, trước khi ra khỏi nhà là chúng tôi bôi kem chống nắng, xịt thuốc chống muỗi và trong túi máy ảnh của tôi, lúc nào cũng có thuốc trị ngứa nhỡ có bị muỗi chích. Sau một tuần, tôi chỉ bị chích có hai lần, không bằng năm xưa đi chơi Florida, chưa có kinh nghiệm, bị đến năm mươi lần muỗi chích.
Hằng ngày, Ngọc Anh dạy thể dục thẩm mỹ và khiêu vũ riêng từng học viên. Có chúng tôi qua chơi, cô sắp đặt chương trình dạy học, sau 12 giờ trưa, cô không dạy nữa, để hai vợ chồng cô dẫn chúng tôi đi ăn và đi chơi. Thường thì chúng tôi gọi taxi từ Palermo chạy qua nhà Carlo bên Palermo Holywood. Giá mỗi chuyến chừng bảy tới mười dollars Mỹ, tùy theo ngày và giờ, cũng còn tùy theo xe cũ hay mới, có máy lạnh hay không. Có khi gặp tên tài xế ăn gian chút xíu, chạy vòng vèo trong các con đường nhỏ; nếu trả tiền dưới mươi đô là được rồi, miễn là họ lái xe an toàn.
Thật là vui khi đến vùng đất lạ, tôi khám phá một đời sống mới, khác với cuộc đời vốn quen thuộc của mình. Ngọc Anh cũng vậy, cô theo Carlo về vùng đất mới, học một ngôn ngữ mới, làm một nghề mới, cô rất vui và hãnh diện với những thành công mới của cô.
 
Carlo là người hạnh phúc nhất theo tôi nghĩ. Qua bề mặt, tôi thấy anh cả ngày chỉ ăn, ngủ và… đếm tiền. Cuộc đời của người về hưu sướng như vậy đó sau những năm dài biết chí thú làm ăn và dành dụm. Carlo có mấy chục bộ quần áo toàn là màu đen, muốn biết anh ta có thay áo quần hàng ngày hay chăng thì nhìn các kiểu cổ áo, mỗi ngày một kiểu khác nhau, ngoài ra thì đen ngòm. Anh cũng là một vũ sư có hạng. Dù lớn tuổi, anh vẫn còn nhấc bổng cô Ngọc Anh, xoay tròn tròn trong không gian khi biểu diễn khiêu vũ.
 
Ngày thứ hai tại Buenos Aires, chúng tôi đi chơi ở La Boca. Đây là một địa danh tôi thích thăm viếng vì đã tìm hiểu nhiều qua mạng lưới thông tin. La Boca có nghĩa là một khu xóm nằm tại cửa sông Matanza-Riachuelo vùng đông nam của Buenos Aires. Vùng này còn lưu tồn ảnh hưởng Âu Châu vì có nhóm di dân đầu tiên đến từ thành phố Genoa, Ý Quốc. La Boca còn là một khu vực hấp dẫn cho du khách vì nhà cửa màu sắc rực rỡ và các tiệm bán đồ lưu niệm trên con đường đi bộ El Caminito. Nơi có những vũ công Tango biểu diễn ngoài đường phố hoặc trên sân khấu nhỏ của các tiệm ăn dọc hai bên đường. Chỉ khoảng 200m tôi thấy gần 5 cặp đang biểu diễn Tango. Hai cặp đứng tại góc đường có phụ tùng trang sức cho du khách để chụp hình kỷ niệm với giá 5 dollars mỗi người. Những cặp khác chỉ biểu diễn trên sân khấu của tiệm ăn cho thực khách thưởng lãm.

Tại góc đường, Ngọc Anh không thèm hỏi ý kiến chúng tôi, cô lăng xăng trả tiền cho một cặp vũ sư rồi buộc chúng tôi đội mũ, quấn khăn màu mè ra chụp ảnh. Xưa nay chúng tôi chưa bao giờ tham dự các trò này, vì là nhiếp ảnh gia, chúng tôi thường chỉ chụp hình kẻ khác chứ không làm mẫu cho kẻ khác chụp hình. Thế nhưng vì sự vui vẻ hào hứng của Ngọc Anh lôi cuốn, tôi cũng đành theo ý cô, choàng cái váy đỏ nho nhỏ quanh người, đội mũ đỏ, giả vờ khiêu vũ điệu Tango với một anh vũ sư trẻ, anh ta bắt tôi nhảy lên đùi anh, chân đá lên trời để ông chồng tôi và Ngọc Anh bấm máy. Anh chàng này thật là khỏe, giữ được tấm thân bồ tượng của tôi trên vị trí chân đứng mà không… gãy giò. Sau đó, ông xã tôi phải mặc áo sọc, đội mũ đen gắn lông chim như các nhà quý tộc Tây Ban Nha. Anh được biểu diễn Tango với cô gái mặc bộ áo rất gợi cảm để chúng tôi chụp ảnh. Xong cuộc, chúng tôi xem hình, thấy mình ngộ nghĩnh trong cái quần cụt, áo thun, chân mang dép rất khôi hài!
Hôm ấy, tại La Boca, chúng tôi ăn trưa tại một quán ăn có trình diễn Tango. Ngọc Anh lên sân khấu biểu diễn với vũ công , cô nhảy thật điêu luyện làm thực khách rất ngưỡng mộ, vỗ tay vang rân. Tôi có dịp chụp ảnh nên sung sướng lắm, chụp đến mỏi cả tay và mắt!

Sau bữa ăn, tôi xách máy đi lòng vòng trong các ngõ ngách trên đường El Caminito; ngắm nghía đồ thủ công nghệ, chuyện vãn với mấy cô bán hàng. Ai cũng tò mò muốn biết tôi là người xứ nào, sống ở đâu, có biết nói tiếng Tây Ban Nha không? - Hablo un poco Espanol ! Como Estas ? Cuanto cuesta este? Muy caro! Quiero un descuento. No dinero. Mucha gracias! Chừng này tiếng đủ cho tôi dùng trong suốt chuyến đi Nam Mỹ. Thấy người mình muốn chụp ảnh, đưa máy lên, họ mỉm cười thì chụp, thấy họ khoát tay , cau mày thì hạ máy xuống bước qua chỗ khác. Còn muốn chụp lén thì trăm nghìn cơ hội. Tôi bị ông chồng rầy mãi vì tội thích chụp ảnh, nếu tìm được cảnh tượng thú vị, tôi đứng hoài không chịu đi. Ngày chúng tôi đi chơi La Boca là ngày trước khi các du thuyền cập bến nên khu phố này tuy rất nhộn nhịp nhưng chưa bị tắc nghẽn vì du khách. Nhờ vậy tôi có nhiều dịp chụp ảnh quang cảnh mà không vướng người. Tôi và Ngọc Anh tha hồ được chụp ảnh với nhau, và tôi cũng chụp ảnh Ngọc Anh ngồi trước các bức tường sặc sỡ hoặc những khung cửa màu mè rất nghệ thuật.

 

Tạm biệt La Boca, chúng tôi đi taxi về phố. Chiều đang nhạt nắng, ánh sáng hồng phản chiếu trên tường kính của các tòa nhà mới chen lẫn trong các dinh thự kiến trúc kiểu Italian Renaissance, Đức và Pháp. Ăn tối xong, chúng tôi đi bộ vòng vo trong khu vực Plaza de la Victoria, thăm viện bảo tàng, vừa bước vào phòng tranh, tôi thấy có bức tranh con gà trống khổng lồ treo trên vách, tôi chạy đến gần, đứng dưới cái đuôi con gà, nhờ anh Tuấn chụp cho tấm ảnh. Ngọc Anh cười rũ rượi vì sự nghịch ngợm của tôi, anh Tuấn đi lảng qua phòng khác, không muốn thiên hạ biết sự liên hệ của mình với mụ điên. Chúng tôi chỉ có được ba mươi phút để “cưỡi ngựa xem hoa” trước giờ đóng cửa.

Phố đêm Buenos Aires


 
Tối hôm ấy, Carlo và Ngọc Anh ghé lại nơi chúng tôi trú ngụ, đốt lại giùm mồi lửa trong lò nước nóng bị gió thổi tắt đêm qua trong cơn mưa giông. Gần nửa đêm, Ngọc Anh và Carlo giã từ chúng tôi để trở về tổ ấm của họ. Chúng tôi cũng mệt lả sau một ngày du lịch. Nằm vùi trong tổ ấm của mình, ngủ một giấc say sưa; chỉ thức giấc khi ánh nắng đã chan hòa trên ngọn cây du và bầy chim sẻ nhảy ríu rít trong đám lá xanh.

 
Thành phố Buenos Aires nhìn từ biển

 
Chú thích:
(*1) Maria Eva Duarte de Peron là Đệ Nhất Phu Nhân của Argentina, vợ cựu Tổng Thống Juan Peron
Từ 1946 cho tới khi chết năm 1952.Tên bà được gọi là Eva hoặc Evita.
Buenos Aires- Argentina (2/22- 2/29/2016)
Tôn Nữ Thu Nga
  TRANG CHÍNH   TRANG TRƯỚC