Sau mấy ngày nắng đẹp tại Luân Đôn, sáng nay trời mưa, xe đến đón chúng tôi tại khách sạn Astoria để xuống Dover. Lần cuối nhìn Luân Đôn trong màn mưa phùn, tuy trời âm u nhưng vẫn thích thú. Người Luân Đôn hoạt động bình thường dưới những cánh dù, kéo hành lý đi nhanh chóng từ các trạm xe lửa, các thanh niên thiếu nữ mặc y phục thể thao, đầu trần chạy bộ trong mưa. Rời thành phố,xe chạy khoảng hơn hai giờ thì hải cảng Dover hiện ra dưới chân đồi.

 

The White Cliffs of Dover

 

Sau khi lên du thuyền, nhận phòng xong, tôi ba chân bốn cẳng chạy tới mở tung màn cửa để ra lan can ngắm cảnh. Sung sướng thay, tôi thấy dãy sườn đồi trắng nổi tiếng của Dover hiện ra trước mặt. “The white cliffs of Dover” là một địa danh nổi tiếng viền hai phía của thành phố Dover, nhìn thẳng qua nước Pháp xuyên eo biển Dover, vách núi trắng này dài 13 cây số và cao 110 mét. Địa danh này được nhắc đến qua nhiều bài văn, nhạc, phim của nhiều tác giả danh tiếng. Ca sĩ Vera Lynn phổ biến rộng rãi bài hát “There ‘ll Be Bluebirds Over the White Cliffs of Dover” sáng tác bởi hai nhạc sĩ Walter Kent và Nat Burton năm 1941. Tôi rất cảm kích khi thấy được cảnh này vì đây là hình ảnh cuối cùng họ được nhìn thấy của Anh Quốc và cũng là mối cảm hoài của bao nhiêu là binh sĩ, khi họ rời quê hương và gia đình để dấn thân vào binh lửa trong thời thế chiến. Và tôi cũng đứng lặng lẽ trên bong tàu, từ khi tàu rời bến cho đến khi lâu đài Dover, hải đăng và vách núi trắng mờ nhạt và mất hút trong sương chiều.

Sau vài hôm thăm viếng vùng Falmouth, England và thành phố Cobn của Ireland, tàu nhổ neo xuyên qua Labrador sea, trực chỉ về hướng Greenland.

 

Greenland

Sáng hôm nay, hành khách có vẻ hân hoan ra mặt, ai cũng nói cười vui vẻ trong buổi ăn sáng. Chúng tôi uống cà phê, ăn chậm rải bên khung cửa sổ, nhìn đại dương xanh thẳm dưới ánh sáng bình minh, sóng bạc dạt dào bên thân tàu tung lên những vòng hoa biển trắng. Thỉnh thoảng có tiếng xôn xao đâu đó của vài hành khách khi họ nhìn thấy đàn cá heo giỡn sóng hoặc cái lưng con cá voi xa lắc ngoài kia. Tôi có đôi lần thấy mấy con cá heo bơi theo tàu chứ cá voi thì chỉ thấy bên Bắc Âu.

Sau hai ngày hải hành, tàu bắt đầu tiến vào Prince Christian Sound (1). PCS là một hẻm vịnh nhỏ, hai bên núi, tạo ra từ mấy triệu năm trước do băng hà tan chảy, băng hà nạo mặt đất thành thung lũng xuống thấp, rồi nước biển tràn vào, tạo thành con sông nước mặn dài 62 miles. Vì đây thuộc Bắc Băng Dương nên khí hậu lạnh, tuyết quanh năm phủ núi , làn băng đá dù đã tan nhiều trong mùa hè thế nhưng những núi băng hà vẫn hiện diện nơi đây từ nhiều triệu năm trước, che phủ giữa những ngọn núi cao, thỉnh thoảng đá bị vỡ ra, rơi xuống nước ầm ỉ như bom nổ ( gọi là calving). Những mảnh băng lớn rơi xuống nước trở thành băng đảo và những tản băng vụn rải rác khắp nơi trôi nỗi trên hẻm vịnh. Tàu chạy thật chậm vì vịnh hẹp và để tránh băng đảo, dù không nhiều nhưng cũng khiến mọi người hí hửng, chạy quanh quất tìm vị trí chụp hình. Dù hôm nay trời nắng tốt, nhiệt độ chỉ 10 độ Celcius và gió hơi mạnh nên làm mọi người đi xiêu vẹo, cười ngặt nghẽo trên bong tàu; khi chụp hình thì tóc như mây bay gió cuốn.

Băng hà trong hẻm vịnh Prince Christian Sound

 

Hai bên bờ, những núi đá cao liên tiếp bên nhau, đá núi có khi màu xám, khi màu đỏ hồng tùy vị trí. Suối nước nhiều vô kể, nhiều hình trạng cũng như dung lượng nhưng thác nào cũng đẹp. Có một lúc chúng tôi xuống lại phòng, mở cửa ra balcony, để mấy cái máy trên bàn, muốn nghĩ ngơi một chút, thế nhưng cảnh đẹp cứ liên tiếp hiện ra và chúng tôi cứ nhấp nhổm ra vô chụp hình hoài không chán.

Tàu vào hẻm vịnh chừng 5 giờ, tôi thấy một khu làng mạc với những cái nhà nho nhỏ, đủ màu sắc, kiến trúc theo kiểu Na Uy. Thành phố nép mình dưới chân núi, nhà dựng trên những khoảng đất bằng hoặc trên đá. Aappilattox (2) được thành lập năm 1922; đến năm 2010 thì dân số được 132 người, họ sống bằng nghề săn bắn hoặc chài lưới. Muốn đến Aappilattox, phải đi bằng trực thăng hay đường biển.

 

 

Prince Christian Sound Fjord

Tàu tiến sâu vào hẻm vịnh, hai bên hai dãy núi cao, mây trắng giăng giữa hai triền núi như chiếc cầu mây, trên trời xanh lơ sáng lòa ánh nắng. Có những băng hà tuyệt đẹp chạy thẳng từ núi xuống, tàu quay vòng 360 độ cho hành khách thưởng thức, nên dù cho bạn ngồi trên lan can phòng ngủ, bạn vẫn có dịp chụp hình cả hai bên. Có một khoảng biển, dòng nước đổi màu, một bên xanh thẩm một bên trắng nhạt, nằm kế bên nhau, thấy lạ, tôi chụp bốn năm tấm ảnh, sau này tìm hiểu mới biết rằng màu trắng nhạt là dòng nước do băng hà tan chảy, chứa đựng nhiều khoáng chất và bùn nên rất chậm hòa nhập; thêm một lý do nữa là vì hai giòng nước chảy: một giòng ra biển và một giòng từ trên núi xuống, gần như thẳng góc, tạo ra một đường ranh tuy ngoằn nghoèo nhưng vẫn thấy rõ là 90 đô. Có vài băng đảo lớn màu trắng và xanh lơ nổi giữa hẻm vịnh, chúng tôi mê mãi chụp ảnh đủ khía cạnh. Tôi thầm nghĩ chắc người dân xứ này nhìn khách du lịch như những người nhà quê lên tỉnh, say sưa chi mà nhìn ngắm mấy tảng băng lạnh lẻo và cục mịch kia, có người lại bỏ ra cả trăm đô la, thuê tàu nhỏ ra gần để sờ và nếm băng đảo. Băng đảo thường thì không mặn vì tách ra từ băng hà trên núi – do nước mưa đông lạnh(3).

Sau vài giờ thăm viếng băng hà, băng đảo và nhiều quang cảnh hùng vĩ khác hai bên hẻm vịnh, tàu từ từ chạy ra khỏi hẻm vịnh và khoảng 5:30pm thì chúng tôi ra biển lại  hướng về thành phố Nanortalik.

 

Băng đảo

 

Sáng ngày 6, tháng 8. Tàu thả neo tại vịnh Nanortalik (4). Vì cầu tàu nhỏ, các tàu lớn buộc phải đưa hành khách vào bờ bằng các con thuyền vận chuyển nhỏ. Loại thuyền nhỏ này thường cập ngay phố chính, dể dàng đi vòng vo mua sắm, dạo chơi, ăn uống, ngồi cà phê ngắm kẻ đi qua, người đi lại. Nhất là có dịp tận hưởng cái không gian mới và môi trường mới của một miền đất không phải quê hương của mình.

 

Thành phố Nanortalik - Greenland

Nanortalik có nghĩa là:” Nơi các con gấu trắng tìm đến”, thành phố thuộc miền nam Greenland, trên đảo Nanortalik. Mặc dù với tên như vậy; ngày nay, những con gấu trắng rất ít khi xuất hiện; chỉ thấy du khách mặc áo lạnh dày cộm còn to hơn cả mấy con gấu, đi lù đù khắp phố. Thành lập năm 1770 do người dân Inuit (5). Dân số 1,337 người khi được kiểm tra vào năm 2013. Dân địa phương sống bằng nghề bắt cua, cá hoặc săn chim và hải cẩu. Từ mùa xuân cho đến cuối mùa hạ, nhiều cá voi xuất hiện trên biển quanh vùng.

 

 

Nanortalik không lớn nhưng nếu bạn là nhiếp ảnh gia thì bạn có thể khám phá ra nhiều góc cạnh để chụp ảnh đẹp, ngoài ảnh nghệ thuật bạn còn có thể chụp ảnh kỷ niệm tuyệt vời cho người thân. Sáng hôm nay, trời tốt, nhiệt độ khoảng 6 độ C (43 độ F), gió nhẹ nên đi bộ rất thoải mái. Chúng tôi men theo những con đường nho nhỏ trong làng, trên triền đồi, hoa dại nở đủ màu, phủ kín mặt đất, len lỏi giữa khe đá, trườn lên các bậc thềm nhà… Nhiều căn nhà gổ đơn sơ sơn màu hồ thủy, vàng, lục, đỏ nằm cheo leo trên gành đá hoặc cô độc giữa ngọn đồi nho nhỏ. Khung cảnh vô cùng quạnh quẻ, nên thơ trong vùng hoa dại. Vài căn nhà cheo leo gần sát biển, vách bạc phếch, trầy tróc vì thời tiết, sóng biển đầy bọt trắng xô dập dưới chân các tảng đá xám, trông rất u sầu, hoài cảm. Những nơi du khách thường lai vãng là Bảo Tàng Viện ngoài trời, nhà thờ Nanortalik, du khách có thể thuê thuyền đi quanh vùng vãng cảnh và thăm băng đảo.

 

Thấy một ngọn đồi đá dễ trèo, tôi lội bộ đến thì khám phá ra một vùng nghĩa địa xưa, nhiều ngôi mộ cũ kỉ chìm khuất trong hoa dại hoặc vài tấm bia mòn trơ với hình thánh giá giản dị và vô danh. Leo lên đỉnh đồi, tôi ngồi nghĩ mệt, nhìn xuống thành phố, tôi thấy khu nghĩa địa mới nằm ngay dưới chân đồi, chung quanh là nhà cửa màu sắc tươi tắn rải rác khắp nơi. Các chiếc tàu du lịch to tướng trong vịnh và khu tàu nhỏ của thành phố. Núi cao chập chùng mây trắng và làng Nanortalik trải rộng chung quanh với nhà cửa tí hon. Tôi ngồi im lắng nghe, cảm nhận thiên nhiên và nỗi yên bình thấm nhập vào tâm hồn cùng với làn gió biển mơn man.

Nghĩa trang tại Nanortalik

Tàu nhổ neo vào lúc 6 giờ chiều, trời còn sáng nên sau khi chụp ảnh tảng băng đảo lớn và hoàng hôn trên biển, chúng tôi sửa soạn đi ăn tối và tham dự buổi hòa nhạc.

 

Thành phố Qaqortoq- Greenland

Sáng ngày 7, tháng 8 năm 2019 tàu chúng tôi thả neo trong vịnh Qaqortoq (6). Qaqortoq có nghĩa là “trắng” dịch ra từ tiếng thổ ngữ. Nhưng trái ngược lại, thành phố trắng này lại là một thành phố rực rỡ màu sắc. Dân số 3089, kiểm tra năm 2016, là thành phố lớn thứ tư của Greenland. Qaqortoq có một bệnh viện 18 giường và 59 nhân viên làm việc, phục vụ cho cả ba làng: Eqalugaarsuit, Saarlog và Qassimiut (6). Thành phố có sân bay trực thăng, dùng trong trường hợp khẩn cấp. Đây là một hải cảng chuyên về thương mại, sửa chữa tàu biển và bảo tồn, chế biến hải sản như cá và tôm. Có một hãng thuộc da hải cẩu lớn và nổi tiếng tên là: Great Greenland. Vào thăm công xưởng, tôi thấy áo khoát và nhiều thứ trang phục khác bằng da hải cẩu màu thật đẹp, mềm mại như nhung, nhưng cũng thật đắt tiền. Nhờ sống tại miền nam Cali, khí hậu ôn hòa ấm áp nên tôi có đủ lý do để từ chối tiêu tiền mua áo da hải cẩu.

Theo đường chính ven biển, tôi rẽ xuống “town square”, nơi có viện bảo tàng và đài phun nước. Đài này tên là Mindebronden, xây từ 1932, quanh đài có tượng mấy con cá voi phun nước. Đây cũng là nơi du khách thích đến chụp ảnh kỷ niệm. Thấy mấy ông cụ người địa phương (Inuit) ngồi tán dóc trên băng ghế ven đường, có con chó trắng lớn mập lông xù quanh quẩn một bên, tôi vội vã chụp vài tấm ảnh trước khi con chó chạy đi chơi chổ khác.

Đi qua cầu ngang giòng suối nhỏ, tôi tiến đến một khu chợ cá. Trong chợ chỉ có cái phòng trống, không thấy gì hấp dẫn nhưng ở ngoài sân, dưới cái chòi lớn, ngư phủ đặt một cái bàn dài, trưng bày các loại cá tươi mới chài được hôm nay. Trên bàn có con dao lớn và cái cân, khách hàng đến lựa cá, nếu con cá lớn thì người bán sẽ chặt ra miếng nhỏ rồi cân cho khách. Có cả thịt hải cẩu và cá voi, nhiều loại cá tôi không biết tên vì thấy nó rằn ri lạ lắm, da có đốm như da beo.

 

 

Tôi ghé thăm nhà thờ Vor Frelser Kirke xem nội điện, sau đó tôi theo con đường đất, dẫn lên một triền đồi thấp. Một phía bên đường là vách núi, đoạn đường này gọi là “Stone and Man”. Dọc theo đường này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng 30 tác phẩm nghệ thuật bằng đá hoặc hình tạc trên vách núi do họa sĩ và điêu khắc gia địa phương hay từ Bắc Âu đến.

 

 

Từ vị trí của Stone and man, nhìn về thành phố, nhà xây nhiều cao độ khác nhau trên sườn đồi, màu sắc vui tươi. Ngồi sau bụi hoa dại, dùng những đóa hoa làm tiền cảnh, tôi chụp hình thành phố Qaqortoq xinh tươi trong ánh sáng dịu dàng của mùa hè tại South Greenland.

Chưa mệt đủ, chúng tôi quyết định trèo lên phố núi để khám phá ra khung cảnh mới. Quá trưa, ngừng lại một tiệm bán cà phê, ngồi xuống cái bàn gổ mộc mạc ngoài sân, chúng tôi dùng buổi ăn trưa giản dị, ngắm cảnh vịnh dưới chân đồi, lắng nghe tiếng gió lùa rì rào trên hoa, cỏ và mấy con chim biển gọi nhau. Từ từ chầm chậm đi xuống, thêm một dặm đường đổ dốc, chúng tôi chụp ảnh nhà cửa, bông hoa… Ngang một công xưởng thấy năm sáu người đang cuốn một cái lưới khổng lồ, tôi ngừng lại xin phép chụp ảnh, mấy cụ ngư phủ tươi cười vẩy tay chào. Trước khi xuống bến, tôi ghé lại ngắm nghía mấy tác phẩm nghệ thuật làm bằng sừng hươu và xương cá của các nghệ sĩ đang bày bán dưới mấy tấm bạt. Cuối cùng thì chỉ mua mấy đôi bít tất có chữ Greenland về cho cháu, gần mười đô một đôi tất bé tí. Tại đây tuy họ dùng tiền Kroner của Đan Mạch nhưng họ cũng chịu nhận tiền Mỹ hoặc thẻ tín dụng, không nhận thì đi làm lại nghề câu cá!

 

Iceland

Sáng ngày 10 tháng 8. Tàu cập vào hải cảng Reykjavik. Trước khi rời Mỹ, chúng tôi đã mua sẵn một chương trình du lịch riêng của hảng du lịch Golden Circle. Người tài xế kiêm hướng dẫn là Baldvin Palsson, có cô vợ người Mỹ, hai vợ chồng làm chủ chiếc xe Mercedes minibus mới toanh. Anh Baldvin nói tiếng Anh rất rỏ ràng. Tuy chương trình chỉ thăm viếng 4 địa danh nhưng vì về sớm hơn chút xíu, tôi yêu cầu anh cho đi một vòng phố để thăm và chụp ảnh, anh không ngần ngại chở chúng tôi đi thăm thêm hai địa danh trong thành phố Reykjavik.

 

Thingvellir- Công viên Quốc Gia- Rekjavik - Iceland

Sáng nay trên đường đi, Baldvin thuyết trình những điểm quan trọng về địa lý, lịch sử …của Iceland cùng chỉ cho chúng tôi xem những ngọn núi, xóm làng hai bên xa lộ. Xa lộ rất tốt và sạch sẽ, vắng vẻ và dễ lái xe. Địa danh đầu tiên là công viên quốc gia Thingvellir, cách Reykjavik 40km. Công viên nằm trên hai mảnh thềm lục địa cho nên khi đến đây, bạn có thể thăm North America và cả Eurasia. Công viên có, cỏ tươi, ao hồ  xanh thẩm phản chiếu màu trời, và phún thạch đen rêu trắng mốc. Địa danh được chú ý nhiều vì bao hàm lịch sử và  địa lý quan trọng của xứ sở này.(7)

Vào công viên, chúng tôi đi ngang qua một dòng sông nhỏ, trong suốt; hoa dại đong đưa trong gió. Tiếp tục đi bộ về phía ngôi nhà thờ nhỏ, sơn xanh và trắng rất xinh xắn. Chúng tôi chụp vài tấm hình cả trong và ngoài nhà thờ để làm kỷ niệm rồi lại ra đi.

Địa danh thứ hai là Strokkur Geyser. Được ghé ăn trưa và mua sắm trong khu vục gần bên vùng đất nóng và suối phun nước nóng, chúng tôi không cần vội vàng, ăn trưa thoải mái với món súp thịt cừu. Món canh này gần giống như súp rau quả ta thường nấu với thịt bò bắp.; thịt cừu nơi tiệm này, họ nấu không có mùi chi cả nên ăn rất ngon và mềm.

Ăn xong, theo đoàn du khách, chúng tôi đi trên con đường lát ván, vòng theo vùng đất nóng có mấy lổ bùn phun bong bóng như nước sôi, vài ba nơi trên cánh đồng có những làn khói nhẹ bốc lên đẫm mùi lưu huỳnh. Strokkur Geyser (8), không lớn như Old Faithfull tại Yellowstone của Hoa Kỳ nhưng nó cũng faithfull lắm; nghĩa là nước cũng phun lên gần đúng giờ. Điều hơi mệt là phải đứng hít hơi nước và mùi lưu huỳnh khi chờ; bất thình lình nước văng lên vài giọt rồi làm cái ào, chưa kịp chụp hình thì nó đi ngủ mất chứ không trường tồn dai đẳng như Old Faithfull nhà ta. Dù sao nó cũng là một cảnh để xem qua cho biết chứ thật sự thì không có nơi nào trên thế giới đẹp bằng Yellowstone cả.

 

Suối phun nước Strokkur – Reykjavik-Iceland

Xe chạy thêm 10 km chúng tôi đến thác nước Gullfoss  nằm trên sông Hvita, vùng Tây Nam của Iceland. Thác Gullfoss (9) có hai tầng. tầng 1 cao 11m và tầng 2 cao 21 m. Nơi đây gió thổi mạnh lắm, đi xiêu vẹo, tóc tai, áo xống bay phần phật.Tôi đứng trên cao chụp hình xuống, thử đi bộ xuống con đường dốc thấy trơn trợt quá nên tôi quay lại, tìm một cái cột, đặt máy ảnh lên  rồi chụp với tốc độ chậm để thấy dòng nước mịn như tấm lụa. Có cái cầu vồng sáng lên gần mé nước, hơi nước ẩm làm máy mờ nhòa phải chùi thật nhanh để chụp tiếp. Thác nước này hùng vĩ như Niagara, nước chảy mạnh bọt tung trắng xóa, cảnh sắc mỹ miều nhất Iceland nên du khách đến nhiều. Có người du khách tử tế chụp giùm chúng tôi mấy tấm hình kỷ niệm “người hẹn cùng ta đến bên bờ suối”; trong hình cả người với ta đều “tóc gió bay bay”, mặt mũi bơ phờ, tay bám vào hàng rào vì sợ bay xuống nước!

Rời Gullfoss, xe đưa chúng tôi qua Kerid Crater. Kerid là một hồ nước xanh thẩm trong lòng núi, tạo nên bởi ngọn núi lửa từ 3000 trước. Từ chổ đậu xe nhìn xuống, hồ hình bầu dục, xanh thẳm không thấy đáy. Vách núi chung quanh màu đỏ thẩm và nhờ khoáng chất chảy xuống từ núi, nước hồ trở thành một màu xanh tuyệt đẹp. Nếu có sức khỏe bạn có thể trèo xuống núi, đi bộ chơi trên con đường đất quanh hồ hoặc xuống bơi vài giây hay vài phút trước khi chết cóng vì nước rất lạnh (10).

 

 


Thác Gullfoss và hồ Kerid Crater – Reykjavik - Iceland

Trên đường về, Baldvin ghé lại nhà thờ Hallgrimskirkja (11) thuộc đạo Lutheran. Đây là nhà thờ lớn nhất của Iceland và cũng là một kiến trúc thuộc hàng cao nhất của đảo này. Kiến trúc sư Gudjon Samuelsson vẻ kiểu dựa vào biểu tượng của núi và băng đảo, xây 41 năm mới hoàn thành. Đáng lẽ nhà thờ không cao như vậy nhưng những người cầm đầu giáo phái Lutheran (Church of Iceland) muốn làm cho cao hơn nhà thờ Landakot, một thánh đường Công Giáo của Iceland). Trước sân nhà thờ, tượng đài của nhà thám hiểm Leif Erickson ngự trị rất oai vệ (12). Tượng này do nước Mỹ trao tặng. Trong nội điện có cái đàn đại phong cầm (Organ) rất lớn và đài quan sát trên ngọn tháp. Hiện tại, nhà thờ vẫn còn dùng để làm lể tôn giáo và lể cưới.

 

Nhà thờ Hallgrimskirkja và tượng đài Leif Erickson

Thăm Hallgrimskirkja xong, xe chạy qua đường Tjarnargata, quanh hồ Tjornin có nhiều căn nhà xây bằng vật liệu nhập cảng năm 1860 từ nước Anh, thay thế các căn nhà xưa kia làm bằng mái cỏ hoặc bằng đá. Những bức tường của loại nhà này ở trong bằng gổ, vỏ ngoài bằng những tấm thiếc (corrugated iron), sơn nhiều màu, có viền đậm rất xinh.

Xuống bờ hồ Tjornin chụp ảnh kỷ niệm, đàn vịt và mấy con thiên nga trắng tưởng có người cho ăn bơi đến gần, vỗ cánh ầm ỉ. Phía bên kia hồ là thành phố Reykjavic với viện Bảo Tàng quốc gia và hai tháp nhà thờ vươn lên oai nghiêm trên nền trời xanh thẳm. Bên tay phải là khu công viên lớn đầy cỏ xanh và hoa lá cho những kẻ bộ hành thưởng thức.

 

Reykjavik- Iceland

Tiếc nuối nhìn phong cảnh quanh mình lần chót, chúng tôi lại lên xe, chạy ngang qua nhà hát lớn rồi theo đường 41 về lại bến tàu. Ước chi tôi được ở lại Reykjavik vài hôm nữa để lang bang thêm một vài địa danh mới trong những ngày thời tiết tuyệt diệu như hiện tại (hiếm có tại vùng Bắc Âu lạnh lẽo). Quả là may mắn. Ước chi tôi được ngồi trong nhà thờ để nghe tiếng đàn Organ ngân vang, được đứng bên hồ Tjornin thêm năm mười phút nữa hoặc tản bộ ngắm hoa trong công viên thành phố. Cuộc sống nơi đây thật an bình.

Theo bờ biển Iceland, tàu chạy suốt đêm, ngày 11 tháng tám, tàu vào hẻm vịnh Skutulsfjordur. Tiến về phía nam, thả neo trong vịnh rồi đưa hành khách vào thành phố Isafjordur bằng thuyền nhỏ. Sáng hôm nay trời mưa lâm râm, chúng tôi mặc áo ấm dày và đội mũ len đi phố. Vì là ngày chủ nhật, hàng quán đóng cửa kín mít, dân địa phương ngủ dậy trễ nên đường xá vắng hoe. Isafjordur là một thành phố nhỏ phía tây bắc của Iceland, dân số chừng 2,600 người, sống nhờ kỹ nghệ làm cá hoặc chuyển vận cho các vùng lân cận và du lịch. Dù nhỏ và ít dân nhưng thành phố có một nhà thương và trường dạy âm nhạc khá nổi tiếng, hàng năm có tổ chức các cuộc trình diễn cho nhạc sĩ địa phương và ngoại quốc. Isafjordur cũng có một trường đại học: University Centre of the Westfjords.

 

 

Isafjordur - Iceland

Các căn nhà hai bên đường phố chính màu sắc xinh xắn, có khoảng nhà xanh lá cây, đỏ, mái trắng, hàng rào trắng; y hệt như tấm thiệp giáng sinh. Trong những khu vườn trước nhà,chủ nhân trồng nhiều loại hoa muôn màu rực rỡ. Isafjordur là vùng có khí hậu mát nhất của Iceland cho nên tuy đây là mùa hạ, thời tiết cũng giống như mùa xuân của nhiều vùng khác. Trên đường nơi nào cũng có hoa, trồng rất nghệ thuật, từ trung tâm thành phố ra tận ngoài vịnh. Thành phố nằm dài theo vịnh, hai bên là núi, giữa có con sông nên khung cảnh thật hữu tình. Trong phố có nhiều bức vẻ rất ngộ nghĩnh và mỹ thuật trên tường, dưới sông tàu bè cũng nhiều màu sắc và trong phố thì đầy hoa cho nên khung cảnh trở thành ấm áp và nên thơ. Có lẽ những thành phố bắc Âu này sương mù băng giá nhiều nên người ta mới điểm trang màu mè như vậy để cảnh trí được tươi sáng hơn.

 

Isafjordur- Iceland

Sau vài giờ lang thang chụp ảnh khắp thành phố, chúng tôi thấy có ngôi chợ lớn bèn vào xem sản phẩm. Siêu thị này có đầy đủ thực phẩm, kể cả mì ăn liền. Mua một mớ Icelandic chocolat, chúng tôi ra quầy tính tiền rồi dạo phố, tìm tiệm bánh và cà phê. Trời lạnh nên tiệm có nhiều khách, may thay chúng tôi kiếm được  hai chổ ngồi. Nâng ly cà phê lên môi, tôi cảm thấy ấm áp và sung sướng vô chừng, vì tôi đã tìm đến được những vùng đất xa xôi; và những giấc mơ nho nhỏ trong đời nay dần dần trở thành sự thật sau nhiều năm bỏ công xây dựng lại cuộc đời mới cho mình.

Chiều nay, du thuyền sẽ rời bến và đưa chúng tôi đến Faroe Islands. Xin chào Iceland, xin chào những cánh hoa mong manh đang nở rộ dưới cơn mưa bụi. Xin chào những tảng băng đảo xanh lơ cô độc trong bóng chiều, những đàn chim biển bay trên trời hoàng hôn. Mai này, ngồi sau cửa sổ, trong một ngày nắng ấm Cali, tôi sẽ nhớ lại, viết lại những gì mình thấy và học được trong các chuyến lang bạt giang hồ và sẽ cảm tạ đời sống thêm nhiều hơn nữa.

 

Tác giả và trẻ con địa phương tại Greenland PAGE   \* MERGEFORMAT

 

Tôn Nữ Thu Nga (San Dimas-10-10-2019)

***Tất cả hình ảnh tư liệu của Nhiếp ảnh Gia Tôn Nữ Thu Nga

Chú thích: Nếu muốn tìm hiểu thêm.

(1     (1)    Prince Christian Sound waterway – Wikipedia

(2     (2)    Aapillattox Village – Wikipedia geography

(       (3)    All about sea ice – nsidc.org

(      (4)    Nanortalik – Wikipedia geography

(5     (5 )    Inuit (Dân da đỏ, xuất phát từ Bắc Alaska và Artic Canada)

(       (6)    Healthcare in Qaqortoq – Wikipedia 

(       (7)    Thingvellir National Park -Guide to Iceland

(       (8)    Strokkur Geyser – Wikipedia

(       (9)    Gullfoss waterfall – Guide to Iceland

(      (10)Kerid Crater Lake – Guide to Iceland

(      (11)Hallgrimskirk – Wikipedia

(      (12)Leif Erickson -Wikipedia

  TRANG CHÍNH   TRANG TRƯỚC