*Để tưởng nhớ lại một bạn học, bạn đồng ngũ, TX2 Cao Xuân Vũ đã mất tích
trên bước đường tìm tự do...*
Trên triền dốc cao, những bụi tre đan chằng chịt quấn vào nhau như những đàn rắn
ngọ nguậy dưới buổi trưa hè nắng gắt, không gian thật im lặng. Xa xa bên dưới là
khu đồi rộng bao la, những bãi tranh màu lá mạ thật tươi đang đùa giỡn nhấp nhô
theo ngọn gió, lấp hẳn các lối đi ngoằn nghèo nối liền với khu rừng phía sau.
Giửa thung lũng, có những bóng người đang lom khom cắt tranh, mồ hôi nhễ nhại.
Đâu đây những tia nắng đủ màu cố chen qua các khe lá trải dái trên mặt đất làm
thành những khoảng loang lổ, rung động. Thỉnh thoảng đôi chú sóc hai màu, trắng
xám đang âu yếm đùa giỡn chung quanh bụi tre gây ra tiếng động nho nhỏ như phá
cái im lặng của không gian. Tôi nghĩ đến một giấc mơ, ước gì trong hoàn cảnh tự
do không bị quản thúc, tôi có thể ngồi đây nhẹ hưởng bầu không khí trông lành,
không bị quấy nhiễu bởi những bộ đội tay hườm AK rải rác chung quanh khu rừng,
canh chừng từng giây từng phút. Giật mình tỉnh mộng bởi cái thúc của Vũ đang nằm
song song, một tay gối đầu vừa cười nói:
-Hôm nay tới phiên mầy nấu cơm không lo chuẩn bị, ở đó lo với nghĩ, nhanh còn
ngủ trưa nữa. Chắc mầy không nghĩ cách để trốn trại chứ !.
Tôi dòm quanh, nhưng vẫn trấn an:
-Tao làm cơm trong năm phút, mầy ráng tranh thủ đi, để chốc nữa còn đi rửa chén.
Tao cho mầy biết, hôm qua đại đội kế bên có 5 thằng trốn trại nhưng chỉ có 2
thoát thôi, cón 3 đứa bị nhân dân bắt lại và giao cho tiểu đoàn, thế nào mình
cũng bị lên lớp nay mai.
Uể oải trên đống lá tre khô gom thành chỗ nằm êm ái, tôi cố gắng ngồi dậy trong
tư thế nửa nằm nửa ngồi. Nhìn đôi mắt Vũ tôi biêt anh ta đang đói bụng, nhưng
với tôi cũng không còn sức phục vụ hậu cần nửa, mà chỉ muốn nằm nghỉ được chút
nào hay chút nấy. Trên cao là những đám mây đủ màu sắc đang cố gắng chen ra
ngoài đám rừng mây chằng chịt, đan sát vào nhau như cuộc đời của chúng tôi.Thật
thế chúng tôi muốn vươn ra ngoài để sống, để thở không khí tự do, đất rộng thênh
thang nhưng không còn đường để đi, nhưng mà đi đâu? Đây là trại cải tạo, nơi mà
chúng tôi đã sống gần một năm qua trong khu rừng mênh mông không bóng người dân
lai vảng. Được di chuyển đến đây bằng những xe phủ mui bít bùng, sau khi xuyên
qua nhiều khu rừng, đồi núi trong một đêm tối trời, sau cùng đã tới trại nầy.
Ban đầu thật sự tinh thần của mọi người rất hoang mang và lo sợ không biết có
phải nơi đây là chỗ chôn thây tập thể hay là nơi tù đày khổ sai của những người
lính Cộng Hòa. Là những người thua cuộc cho lý tưởng, chúng tôi chấp nhận mọi sự
trừng phạt. Mọi người ra sức làm việc từ sáng cho đến tối, chỉ có thời giờ ngủ
thì mới được yên thân mà thôi. Tuần lễ vừa qua mọi người làm gấp đôi để sớm hoàn
tất hội trường cho tiểu đoàn, mỗi ngày trung bình nộp 2 cây, đường kính 3 tấc
cho mỗi người, nay nâng chỉ tiêu lên 4 cây.Nếu chọn đốn cây dùng làm cột thì là
2 cây lớn, thẳng và phải lội thật xa có khi hai ba khu rừng như trường hợp ngày
hôm nay của chúng tôi. Sáng nay tôi và Vũ đã chặt xong 1 cây, lột vỏ chờ cho mủ
khô, chúng tôi mỗi đưá một đầu khiêng về gần khu rừng tiểu đoàn, và dấu kín một
nơi, chờ tới trưa chặt tiếp cây thứ nhì thì giao luôn. Hôm qua đội phụ trách cắt
tranh, mỗi người 2 bó, mỗi bó to rộng hơn vòng tay. Cắt tranh tuy dễ nhưng châm
lắm, cỏ tranh bén cắt sướt da, mặt khác làm tay chân mình mẩy ngứa ngáy khó chịu,
phải dùng nước hoặc đi tắm mới hết, vả lại phải lội đi xa tranh mới tươi và dài.
Nói tóm lại ngày nào cũng phải làm hùng hục vừa dứt công tác nầy lại có công tác
kế tiếp không bao giờ được nghỉ, mỗi tối đều có hộp đội hoặc tổ để kiểm điểm
công tác trong ngày hoặc sửa sai, chê nhiều hơn khen, đó là hinh thức cải tạo,
một lối kiểm soát nhồi sọ kiểu XHCN.
- Mầy bắc cơm trước hả ! Vũ hỏi bâng quơ.
Tôi không trả lời. Dưới cái nắng cháy da mặc dù được phủ mát bởi những tàn tre,
nhưng sau khi nằm nghỉ trưa thức dậy sẽ thấy nhức đầu và chóng mặt, thêm vào đàn
muỗi chung quanh các bụi tre hễ bị cắn tới đâu là sưng tới đó, đau nhức khôn
lường. Tôi vừa đập muỗi vừa tìm một chỗ tiện nghi để mồi lửa và hâm lại thức ăn.
Nồi để đựng cơm là những lon Guigoz bằng nhôm, không rỉ sét dù được dùng cho mọi
thứ. Nói là nấu cơm cho vui chứ thật ra hâm nóng lại cơm ban sáng được phát
chung với canh rau muống nấu cùng tép cơm ( loại dùng làm phân) thêm chút muối,
nước thật nhiều. Ngày nào cũng vậy canh hòa với cơm, không cần thưởng thức,
chúng tôi lua nhanh chừng nào tôt chừng nấy. Sau khi tráng miệng bằng nửa cục
đường oval, hai đứa lăn ra nằm nghỉ.
Tay gối đầu, Vũ tư lự nhìn bầu trời bao la với những đám mây trong xanh hòa lẫn
với nhiều cụm bông trắng lang thang kéo về phía chân trời. Ánh nắng tỏa nhiều
màu sắc lan tràn khắp khu rừng đong đưa theo từng cơn gió thổi nhấp nhô trên các
bụi tranh kéo theo những tàn lá tre vàng úa rơi rụng. Tôi liếc nhìn Vũ nằm trong
tư thế thoải mái. Tóc anh dài tận ót, má lún đồng tiền, đờn hay, lúc nào cũng
tươi cười với bạn đồng đội. Anh có vẻ là một nghệ sĩ nếu đừng mặc bộ bà ba đen
và mang đôi dép râu với nón tay bèo rộng vành thì trông vẫn còn phong độ như
ngày nào phục vụ trong Quân Cảnh HQ.
Tôi và Vũ quen nhau từ nhỏ, cùng học trung học ở trường NBT, sau đó thì chúng
tôi chia tay, Vũ vào CVA còn tôi ở lại. Tuy nhiên chúng tôi cũng thường liên lạc
vào những ngày cuối tuần để trao đổi bài vở hoặc rủ nhau đi picnic hay xem chớp
bóng. Thời ấy chúng tôi chưa hiểu nhiều về trai gái nhưng anh ta có bồ, một em
nữ sinh Trưng Vương lúc nào cũng có đôi và mặn nồng. Trường NBT thường có lớp
giáo lý vào ngày thứ bảy hoặc các ngày lễ để dạy các học sinh học đạo, vì vậy
các con chiên của Chúa học rất đông, mà dân lương cũng không ít, theo học với
nhiều lý do. Trước hết các cha giảng dạy giáo lý xong, thường chiếu các phim về
du lịch hoặc các phim hay vừa chiêu ngoài rạp. Thứ hai là nhà trường phân chia
nam nữ học riêng khu nhưng lớp giáo lý lại học chung. Ôi cám ơn thầy cha đã biết
thông cảm đàn con của Chúa. Thôi thì bá quan văn võ, mặt thỏ mỏ dê tề tụ đông đủ,
không rủ cũng cũng đến, tràn sang khu nữ sinh nơi có lớp giáo lý mà ngày thường
là khu bất khả xâm phạm.
-Mầy ngoại đạo mà cũng học giáo lý thứ bảy nữa, không sợ Chúa phạt hay sao? Tôi
chận Vũ lại ngay đầu cổng.
Vẫn nụ cười cầu tài , anh gãi đầu mà miệng cứ phân trần:
-Ê lùn, tuần lễ có bảy ngày mà tao chỉ mong mau đến ngày thứ bảy, mầy thấy tao
ham học không ? Còn mầy chỉ muốn xem phim chứ học gì? Tao nói thiệt với mầy tao
có hẹn với Chung sau giờ giáo lý, tụi tao đi xem cinê.
Như sợ ai bắt gặp, nói xong Vũ bay nhanh ra cổng và khuất sau dãy hàng rào sắt
đen, đó là ranh giới giữa trường với khu bên ngoài. Tôi nhìn dáng anh ta mà lòng
cũng vui lây. Anh thường ngân nga và thổn thức bài Hạ Trắng như là điệp khúc của
tình yêu: " Gọi nắng cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay - Cho tay em gầy dài
thêm nắng mai - Bước chân em về nào em có hay - Gọi em cho nắng chết trên sông
dài." Một lần hắn đã giải thích với tôi về nắng như sau." Mầy biết không nắng là
kết tinh bởi các biến động (?) của thiên nhiên và vũ trụ, do đó nó đem lại sức
sống cho loài người, một tia nắng là một tia hy vọng, khi nào nắng tươi vui, sẽ
cho con người đầy ấm áp và tràn trề ước mơ. Nước VN mình là xứ nhiệt đới ánh
nắng lúc nào cũng đầy sinh lực đem lại tình người với nhau". Tôi chỉ biết gật
đầu và chấp nhận cái triết lý vòng vo, có lẽ Vũ đang yêu, con người đang yêu
thường thích cái không gian trừu tượng và tất cả là màu xanh hy vọng.
Sau nầy chúng tôi gặp lại, không phải ngoài đời mà trong quân ngũ, buồn vui
trong thời gian huấn luyện lẫn thực tập, và cả thời gian dài phục vụ trong cùng
một đơn vị sau khi ra trường. Thời gian trôi qua quá nhanh, mỗi người một hướng
cho đến ngày tàn cuộc chiên, và Vũ đến với tôi không phải là nụ cười cầu tài nữa,
mà với gương mặt hốc hác, ngơ ngác, bơ phờ như người vừa mất ngủ. Sự thất vọng
cao độ, anh không tin mất nước nhanh như vậy .Bạn bè đứa còn, đứa mất, một số
lớn phải chịu lưu lạc xứ người. Gia đình nào ít nhiều cũng có sự mất mát giữa
những người thân...Một lần Vủ đã nói:" Gia đình tao là dân di cư ,bố mẹ đã khăn
gói bỏ nơi chôn nhau cắt rún chạy giặc trước khi tao chào đời, nên gia đình tao
hiểu sinh hoạt dưới chế độ CS như thế nào? Nhưng vì tuổi tác cao ông bà không
muốn ra đi lần nữa, đành chịu theo số trời ". Vẻ chán nản lộ trên gương mặt khác
hẳn ngày trước, thêm vài nếp nhăn trên trán chứng tỏ những đêm dài suy tư không
ngủ, anh đã chấp nhận sự thật. Nhìn dòng người xuôi ngược chạy di tản,... chúng
tôi thấy mình như vừa đánh mất cái gì thiêng liêng vừa rời khỏi tầm tay xa dần...xa
dần.
Một buổi sáng sau ngày mất nước, Vũ hẹn tôi thật sớm tại quán côc ngoài đường,
nhìn quang cảnh hỗn độn bên ngoài, giọng thật trầm, ngước về khoảng trời xa, hắn
tâm sự. Tao có bàn với Chung(bà xã của Vũ) đêm qua về việc trốn khỏi nơi nầy
càng sớm càng tốt, vì tao biết ở Mỹ Tho vẫn còn có ghe chịu chở người ra ngoài
biển, hy vọng sẽ có tàu của hạm đội tiếp cứu, nhưng cuối cùng mộng không thành .
Vũ cho biết đêm qua trong giấc mơ đã thấy gia đình cùng vợ con lên thuyền theo
đoàn người ra khơi, nhưng chiếc ghe qúa nhỏ, vô số người chen chúc nhau, từng
bàn tay nắm vói như kéo lại cái hy vọng mỏng manh, chiếc ghe chòng chành trôi
theo giòng nước đến một thế giới xa lạ, tao không muốn nghỉ thêm mầy ạ ! Tôi cố
trấn an hắn nhưng trong lòng tôi cũng bất ổn, không biết phải làm gì trước tương
lai sắp xảy ra cho đất nước và cả cuộc đời mình sau nầy. Mọi sự đổi thay nhanh
chóng ngòai sức tưởng tượng của mọi người, nhà cửa mất sạch, gia đình ly tán,
một số người trước đây hiền thục, nay cũng đeo băng đỏ trên cánh tay và trở
thành cách mạng. Bọn tôi phập phòng cho số phận, cho đến khi nhận được thông cáo
trình diện học tập cải tạo, dù chỉ có hai ngày. Trước lúc chia tay mẹ tôi hai
tay run run dặn dò đủ điều nhưng tôi không còn tâm trí nào để tiếp nhận sự lo sợ
của bà qua đôi bờ vai chuyển động nhẹ theo tiếng nấc và nước mắt đã cạn dần, cố
nhìn tôi lần chót như là sẽ không còn dịp gặp lại nữa. Bà dặn tôi nên ráng chịu
cực, nhịn nhục trong mọi trường hợp, cố gắng học hành để mau trở về với gia đình,
sum họp với vợ con. Tôi rời nhà thật nhanh giữa những xúc động của người thân đã
dành cho tôi trong lúc biệt ly, để trốn đi cái sự thật phũ phàng, ra đi mà dạ
bất an, lòng bất ổn, cố nhìn lại nơi tôi sống từ thời ấu thơ cho đến khi trưởng
thành, thương xót khôn nguôi.
Không hẹn tôi lại gặp Vũ tại trung tâm trường Gia Long, chúng tôi lại có dịp
khơi lại dĩ vãng từ thời còn học sinh đến quãng đời trong quân trường, những
ngày quay brimade khó quên của các tuần đầu nhập khóa, cho đến những vui mừng
khi được đi bờ lần đầu tiên với bộ tiểu lễ trắng ngồi trên chiếc xe lam đầy ấp
sinh viên rời quân trường ra thị xã. Những ngày đó, bãi cát trắng đầy vết chân
người đánh dấu đời quân ngũ, từng tiếng sóng vổ nhẹ êm, từng ngọn gió ru động
lòng người. Dù có đi xa tận chân trời góc biển, người SQHQ nào cũng có lần nhớ
lại Trung Tâm Huấn Luyện HQ, nhớ Nha thành, bốn mùa hoa mộng để rồi như có lần
tự hứa:
Nha Trang, Cầu Đá, Hòn Chồng
Dấu chân phiêu lãng, cát hong bóng người
Mây xanh ấp ủ chân trời
Bọt ươm sóng biển, tàu rời xa xăm
Một mai xa cách hồi âm
Gởi người phương đó trăm năm kết nguyền....
*.*
Ê lùn, ngày mai thứ bảy, thầy Thế đêm nay chắc bắt đầu kể tiếp "Cô gái đồ long"
sớm chứ ? Mầy nhớ hôm trước tới đoạn nào, tao quên rồi ! Tiếng lao xao? của đống
lá khô dưới sức nặng của Vũ, đã đánh thức tôi... Vũ hỏi.
- Lúc Vô Kỵ chấp thuận ba điều hứa với Triệu Minh, để đổi lại biết tin tức của
cha nuôi Tạ Tốn điều thứ nhất là... Vũ bổng nhỏm đứng dậy đưa tay làm dấu " thôi
mầy đừng kể trước nữa để tối nay tao hấp thụ chân truyền võ công của sư phụ". Võ
công có thâm hậu mới đủ sức vác nổi 4 cây cột tổ bố hằng ngày chứ ! Tôi ngồi thư
lự, ngẫm nghỉ lại cuộc đời cải tạo....biết đến bao giờ mới rời khỏi đây. Mổi
ngày cứ từng ấy công việc, sáng vác búa vô rừng, tối họp tổ như chiếc kim đồng
hồ cứ xoay tròn trong cái phạm vi nhỏ hẹp, bao bọc bởi các rừng rậm, các hàng
rào kẻm gai và các chòi canh cao ngất. Những ngày cuối tuần tương đối thông thả
hơn, mọi người phần lớn dành thời giờ cho bản thân, nếu muốn giải trí thì có cờ
tướng, domino, ca hát, hoặc sang các lán khác kiếm bạn tâm sự để ngất ngây với
vài bi thuốc lào Lạng Sơn. Còn Vũ và tôi, có nhiều thời giờ để kể nhau nghe về
gia đình, chúng tôi chia nhau từng bi thuôc lào ,chia xẻ từng cục đường là thần
dược qúy báo của cải tạo viên và nhất là trong lức đau ốm hoặc trong công tác
lao động. Có lần sau khi họp tổ, tôi than đóI bụng, sau khi lục hết gia tài mà
chẳng có gì để ăn, Vũ căn dặn tôi ngồi chờ ngoài hiên, riêng hắn vụt đi trong
bóng tối. Bên ngoài trời mưa, tiếng mưa rơi đều trên mái tranh, bóng hắn nhảy
nhót qua các luống khoai mì ,xuyên qua các dàn mướp, rồi mấy phút sau đó trở về
trong tay một nắm rau muống thật lớn, mình mẩy ướt nhẹp. Hắn cẩn thận rửa sạch,
nấu xong đưa cho tôi một chén. Mùi rau luộc bốc lên thật hấp dẫn nhưng chen vào
đó một mùi khó ngữi làm bao tử tôi lộn ngược với mùi phân hăng hắc...Hắn nhìn
tôi, gãi đầu phân trần :Luống rau của tụi mình đã cắt sạch mấy ngày trước, tao
đành chơi phần của đại đội, tao biết, rau trước khi thu hoạch phải được tưới
nước trong vài ngày, không dùng phân, nhưng tối nay hai đứa mình đói bụng, thôi
mầy coi như là canh vi cá đi ! Tôi nuốc chén canh mà nghẹn lời, vì đâu đã gây
nên tai kiếp nấy nay chúng tôi phải gánh chịu, không có gì trong bụng thì làm gì
đủ sức để ngày sau kéo cày, tôi thương Vũ, thương hoàn cảnh cảc cải tạo viên....
Đêm đó trong giấc ngủ, tôi mơ thấy trời đầy sao, đây là sao mai, đây là chòm đại
hùng tinh đây là chòm sao thiên xứng, bầu trời của một thời quên lãng, nhưng
chưa bao giờ lãng quên trong đó không hận thù, oán ghét, không chiến tranh....tôi
cảm thấy lòng mình thơi thới, nhẹ nhỏm...
Khoảng thời gian sau, trong một ngày không phải lao động, tụi quản giáo xuống
làm việc ,thông báo cho biết tất cả sẽ được tập họp đại đội, sau đó là cấp tiểu
đoàn, mọi người tranh thủ chuẩn bị vật dụng cá nhân để được giao phó công tác.
Cả lán xôn sao, rối loạn, Vũ nói nhỏ vào tai tôi: "Tao đón chuyện lớn sắp xảy ra,
hai đứa mình có lẽ sẽ không cùng trại nữa, nhưng tao cảm ơn trời đất đã cho mình
sinh hoạt chung trong hơn năm qua, nhưng dù sao đứa nào được thả trước hãy ráng
giữ liên lạc với gia đình, tụi mình ngày về thật sự sẽ thấy đất nước thanh bình.
Còn nữa, nếu được thả về, tao sẽ dẫn Chung ra thăm quê nội, nơi hiện tại vẫn còn
các người thân, tụi tao sẽ đi ghe ngắm cảnh vịnh Hạ Long, tao sẽ tặng nàng cái
trâm làm bàng thiếc mỏng, cái lược làm bằng vỏ đạn, tao sẽ kẻ chân mày cho Chung
như Vô Kỵ đã làm cho Triệu Minh... Hắn còn nói nhiều nữa, tôi biết đây là dịp
cuối cùng không biết đến bao giờ gặp lại nhau, chúng tôi có nhiều kỷ niệm, biết
nói gì hơn là chúc nhau cố gắng vượt mọi trở ngại để mau đoàn tụ với gia đình.
Tôi bắt tay Vũ, chúng tôi giữ chặt tay nhau, hai bờ vai hắn rung động, nụ cười
héo hon, gật gật đầu, tôi không dám nhìn thẳng mặt hắn, tôi biêt nếu không kìm
giữ lúc nầy mình sẽ khó giữ xúc động trước cảnh chia tay. Bên ngoài vô số người
chạy tới lui gắp rút, nắng đã lan dần, vài tia nắng nhỏ xuyên mái tranh trải dài
trên chiếc giường tre cũ kỹ, đổi màu, những chiếc chiếu te tua hai đầu thủng lỗ
thấy cả nền đất sét ẩm ướt. Trưa hôm đó, Vũ được kêu tên cùng một số người khác
sang tập họp tại đại đội kế bên phân cách bởi hàng rào kẽm gai, hắn nhìn sang,
tay vẫy chào, chúng tôi thật sự chia tay và ngay trong đêm, toán của Vũ được đưa
lên xe bít bùng, chở xuống bến tàu để di chuyển ra đảo Phú Quốc theo như tin "
tình báo " lan truyền.
Riêng tôi sau hơn 3 năm cải tạo, được phóng thích, tôi tìm cách vượt biên bằng
đường biển cùng vợ con và đã định cư tại một thành phố ở Bắc Mỹ trong một ngày
đầu đông. Quê người tuyết lạnh băng giá, lạnh cả thể xác lẫn tâm hồn. Ngoài
đường các cây phong trơ trụi lá, chỉ còn sót vài chiếc cuối cùng như cố bám víu
sự sống còn, phía sau, các mái nhà chơ vơ tuyết phủ, bên cạnh các ống khói đang
phì phào thở, vài cuộn khói lơ lửng bay tỏa vào không gian. Từng đoàn người nối
đuôi đi nhanh trên cá đống tuyết bên vệ đường để bắt kịp các chuyến buýt, có hệ
thống sưởi ấm trên xe, mọi thứ đều muốn vượt trở ngại để sanh tồn.
Tôi cũng vậy, đi trong cái chết để tìm sự sống, mười ngày trên biển, một năm ở
trại tỵ nạn, cái mạng còn sót lại do cha mẹ cưu mang nên tôi ráng bảo tồn và
nhận nơi nầy là quê hương thứ hai. Mùa Xuân nơi đây rất đẹp, khi cơn lạnh giảm
dần, cây cối vạn vật nẩy nở, cả một màu xanh xuất hiện. Các nụ hoa uất kim cương
đủ màu nhú khỏi mặt đất. Buổi sáng thức dậy nghe tiếng chim hót ngòai vườn,
tiếng xe chạy đều bên ngòai, êm êm từ các con đường vắng, cả một không gian
thanh bình.
Thời gian kế tiếp, tôi nhận tin của Vũ đã ra trại, cùng vợ con đang sinh sống
tại quê nhà và đang chuẩn bị tìm đường vượt biên. Trong thư hắn có viết: " Được
tin gia đình mầy đã an cư lạc nghiệp tại cái xứ lạnh lẻo mà tao chưa hình dung
vị trí của nó trên qủa địa cầu, nhưng dù sao cũng chúc mầy yên vui nơi cái thiên
đường như tụi mình mong ước lúc còn ở trại Trảng Lớn. Bọn ở lại như tao, Tâm,
Hải v.v .có quê hương mà cũng như không, suốt ngày chạy trốn tụi nó, không phải
vì khuất phục mà vì bản năng sinh tồn của loài người phải sống qua tai kiếp nầy,
không còn thử thách nào làm chùng bước chân đi tìm tự do. Tao đang chuẩn bị đưa
gia đình về ngoại, một ngày rất gần hy vọng sẽ gặp lại mầy". Nhìn dấu ấn của bưu
điện, những màu mực đỏ lem luốc trên chiêc phong bì chuyển sang màu ngà, viết từ
thành phố đổi tên, làm tôi nhớ lại những con đường củ, nhớ Sàigòn...
Chúng tôi thư đi thư lại nhiều lần cho đến một hôm tôi tình cờ khám phá ra hắn
đã bặt tin từ lâu, tôi có viết thư về nhà hắn thì được biết trọn gia đình hắn
mất tích trong cuộc vượt biên cho đến giờ mà vẫn bặt tin. Tôi cố gắng viết nhiều
thư, người nhà hắn cũng xác nhận như vậy. Tôi thật sự mất thằng bạn, dù thời
gian 14 năm qua tôi hy vọng có một phép mầu làm Vũ an lành trở về từ biển Đông,
người đã chia xẻ ngọt bùi với tôi trong quá khứ rất nhiều. Hình ảnh chung vui ca
hát những bản nhạc tiền chiến trong rừng hoặc ngất ngây cảm giác say thuốc lào
qua chiếc điếu cày tự chế, từng ly nước trà đậm màu lấy từ lá mướp phơi khô mà
hắn đặt tên là Thiết quan âm Trảng Lớn, đến từng ly nước mát lấy từ lá xưng xâm
hoang dại, nào là thi đua nhặt rau càng cua mỗi lần vô rừng đốn mây, hoặc chia
nhau các búp măng non mới mọc ... những kỷ niệm đó vẫn còn đâu đây với tôi. Vũ,
mầy đã thực sự được yên lành, không lo âu, trong cái thế giới riêng như mầy đã
từng ao ước, đây là lúc mầy đưa Chung rong chơi phiêu lãng suốt từ Nam ra Bắc,
mầy sẽ kẻ chân mày cho nàng suốt đời, phải không Vũ? Mỗi bửa ăn có rau muống
luộc là tao nhớ canh vi cá của mầy? bây giờ rau muống tràn đầy, sao mầy không ở
lại để hưởng? Mình còn bao nhiêu kỷ niệm hả Vũ. Cái điếu cày mầy có còn giữ hay
không?
Ngoài xa kia nắng đã nhạt dần, một vài tia nắng còn sót lại, phản chiếu lăn tăn
trên biển như muốn kéo dài một ngày sắp qua... và sẽ đi vào lòng đại dương mãi
mãi. Đâu đây tiếng ca Ngọc Lan ru những lời xa xưa quen thuộc "Anh đưa em về
chân em bước nhẹ trời buồn gió cao. Đời xin có nhau dài cho mãi sau nắng không
gọi sầu. .Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu. Gọi mãi tên nhau."
Mùa Đông Mỹ Châu
TX2 VÕ KIÊM HUY
TRANG CHÍNH |
TRANG TRƯỚC |