Tôn Nữ Thu Nga

 

Chiều chủ nhật, trời thành phố Hobart âm u buồn, cây lá mới chớm màu thu. Ðứng sau cửa sổ phòng ngủ tầng lầu thứ chín của khách sạn, tôi nhìn các mái nhà đủ màu và những ngọn tháp chuông nhà thờ cổ kính san sát bên nhau. Xa xa, biển màu xám bạc, nhạt nhòa trong tia sáng mặt trời chiều. Hobart là thủ phủ của đảo Tasmania, một tiểu bang của Australia và còn là thành phố cổ thứ nhì của quốc gia này, sau Sydney.

Xuống phố tìm chỗ ăn tối. Mùa hè vừa hết, du khách không nhiều, chiều chủ nhật buồn gợi nhớ bài ca “Lời buồn thánh”, phố xá đìu hiu, lác đác vài bộ hành, tiệm đóng cửa gần hết; ngang qua tiệm pizza, chú bé giữ quầy ngồi ngáp vặt. Ðường Macquarie đổ dốc thoai thoải ra vịnh, quẹo theo đường Murray và Sullivan Cove. Ðây là khu du lịch chính nên các tiệm ăn còn mở cửa đến khuya. Tại Salamanca, công viên cây cỏ xanh, băng ghế rải rác, đèn giăng lấp lánh trên các ngọn cây thật hấp dẫn nên chúng tôi đi bộ qua hướng ấy. Quanh công viên, các nhà hàng sang trọng, bàn ghế bày ngoài đường. Ðang tần ngần chọn tiệm, bỗng dưng tôi thoáng thấy được hàng chữ Vietnamese Kitchen, mừng quá tôi kéo anh Tuấn đi về hướng đó vì biết anh thích đồ ăn Việt. Hai đứa dắt nhau vào tiệm, chủ nhà hàng tưởng chúng tôi là khách ngoại quốc, nên chào bằng tiếng Úc. Hay thật, không ngờ mình hiểu được tiếng Úc! (người Úc nói tiếng Anh khó nghe lắm, nhất là người đồng quê). Mở miệng nói tiếng Việt thì thấy nụ cười cô bán hàng tươi thêm một chút. Không biết vì được gặp đồng hương hay sao mà anh Tuấn được chị chủ quán xào cho một đĩa rau tươi, trang điểm bằng những con tôm ngon lành.Trong lúc ăn tôi thấy có năm cô cậu người Việt vào quán, họ là các sinh viên Việt Nam qua du học tại đại học Hobart. Thấy họ gọi phở, tôi cũng đòi ăn thử, chị chủ quán cho biết trước là phở ở đây không có đủ rau như bên đất liền nhưng vì thèm mùi phở, tôi cũng chấp nhận. Cô gái bán hàng bưng ra cho tôi một tô phở tái, mùi vị đậm đà, thịt mềm và tươi, chỉ thiếu lá quế. Ði du lịch nhiều, chúng tôi rất dễ chịu trong vấn đề ăn uống, tuy nhiên đến xứ nào chúng tôi cũng hay tìm phở, vừa như một trò chơi thích thú, vừa để ăn cho đỡ nhớ mùi vị quê hương. Ăn xong, chị Oanh, chủ quán đến ngồi nói chuyện với chúng tôi, lúc ấy tôi mới biết được chị quen người bạn rất thân của Tuấn đang sống ở Melbourne là anh Nguyễn Ký Thành. Chị Oanh mời chúng tôi đến nhà ở nhưng vì thời gian rất eo hẹp nên chúng tôi rất tiếc không được gặp lại chị sau bữa ăn tối hôm ấy.

Sáng thứ hai, Tuấn và tôi mướn xe đi chụp ảnh Tasmania. Lần đầu tiên lái xe bên trái nhưng anh Tuấn điều khiển xe thật vững, tôi chỉ cần nhắc nhở anh chút xíu khi chạy trong thành phố, ra đến xa lộ cũng thì giống như xa lộ Mỹ. Thỉnh thoảng, anh cần làm dấu quẹo phải hay trái thì cái quạt nước lại quay lên làm tôi cười nắc nẻ (vì hai bộ phận này ngược lại với các xe bên Mỹ).

Theo hướng Lyell Hwy, chúng tôi lên New Norfolk để viếng Mount Field National Park. Ðây là một công viên quốc gia xưa và đẹp, phong thủy hữu tình tạo ra do băng hà hàng triệu năm trước. Ðường về đây, băng qua nhiều làng mạc, đồng cỏ và thung lũng thơ mộng. Từng đàn cừu ăn cỏ trên cánh đồng vàng, dưới các hàng cây cao vút, lá trở màu thu. Xa xa rặng núi tím in trên bầu trời xanh bềnh bồng mây trắng. Những căn nhà trồng hoa thược dược đủ màu trong sân, làm tôi ngẩn ngơ thèm muốn được dừng lại ngắm cho thỏa lòng. Khu nghĩa địa nho nhỏ trước nhà thờ xưa cũng đẹp, nên chúng tôi ngừng lại chụp hình. Thời tiết tại đây rất bất thường, khi mưa rào rào lành lạnh như mùa đông, đi một lúc thì nắng rực rỡ, qua một chút nữa thì dìu dịu man mát mùa thu. Tại Mount Field, nắng nhẹ hanh hanh, chúng tôi vác ba lô và chân ba càng đi vào rừng. Nói là vào rừng nhưng đường đi rất tốt và bằng phẳng, người tàn tật ngồi xe lăn cũng có thể vào được. Các vị trí ngắm cảnh chỉ cần đi bộ chừng 5 đến 20 phút. Dọc đường, cây dương xỉ cao lớn lá che trên đầu; các cành thông lớn bao phủ bởi rêu xanh và tơ hồng; một loại cây khuynh diệp cao nhất thế giới có thể tìm thấy tại đây. Rạch nước trong veo chảy róc rách qua kẽ đá, dưới các cành dương xỉ và thân cây mục. Cái ao nhỏ phản chiếu hình ảnh vạn vật xanh, tối, huyền bí. Thác nước Russell, một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Tasmania, chảy dạt dào trên các tầng đá đen. Chung quanh thác, cây xanh vươn ngọn tìm ánh sáng, giữa suối, chùm cây non mảnh mai, xanh tươi mọc trên các mô đá đen. Ngắm suối và chụp ảnh một hồi lâu mà tôi vẫn luyến tiếc không muốn rời. Dùng dằng cất bước, tôi buộc phải ra đi vì địa điểm sắp tới là Cradle mountain còn xa lắc và chúng tôi muốn đến đó trước khi trời tối để tìm chỗ ngủ.

Ra khỏi Mount Field, nhập vào lại A10 hướng tây bắc, đường rất tốt, ít xe cộ. Hai bên xa lộ, đồng cỏ mênh mang mọc rải rác nhiều cây khô hình thù kỳ lạ, vươn cành trơ trụi lên trời xanh, xa nữa là rừng thông chạy dài tới tận rặng núi. Anh Tuấn vừa lái xe vừa ngắm cảnh, tôi thì được ngủ những giấc ngăn ngắn.

Ðường A10 hoặc còn gọi là Lyell Hwy chạy từ phía đông Tasmania (phố Hobart - bên bờ Tasman Sea), qua phía tây của Tasmania (phố Strahan- bên Southern Ocean). Dừng lại Derwent Bridge, thăm hồ St. Clair nằm về phía Nam của Cradle Mountain - Lake St. Clair National Park. Ðây là một vị trí tốt khởi điểm cho các chuyến đi rừng, leo núi, cắm trại bên hồ, chèo thuyền, đi du thuyền hoặc chỉ đi bộ ngắm cảnh cho những kẻ không có nhiều thì giờ như chúng tôi. Nước hồ trong vắt mát lạnh, con đường mòn quanh hồ im mát dưới bóng thông xanh, tôi đứng ngắm và chụp ảnh các đóa hoa thông vàng, hình thù như cái bàn chải rửa chai lọ. Những chú chim trên cành hót líu lo, ánh nắng vàng lốm đốm trên đường, trên mặt. Tôi hát bài “Nắng thủy tinh” thật to, Tuấn suỵt suỵt: “Ê, hát dở quá, mấy người cắm trại dọn lều về hết rồi kìa!”

Chạy tiếp Lyell Hwy, chúng tôi băng ngang giữa hai National Parks, phía nam là Franklin -Gordon Wild Rivers, phía bắc là Cradle mountain - Lake St. Clair. Dân xứ Úc dài hơi quá, tên công viên nào cũng dài lòng thòng. Xe băng qua rừng thông  trùng điệp ngút ngàn, chỗ nắng chói chang, chỗ tối tăm bóng mát, Tuấn phải bỏ kính râm ra mới lái xe được.  Thấy bảng chỉ đến thác Nelson, anh quẹo vào sân đậu xe, ngay bên xa lộ. Xuống xe, nhìn trời nhìn đất một chút, lòng hơi ngần ngại vì mặt trời đã xuống thấp, bóng chiều nhạt nhòa và không khí mát lạnh. Sợ anh đổi ý, tôi vác máy vội vàng chạy vào con đường dẫn ra suối. Bảng chỉ dẫn cho biết đi mười lăm phút thì tới suối, con đường rất tốt, lắp bằng các mảnh ván ngang, bên trên che một lớp lưới kẽm đề phòng sự trơn trợt, vì đây là khu rừng mưa nhiệt đới, luôn luôn ẩm ướt rêu phong. Rừng cây rậm rạp tối tăm, lâu lâu có khoảng sáng giữa các cành cây thưa, vừa đi vừa run trong bụng vì không có ai ngoài hai đứa chúng tôi cả. Anh Tuấn cứ nài nỉ tôi trở ra và tôi cứ giả bộ điếc, đi thoăn thoắt, không ngó quanh quẩn chi cả. Thấy vợ mình lì quá và chắc cũng thương hại cho cái tánh mê chụp ảnh của mụ vợ cứng đầu nên anh lật đật chạy theo càu nhàu: “Ði chậm lại không thôi đau chân thêm bây giờ, đi chầm chậm thôi. Tôi vốn bị đau đầu gối, đi đâu cũng chậm chạp, chỉ đi nhanh khi muốn chụp ảnh, đó là một đề tài để anh chọc ghẹo tôi mãi.

Chỉ mười lăm phút mà sao lâu quá chừng, vừa đi tôi vừa lắng tai nghe các tiếng động trong rừng, có con thú vật nào nhảy ra thì chắc đứng tim mà chết. Sợ bị anh Tuấn bắt đi ra, tôi nói láo: “Nghe tiếng nước chảy rồi, chắc còn vài phút nữa.” Anh chau mày, lắng nghe và bảo: “Xa lắm, thôi đi ra đi.”- “Không xa đâu, quẹo qua đây là thấy liền.” May phước cho tôi, lúc này tiếng nước chảy ào ào vang vọng trong khu rừng vắng ; sau khúc quanh, thác Nelson hùng vĩ hiện ra. Nước từ trên đầu thác tỏa từng nhánh nhỏ, mong manh như nếp khăn voan, trên mái tóc đen xõa vai nàng thiếu nữ. Nền đá đen điểm trang những nhánh cỏ xanh mướt giữa muôn dòng nước trắng. Vội vã chụp vài tấm ảnh, chờ anh Tuấn dùng xong chân máy, tôi mượn chân, điều chỉnh tốc độ thật chậm, khẩu độ thật nhỏ để lấy được chi tiết và làm dòng nước chảy mướt như lụa. Bấm vài tấm hình nghệ thuật xong, cất cái máy lớn, lôi cái máy nhỏ trong túi quần ra, nhờ anh Tuấn  chớp cho cái hình kỷ niệm, cười mím chi cọp, che đầu bằng cái lá dương xỉ lớn. Tôi chụp hình anh Tuấn vác bị gậy, đi như con gấu trong rừng tối om rồi ba chân bốn cẳng chạy ra xe tiếp nối cuộc du hành.

Chương trình nghỉ qua đêm tại Cradle Mountain không còn thực hiện được vì mặt trời đã xuống quá thấp, chúng tôi đổi hướng qua Strahan. Tôi còn có thêm một hy vọng là nếu đến Strahan lúc mặt trời lặn, tôi sẽ có một cơ hội mới để chụp ảnh. Những mưu sự trong trí tôi, hoàn toàn bí mật vì nếu anh Tuấn biết được, anh ta sẽ mổ xẻ, phân tách, đo lường rồi than phiền. Nếu ảnh chỉ biết nghe lời vợ và lái xe theo lời chỉ dẫn thì mọi sự đều hòa bình, an lạc.

Vì thế, trong lúc Tuấn lái xe từ thác Nelson qua Queenstown, tôi cứ nhìn mặt trời, cầu khẩn cho nó xuống chầm chậm một chút để tôi được chụp ảnh hoàng hôn. Xe chạy mãi qua con đường núi nhỏ, đến Strahan thì trời tối mịt. Chạy quanh phố mấy vòng kiếm khách sạn, chỗ nào cũng hết phòng, lòng tôi bắt đầu lo lắng. Ngủ trong xe không có gì để tôi ngại ngần hãi sợ cả, tôi chỉ sợ là mình không thể nào ngủ được mà phải thức để lắng nghe những lời than phiền, cằn nhằn của ông xã suốt đêm thì chắc là phải nhảy xuống biển tự vận mất. Tuy nhiên, trời không phụ lòng những người mê nhiếp ảnh, chỉ mười lăm phút sau, tôi được vào một căn phòng tuyệt đẹp, trong một căn nhà kiểu Victorian trắng, ngay trước biển, dĩ nhiên là phải ngậm ngùi móc hầu bao ra mộtsố tiền lớn hơn mức dự trù. Bước vào phòng, chúng tôi quên ngay mọi chuyện vì căn phòng quá đẹp và sang, tấm khăn trải giường lụa xanh vừa êm vừa mát, phòng tắm rộng thênh thang lót đá cẩm thạch, vòi nước nạm vàng, đủ loại xà bong trong các bình cá nhân xinh xắn. Giờ này, bụng đã cồn cào, chúng tôi đi bộ ra cầu tàu ăn tối. Gió biển lạnh tê tái, bụng vừa đói nên càng run hơn. Chọn tiệm ăn hấp dẫn nhất, chúng tôi vào ăn sản phẩm biển của Tasmania. Nhìn đĩa thức ăn khổng lồ người hầu bàn vừa dọn ra, chúng tôi nhìn nhau cười, biết rằng là khi ăn xong thế nào cũng chết vì bội thực. Quả thật, ráng ăn thật nhiều mà cũng chỉ hết nửa dĩa. Về lại phòng, dù đã khuya, mà vẫn tiếc là phải đi ngủ, tôi ráng chong đèn đọc sách, cho đến lúc bị rầy mới hậm hực tắt đèn.

 

Buổi sáng đến thật nhanh sau một đêm ngon giấc, Tuấn vén rèm nhìn ra biển, anh kêu lên:

-Ngoài kia sương đẹp quá, anh phải đi chụp ảnh!

Biết tánh tôi thích ngủ nên anh không thèm rủ tôi đi. Anh lục đục sửa soạn máy và mặc quần áo thật nhanh, không đầy năm phút anh đã chạy mất. Nhiếp ảnh gia nào cũng vậy, khi thấy bình minh, hoàng hôn, sương dâng, mây phủ... họ phải chụp lấy ngay cơ hội đặc biệt để có những tấm ảnh đẹp.Những khoảng thời gian ấy thường trôi qua thật mau. Khi anh đi rồi, tôi cũng không ngủ được nữa, lòng ấm ức, vừa muốn trùm mền lại, vừa muốn dậy đi theo. Lê tấm thân lười ra vén màn cửa nhìn một thoáng cho đỡ buồn, tôi vội vã quay vào phòng tắm, năm phút sau tôi cũng đã ở ngoài sân. Chân giẫm trên bờ cỏ lóng lánh sương mai, tai và mũi tê cóng vì lạnh. Nâng cái máy ảnh lên, tôi mê mẩn chụp những tấm ảnh sương mù bay trên vịnh Macquarie, vương vấn trên những con thuyền nằm im trên nước, những con chim xoải cánh bay trong sương sớm, những cầu tàu nhỏ vắng lặng, buồn hiu và cánh hoa hồng mới nở điểm sương long lanh trên nụ hàm tiếu. Tôi đi bộ trên con đường ven biển vòng quanh ngọn đồi vắng vẻ, chụp ảnh mấy con vịt bơi chậm chậm bên nhau gần bờ, tôi cảm thấy bước chân mình cũng lâng lâng dưới màn sương mờ nhạt.

Khi nắng lên cao, tôi trở về phòng, thu xếp hành lý lên đường, lòng luyến tiếc vì muốn có thời giờ nhiều ở thành phố này nhưng chương trình chỉ có hạn, tôi tự hỏi không biết đi bao nhiêu năm tháng nữa mình mới thỏa mộng giang hồ?

Theo quốc lộ B27 qua A10 rồi đến C132, đường chạy hai chiều, qua các làng mạc nhỏ, đồng cỏ vàng ngút ngàn lác đác cây khô, cành trắng bạc trơ trụi, vươn cao như muốn níu lại những cụm mây trắng bồng bềnh trên trời xanh. Ðường C132 dẫn vào Cradle Valley, phần chính của công viên quốc gia- Cradle Mountain National Park - Tại trung tâm hướng dẫn du khách, chúng tôi mua vé vào thăm công viên- Vừa mới bước ra cửa thì thấy con đường dẫn xuống Pencil Pine Falls, chỉ cần đi bộ vài phút, chúng tôi đã thấy thác nước dưới thấp, ba dòng trắng ào ào đổ xuống vực sâu. Các du khách bấm máy ảnh tới tấp bằng “point and shoot”. Chúng tôi từ từ lựa vị trí tốt, xòe chân ba càng bấm vài tấm hình cho đỡ ghiền. Vì biết rằng lúc này ánh nắng quá gay gắt, độ tương phản quá nhiều, quanh thác cây cỏ hơi khô héo xác xơ, rêu úa vàng buồn bã, hình sẽ không đẹp mấy!

Con đường nhỏ dẫn vào “Dove Lake”chừng 8.5km, ngoằn ngoèo với các khúc quanh rất ngặt. Vừa bước ra khỏi xe, tôi đã thấy một cõi mênh mông xanh biếc của nước và trời. Phía bên kia bờ hồ, núi Cradle với hai đỉnh đá lởm chởm màu xám tím vươn mình trên bầu trời xanh trong vắt không một bóng mây. Vác đồ nghề trên lưng, chúng tôi men theo con đường mòn đi xuống mé nước. Quanh hồ có nhiều tảng đá, tôi muốn kiếm một chỗ bằng phẳng có thể bày thức ăn và phụ tùng máy ảnh. Vừa ngó dáo dác tìm chỗ nghỉ, một ông cụ du khách gọi tôi:

“Ngồi chỗ này nè, có người nhiếp ảnh gia vừa mới nói cho tôi biết vị trí này chụp hình rất lý tưởng.”

Tôi cám ơn ông cụ khi thấy ông đứng dậy nhường chỗ cho chúng tôi. Ông ấy thật tử tế, thấy tôi vác chân ba càng, nhận ra ngay chúng tôi là dân mê chụp ảnh.

Quả thật, đây là một vị trí rất tốt, núi Cradle phản chiếu toàn diện trong hồ. Những tảng đá trong nước soi rõ nét vì gió lặng. Chỉ tiếc trời không có chút mây nào cả.

Vừa ăn vặt, vừa chụp ảnh lai rai, tôi chờ cho các đám mây trắng sau núi bay lên cao... nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Lần này trời chẳng chìu người, chờ cả giờ, mây bị gió thổi bay hướng khác, mặt nước sóng nổi lăn tăn, núi không còn phản chiếu nữa.  Tôi cũng đành móc túi lấy ra cái máy nhỏ “point and shoot” nhờ du khách chụp cho chúng tôi vài tấm hình kỷ niệm.

Tìm về phía Tây Bắc thăm Devonport. Thành phố biển hiền hòa, sạch sẽ, đường rộng rãi chạy xe thoải mái. Chúng tôi ra bờ biển, thấy tàu du lịch Spirit of Tasmania hai màu trắng và đỏ đang cập bến. Theo đường biển ngắm các tòa nhà kiểu Victorian màu sắc xinh xắn trên đường Victoria, và lên thăm ngọn Hải Ðăng tại Mersey Bluff. Ngắm biển chút xíu đã thấy đói bụng, chúng tôi về lại phố, kiếm thức ăn nhanh để có thêm giờ xuống Launceston.

Launceston là thành phố kỹ nghệ tại phía bắc của Tasmania. Ngay giao điểm của ba dòng sông North Esk, South Esk và Tamar và cũng là thành phố rộng thứ hai sau Hobart. Thành phố này tạo dựng năm 1804, tên gọi theo một thành phố bên Anh Quốc, tại cửa sông Tamar; năm 1805 Launceston được di chuyển đến địa điểm hiện tại, trở thành một thành phố thương mại và du lịch chính của miền bắc Tasmania.

Quanh quẩn trong phố chính hồi lâu, vào buổi xế, ánh nắng chói lòa, khung cảnh phơi bày ra những nét tương phản, không thấy có gì thơ mộng, chỉ có nhà phố xe cộ và công xưởng. Chúng tôi quyết định đi ra khỏi thành phố, về vùng quê.

Hy vọng được hưởng một buổi chiều tĩnh lặng, u nhã tại làng quê, chúng tôi trở lên xa lộ, hướng phía nam trực chỉ. Băng qua các vườn trồng nho, những cánh đồng vàng rơm óng ả dưới nắng chiều có đàn cừu nhẩn nha gặm cỏ. Tại một cánh đồng rơm, ẩn sau hàng cây phong, người nông gia nghịch ngợm nào đó đã chồng chất các khối rơm lên nhau để tạo dựng một kiến trúc gần giống như “Stone Henges” bên Anh Quốc. Tiếc thay xe chạy nhanh quá và thời giờ hơi gấp rút, tôi không thể dừng lại để chụp ảnh; và chưa chắc gì tôi kèo nài được ông tài xế khó tánh của mình ngừng xe lại bên lề xa lộ.

Ðến Campbell Town, chúng tôi chạy xe chậm để tìm khách sạn. Campbell là một thành phố có nhiều kiến trúc lâu đời do phạm nhân xây. Bây giờ những tòa nhà này trở thành các di tích lịch sử và thường được dùng làm “bed and breakfast”. Thấy một căn nhà khang trang xinh xắn, tôi muốn vào xem với mục đích ngủ lại đó. Trái lại với người bạn đời của tôi, anh chỉ muốn ngủ đêm tại những khách sạn mới xây, sáng sủa, sạch sẽ. Sau khi kèo nài và hứa với anh rằng tôi chỉ muốn xem phòng thôi rồi tùy anh quyết định, anh ngần ngừ lê bước theo tôi vào gõ cửa. Ðây là một căn nhà gạch nâu ba tầng, các khung cửa sổ sơn màu xanh lá cây đậm, sau cửa kính các rèm cửa thêu trắng rất mỹ thuật. Ngay bên cạnh nhà, một dòng sông nhỏ cây cối sầm uất che phủ, nước chảy rì rào. Gõ cửa một hồi lâu, tôi nghe có tiếng chân tiến về phía mình, sau mấy vòng khóa xoay lách cách, cánh cửa được kéo ra chầm chậm. Từ bàn tay nhăn nheo đồi mồi níu cái nắm cửa, tôi đưa mắt nhìn lên khuôn mặt nhăn nheo mà thời gian đã ấn vào đó những luống cày vĩnh viễn. Tôi chào và giải thích cho chủ nhà rằng mình muốn xem phòng để quyết định về chỗ trú ngụ qua đêm. Ông mở cửa rộng hơn, ra hiệu cho chúng tôi bước vào. Biết rằng thế nào anh Tuấn cũng phản đối nên tôi không nói gì cả, chúng tôi đi theo sau tấm lưng còng và những bước chân nặng nề của ông lệt bệt trên sàn gỗ. Dùng một chìa khóa thật cũ xưa, ông mở cửa căn phòng ngủ. Trước mặt tôi là một căn phòng rất dễ thương và ấm cúng. Giường trắng dầy và êm, trong góc phòng là một bộ ghế bành vừa hai người ngồi, trên tường có những bức ảnh trắng đen, cảnh đồng quê. Anh Tuấn nắm tay tôi dẫn ra ngoài, biết ý, tôi ngỏ lời cám ơn người chủ nhà đã cho chúng tôi xem phòng. Ông lẵng lặng gật đầu và tiễn chúng tôi ra, đôi mắt xanh đục không nhìn vào mắt tôi nên tôi không biết ông nghĩ gì. Tôi bước ra khỏi nhà ông, man mác trầm tư bao điều luyến tiếc. Tôi tiếc rằng mình không được ở lại chốn này, để chia sẻ cùng ông một mảnh lịch sử. Tôi xót thương cho tuổi già và cảnh cô độc của ông, tôi xót thương cho căn nhà vắng khách vãng lai, tôi xót thương cho những hình bóng xưa còn lẩn khuất đâu đây trong các hành lang tối.

Ðóng cửa xe xong, tôi nghe tiếng thở phào của anh Tuấn. Biết tôi hơi buồn anh nhìn tôi:

- Anh không cảm thấy thoải mái ở lại đây, anh sợ không ngủ được thì ngày mai bị mệt không lái xe nổi!

- OK!

Môi điểm nụ cười nhẹ, anh nhanh nhẩu lái xe chạy ra phố, vui vẻ ghé vào một khách sạn tiền chế. Vài phút sau, anh hân hoan cầm thẻ nhựa chìa khóa vừa nhận được, đưa tôi đến một dãy phòng, kiến trúc như những cái hộp vuông vức. Tôi mở cửa phòng ngủ, kéo hành lý vào, gieo mình xuống giường, nhìn quanh chốn tạm trú mới của mình. Sạch sẽ, giản dị, giống như Motel 6 của Mỹ, không có cá tính đặc biệt. Dù hơi chán nhưng tôi buộc mình phải chấp nhận, vì tôi luôn luôn tự nhắn nhủ rằng: Tôi có thể chịu đựng và chia sẻ bất cứ điều gì trên con đường thiên lý với người bạn đường của mình, chỉ cần người ấy được vui là đủ rồi.

Sáng hôm sau, khởi hành thật sớm, chúng tôi hy vọng có thêm giờ ngắm cảnh và về lại Hobart trước khi chiều xuống. Theo đường A4 về hướng đông qua các thành phố nhỏ như Avoca, Fingal và St. Marys; thỉnh thoảng ngừng xe vài phút để chụp ảnh những khung cảnh thú vị như ngôi nhà thờ nho nhỏ nằm trơn trọi trên đồi, tháp chuông vươn lên trong bầu trời xanh thẫm. Cảnh trí yên lặng, hoang liêu đưa tâm trí tôi vơ vẩn tưởng tượng đến một thời quá khứ xa xăm nào đó, có những chiếc xe ngựa lộc cộc đi cùng một con đường với mình.

Ðoạn đường từ Campbell đến St. Marys rất tốt và bằng phẳng ;nhưng từ St. Marys ra bờ biển, đường đổ dốc ngoằn ngoèo như con rắn, hai bên núi thông mọc tươi mát, cao vòi vọi, có những khúc quanh hiểm nghèo, không thấy được các xe chạy ngược chiều nên Tuấn phải bấm còi làm dấu hiệu. Gần đến biển, tôi cảm thấy lòng nôn nao hẳn lên, nhấp nhỏm trên ghế, ráng nhìn màu biển xanh thấp thoáng, bãi cát vàng với những ngọn sóng bạc xô đuổi nhau sau rừng cây. Dù xe đang chạy, tôi vẫn ráng chụp ảnh lai rai, dĩ nhiên là chẳng có tấm nào ra hồn cả. Từ ngày đổi qua máy digital thì bệnh ngứa tay của tôi thêm trầm trọng. Bấm máy càng nhiều và xóa ảnh cũng nhiều, mấy ngón tay chẳng được nghỉ ngơi gì cả. Nhập vào đường A3, xe chạy theo bờ biển Tasman phía trái và công viên quốc gia Douglas Apsley  bên phải. Thấy đường vào công viên không xa (10km) chúng tôi quyết định vào thăm viếng. Xe chạy vào con đường đất nhỏ gồ ghề, chung quanh quang cảnh khô khan, thỉnh thoảng hiện ra vài mái nhà nho nhỏ, mấy con bò đen lặng lẽ gặm cỏ khô. Xe chạy mãi mà chẳng thấy dấu hiệu gì của công viên cả, Tuấn nản chí muốn quay ra vì thấy có vài chiếc xe cũng đã quay về đường cũ. Tôi năn nỉ anh đi thêm chút nữa, tôi không bao giờ sợ lạc đường cả, vì có khi nhờ đi lạc, tôi lại kiếm ra nhiều cảnh để chụp hơn là cứ chạy bon bon trên con đường chính. Chìu vợ, Tuấn ráng lái thêm vào con đường đầy ổ gà, ngồi trên nệm xe mà cứ tưởng mình đang cưỡi ngựa. Chỉ vài phút, tôi thấy sau đám cây có vài chiếc xe và các du khách cũng đang mang giày, chống gậy sửa soạn đi bộ vào núi. Dưới một cái chòi gỗ, tấm bản đồ lớn sau khung kính chỉ đường đi bộ lên các nơi có cảnh đẹp. Vì thấy các đoạn đường này không dài lắm, chúng tôi vác chân máy đi tìm cảnh.

Theo con đường mòn nhỏ dưới bóng cây, tôi tản bộ vào rừng. Hai bên cây cối xanh tươi, tầm gửi giăng mắc như những tấm rèm cửa từ cành thông già khẳng khiu gầy guộc. Trên mặt đất, các cây dương xỉ bé bỏng và thông non mọc chi chít, các tia nắng xuyên qua cành thông cao, rọi lốm đốm xuống bầy cây nhỏ, ửng chiếu màu xanh lục nõn nà thắm tươi trong lòng rừng tối.

Từ vách núi cao, tôi nhìn cảnh bao la trải dài lên phương bắc, núi đồi cao thấp xanh biếc chập chùng, thung lũng cỏ vàng bát ngát. Thấy có hồ nước xanh biếc sâu thẳm phía dưới, tôi men theo đường dốc, thận trọng từng bước trèo xuống. Tuấn càu nhàu than phiền nhưng cũng đi theo, anh luôn miệng nhắc nhở tôi đi chậm lại. Vì anh biết là mỗi khi tôi thấy được cảnh đẹp thì... tam tứ núi cũng trèo, thất bát giang cũng lội và cửu thập đèo cũng... vác máy ra đi!  

Xuống đến bờ hồ, tôi bước trên những tảng đá phơi mình trong dòng nước mát. Hồ lục thủy, phản chiếu màu sắc của núi bạc, trời xanh và rừng thẳm, mặt nước lặng yên như gương. Ngồi trên một tảng đá, tôi lắng nghe tiếng chim chí chóe chuyền cành, tiếng các con thú nhỏ sột soạt chạy trong bụi rậm, tiếng nước chảy róc rách qua ghềnh đá thấp. Tôi cảm thấy gió mơn man nhẹ trên tóc, trên da; nắng âm ấm chuyền cho tôi những sinh khí mới. Khi nghe tiếng anh Tuấn gọi, tôi vội vã chỉnh máy ảnh, chụp hình các tảng đá tròn trĩnh, hàng cây ven hồ phản chiếu trong nước, và những tấm ảnh kỷ niệm cho nhau.

Trở ra đường A3, sau bữa ăn trưa trên băng ghế công viên nhìn ra biển Bicheno, chúng tôi trực chỉ ra Freycinet National Park.

Freycinet là một bán đảo lớn, có nhiều bãi biển đẹp, màu cát thay đổi tùy địa chất. Có bãi cát trắng tinh vì có nhiều silica, có bãi cát hồng/vàng vì có micas và quartz. Trên bờ biển Honeymoon Bay, những ghềnh đá hoa cương màu cam đỏ vì trong ấy trộn lẫn chất Iron Oxide và che phủ thêm bằng một loại rêu màu cam.

 

Ðường C302 ra bán đảo tuy xa nhưng rất tốt, xe chạy nhanh cả trăm cây số giờ, gần 40km mới đến những bãi biển đẹp.

Ngừng lại  một bãi biển vắng, bước trên con đường mòn nhỏ giữa hàng cây, Tuấn dừng lại nhìn ra biển; tôi đi sau, chụp tấm hình anh đứng một mình trong biển trời mênh mông, đóng khung giữa vòm cây, cành khô vương vấn đan vào nhau. Nắng vàng chan hòa trên Great Oyster Bay, nước trong veo, cạn và mát. Với đôi chân trần, tôi chạy trong nước ra thật xa, đá nước tung tóe, lòng nhẹ thênh thang như cánh chim, vui như trẻ thơ ngày hội. Một giấc mộng nho nhỏ cưu mang trong tôi nay đã thành. Tôi đã đến, tôi đã giẫm chân trên cát trắng, nước xanh của biển Tasman, tôi đã nhặt những vỏ ốc xà cừ to như bàn tay mình, đẫm mình trong nắng thu mênh mang... tôi hết lòng cảm tạ thượng đế đã ban cho mình một đời sống súc tích, may mắn và đầy hồng phúc.

Tại Honeymoon Bay, Tuấn chụp cho tôi mấy tấm ảnh trên ghềnh đá đỏ. Dưới vịnh, vỏ sò, ốc trắng xóa nằm đầy trên cát. Dù có thèm lội chơi như một đứa trẻ, tôi cũng phải nhịn để trở lên bờ. Tuấn chụp ảnh phong cảnh bằng máy Hasselblad, anh vác chân, trèo quanh các ghềnh đá săn hình. Anh ta làm cái gì cũng nhanh cả cho nên tôi cũng không cù cưa câu giờ thêm được.

Theo xa lộ A3 về lại miền nam Tasmania, Tuấn muốn đi thăm Port Arthur ngoài bán đảo Tasman. Bán đảo Tasman là một công viên quốc gia có nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử. Từ thành phố Sorell, đổi qua xa lộ A9, bán đảo này nối liền với Tasmania bằng một cây cầu, phía bắc là  vịnh Blackman và phía nam là vịnh Norfolk. Port Arthur ở tận cuối bán đảo nhìn ra vịnh Maingon. Port Arthur thành lập năm 1830, mới đầu chỉ là một xưởng đốn rừng bán gỗ. Năm 1842, một nhà tù lớn được xây tại đây. Nhiều năm sau, các tù nhân không còn nữa vì họ trở thành những kẻ khai phá rừng, đốn cây và xây dựng... Dần dần, dân cư tụ tập, mở mang trường học, nhà thương, phố xá... Các kiến trúc ngày xưa được trở thành những di tích lịch sử của nước Úc. Quốc gia này trong quá khứ là một chốn lưu đày cho tội phạm từ Âu Châu, nhất là Anh Quốc. Nhờ những di tích lịch sử và bờ biển đẹp, Port Arthur trở thành một địa điểm du lịch khá nổi tiếng. Port Arthur còn được nhiều người biết thêm vì một thảm họa xảy ra vào ngày 28 tháng tư, năm 1996. Một người thanh niên giàu có tại Hobart đã nổi khùng, lái xe lên Port Arthur, dọc đường dùng súng giết người và sau đó vào trung tâm du lịch, bắn chết thêm rất nhiều người, kể cả những đứa trẻ. Tổng cộng 35 người bị thiệt mạng gồm du khách và nhân viên làm việc ngay tại trung tâm. Vì thế, một trong những lời khuyên cho du khách là “Ðừng nên hỏi thăm các nhân viên hướng dẫn du lịch tại Port Arthur về thảm họa này vì có nhiều người mất thân nhân và bạn bè, bây giờ họ chỉ muốn quên đi thảm họa ấy chứ không muốn được nhắc tới nữa.”

Chiều đã xuống khi chúng tôi đến Port Arthur, từ trên đồi, chúng tôi nhìn bao quát các tòa nhà xưa ửng vàng trong nắng chiều. Xa xa, biển xanh thấp thoáng và các thuyền buồm trắng lướt sóng nhẹ nhàng. Quá khứ như những tiếng nhạc mong manh, chìm dần vào không gian tím.

Hoàng hôn xuống trên đường về Sorell. Mây đổi màu rực rỡ phản chiếu tơ vàng lóng lánh trên những lượn sóng, thấy tôi nhấp nhổm không yên, Tuấn cảm thấy tội nghiệp nên tìm chỗ vắng, ngưng xe cho tôi chụp ảnh. Không dám lạm dụng lòng tốt của tài xế, tôi ráng chụp ảnh thật nhanh, anh phụ tôi dàn chân ba càng vì thấy tôi hơi chậm chạp. Trời đã tối, may nhờ có chân máy nên tôi có được vài tấm ảnh sắc nét. Xe đang chạy bỗng ngửi thấy mùi khói cháy rừng, ngoài vịnh Norfolk, một hòn đảo nhỏ đang bốc cháy, có thể vì cỏ khô sau mùa hạ. Tôi chụp được mấy tấm ảnh có lửa hồng và khói đen bốc lên từ đỉnh cao của đảo như hỏa diệm sơn, các ngọn lửa nhỏ chạy dài xuống biển như phún thạch. Bầu trời mây đỏ như hoen máu, phản chiếu xuống mặt nước. Khung cảnh vừa bi thảm vừa hào hùng. Ðưa cuộc hành trình cuối ngày của chúng tôi vào một đoạn kết đầy ý nghĩa với lịch sử của Port Arthur.

Về đến Sorell trời đã tối, thành phố gần phi trường nên chúng tôi muốn ở lại đây để ngày mai bay chuyến sớm. Một cô bé rất dễ thương, làm việc tại McDonald, kiếm giùm chúng tôi chỗ ngủ. Chín giờ tối, tôi và Tuấn uể oải bước vào “Blue Bell Inn”. Một căn nhà thật đẹp, cũng là một di tích lịch sử vì được xây bởi tù nhân. Phòng chúng tôi ngủ là một căn phòng tôi chỉ được chiêm ngưỡng trên tạp chí mà không biết bao giờ mình mới có cơ hội bước vào. Anh Tuấn không có lý do gì để chê cái “Bed and Breakfast” này cả. Chiếc đồng hồ quả lắc ngoài phòng khách thong thả điểm mười tiếng chuông .Tôi ngạo nghễ nhìn người bạn đường của mình (cuối cùng tôi cũng thắng cuộc chiến “bed and breakfast); mắt lim dim, tôi ngã xuống giường cái bịch. Quả là... ở hiền gặp lành, đêm cuối cùng của tôi tại Tasmania là một đêm đầy mộng đẹp.

Tasmania, April, 2006 

Tôn Nữ Thu Nga

San Dimas- California

TRANG CHÍNH TRANG TRƯỚC